Giáo dục nhân cách cho học sinh:
Đã qua rồi thời “yêu cho roi cho vọt...”!
(Petrotimes) - Xã hội càng phát triển, càng hiện đại thì giáo dục nhân cách cho học sinh càng khó, nhất là trong thời kỳ các chân giá trị đang thay đổi như hiện nay. Đó không chỉ là nhận định của ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội mà còn của nhiều giáo viên đang trực tiếp giảng dạy học sinh.
Cô giáo Nguyễn Kim Anh, dạy trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội bao nhiêu năm nay với vai trò chủ nhiệm lớp, chưa tối nào về nhà mà cô cảm thấy “bình yên” với công việc ở lớp.
Cô nghĩ tới học sinh này có cá tính quá mạnh đến nỗi nhiều khi thiếu kiểm soát lời nói, hành vi. Cô nghĩ đến học sinh kia, đang nảy nở tình cảm yêu đương với bạn học cùng khóa. Lại còn nhiều học sinh nữa, đang tuổi dở dở ương ương muốn khẳng định mình không những làm bố mẹ buồn phiền mà khiến ngay cả cô phải suy nghĩ, day dứt.
Nói chung tất cả đều khiến cô phải chú tâm để tìm ra phương pháp giáo dục thích hợp nhất nhưng với điều kiện không được làm tổn thương các em. Mà để làm được điều ấy, không hoàn toàn dễ dàng bởi bên cạnh vai trò là một giáo viên, cô còn đặt mình là một người mẹ, người bạn, một nhà tâm lý giáo dục...
Cô kể, có lần đã hơn 22h, đang soạn giáo án, bất chợt cô nhận được cuộc điện thoại của phụ huynh học sinh ở lớp với giọng nói nghẹn ngào tâm sự về cậu con trai “bận” yêu đương bạn gái cạnh nhà đến nỗi lơi là cả nhiệm vụ chính là học tập. Người mẹ này, thậm chí đã phải dùng đến roi vọt mà cậu con trai vẫn không nghe lời, thậm chí còn thách thức: “Nếu mẹ cấm đoán, con sẽ bỏ học và tiếp tục... yêu bạn gái đó”.
Cảm giác bất lực, vị phụ huynh ấy đã phải nhờ đến cô Kim Anh để cùng “cảnh cáo” nhằm buộc con trai bà phải chấm dứt “tình yêu” khi đang ở tuổi học trò. Sau khi nghe chuyện, mới đầu cô Kim Anh cũng nghĩ rằng “phải cho cậu học sinh một trận”. Nhưng ngẫm nghĩ suốt đêm, đến sáng sớm hôm sau, trước giờ đến lớp thì cô kịp nhận ra đó là cách giáo dục... phi giáo.
Cho nên thay vì như vậy, cô đã chọn phương pháp: chia sẻ, lắng nghe rồi từ đó định hướng cho học sinh theo cách: “đốt đuốc để soi sáng con đường các em sẽ đi”. Nhưng cô tâm sự: “Định hướng cũng phải khéo léo nếu không sẽ không đạt được kết quả như mong muốn, lại làm tổn thương các em, nhất là trong giáo dục tình cảm”.
Giáo viên cần khéo léo trong chuyện tư vấn tâm lý cho học sinh.
Cô quan niệm tình cảm là chuyện tự nhiên của con người, ở tuổi mới lớn thì tình cảm này càng dễ hình thành, nảy nở do đó không thể cấm đoán hay áp đặt được. Chỉ có thể là “luôn luôn lắng nghe để luôn luôn thấu hiểu”.
Không chỉ trong tình cảm mà ngay cả trong nhiều lĩnh vực khác để hình thành nên nhân cách của các em, cô Kim Anh cho rằng cũng cần phải giáo dục theo phương pháp như vậy. Chứ đã qua rồi cái thời áp đặt, phải quỳ trên gai mít để chịu sự giáo dục của thầy. Nhưng quan trọng nhất trong phương pháp giáo dục này, phải biết cương – nhu đúng lúc, phải biết đan xen thật hợp lý để các em tự nhận thức và làm theo nhận thức đó. Tuyệt đối, không được xỉ vả, “hạ nhục” các em.
Kinh nghiệm trên của cô Kim Anh cho thấy cô đã “thuần hóa” được học sinh tưởng như biệt danh “cá biệt” sẽ mãi gắn với cuộc đời em từ thời học sinh cho đến khi trưởng thành sau này.
Cô kể, nam sinh đó kể từ khi đứng trên bục giảng đến nay, cô chưa thấy ai bướng bỉnh, “gấu” đến như vậy. Nhưng sau một thời gian gần gũi gần như cô và học sinh đó có thể chia sẻ với nhau mọi chuyện thì học sinh đó thay đổi hoàn toàn, coi cô Kim Anh như người bạn, người mẹ, chuyện gì cũng hỏi ý kiến, nhờ cô tư vấn.
Cô Kim Anh bảo, khi giáo viên thật lòng yêu quý học sinh, thì dù ngang ngạnh đến mấy, khó gần đến mấy, học sinh cũng nhận ra và thân thiết với giáo viên hơn để từ đó có thể “thuần hóa” theo sự hướng dẫn của giáo viên.
"Đuổi học học sinh đánh nhau rất dễ nhưng sẽ đẩy các em đến đường cùng".
Tương tự, với vai trò lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, ông Thống cũng đã chia sẻ về phương cách giáo dục học sinh hiện nay thông qua việc xử lý trường hợp nữ sinh đánh nhau rồi quay clip tung lên mạng mà đã gây xôn xao một thời.
Khi đó, có rất nhiều ý kiến cho rằng phải kỷ luật thật nặng, thậm chí đuổi học học sinh đó. Thế nhưng cuối cùng, sau một hồi bàn đi tính lại, “nhấc lên đặt xuống”, ông Thống nhận định: đối với việc giáo dục học sinh, không gì tốt hơn là giúp các em nhận ra sai lầm và quyết tâm sửa chữa sai lầm đó. Đây là biện pháp giáo dục đầy nhân văn và rất... giáo dục.
Bởi nếu chỉ thực hiện hình thức kỷ luật là đuổi học thì quá dễ dàng với những người làm giáo dục, chỉ cần ghi vào học bạ, ký quyết định là hết trách nhiệm. Tuy nhiên, cách làm ấy, sẽ đẩy học sinh đến đường cùng và ở trốn cùng đường, không biết hệ lụy gì sẽ xảy ra với học sinh, có khi còn hơn cả đánh nhau rồi quay clip... Và lúc này trách nhiệm là của những nhà giáo dục chứ không phải ai khác.
Bởi vậy, theo ông Thống, trong giáo dục nhân cách đối với học sinh nói chung và với những trường hợp phải kỷ luật nói riêng, trước hết rất cần cái “TÂM” của nhà giáo. Chữ tâm “đó” sẽ là ánh sáng soi đường, là “chân lý” để giúp giáo viên đưa ra những hình thức tốt nhất, hiệu quả nhất trong giáo dục.
Ông Thống cũng chia sẻ: “Hình thức giáo dục bây giờ khác xa so với ngày xưa, không đơn giản và dễ dàng mà đòi hỏi trí và lực rất nhiều, phải kết hợp “4 trong 1” – người bạn, người mẹ (người cha), nhà tâm lý trong một thiên chức nhà giáo để giáo dục các em. Cho nên giáo viên hiện nay vất vả hơn nhiều so với giáo viên thời trước”.
Để giáo dục nhân cách cho học sinh tốt hơn và cũng để áp lực của giáo viên bớt đi phần nào, theo ông Thống gia đình, xã hội cũng nên chung tay vào sự nghiệp “trồng người” này .
Xuân Bách