Nhà văn Lê Minh Khuê:
Đừng nghĩ trải nghiệm là rào cản của sự sáng tạo
(Petrotimes)- Trong khi rất nhiều nhà văn Việt mang trong mình một món nợ với văn chương về đề tài chiến tranh thì nhà văn nữ Lê Minh Khuê lại là một bút lực dồi dào về thể loại này. Chị nhắn nhủ với những cây bút trẻ: “Nếu đam mê thì cứ dấn thân, trải nghiệm không phải là rào cản”.
Đề tài chiến tranh trong đời sống văn chương ngày nay ngày càng trở nên khan hiếm. Trong khi rất nhiều nhà văn né tránh chủ đề “khó nhằn” này thì Lê Minh Khuê lại rất dũng cảm dấn thân và đã trở thành một cây bút thành danh ở những tác phẩm viết về chiến tranh và hậu chiến. Nhà văn gốc xứ Thanh này đã trở thành một trong những bút lực bền bỉ và luôn luôn tìm tòi cách chuyển tải thông điệp trong những cái mới ở một đề tài tưởng chừng xưa cũ. Cổ điển, đằm thắm nhưng không vì thế mà kém phần sắc sảo, đầy gai góc, nữ tác giả vừa cho ra đời Nhiệt đới gió mùa tập truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh và hậu chiến với nhiều góc cạnh. Petrotimes đã có cuộc nói chuyện ngắn với nữ nhà văn trong buổi ra mắt Nhiệt đới gió mùa
- Cái tên “Nhiệt đới gió mùa” chị lấy làm tên cho tập truyện ngắn mới mang ý nghĩ gì?
- Thực ra khi viết những tác phẩm này tôi cũng không có chủ ý nhiều. Đó chỉ là một cái tên mà tôi đã thích từ lâu nên đã luôn trăn trở về việc viết một tác phẩm mang cái tên này.Như bạn biết thì, Việt Nam nằm trong vành đai nhiệt đới gió mùa. Tôi nghĩ rằng việc ở trong vùng không khí ấy thì cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách của con người. Gió Lào cát trắng, những cơn mưa và nắng ngột ngạt, sẽ vẫn còn đó trong dấu ấn của người Việt. Vì thế mà, Nhiệt đới gió mùa sẽ là những câu chuyện xoay quanh sự dữ dội và tàn khốc của chiến tranh, của những cuộc đời phía sau cuộc chiến tranh ấy
Nhà văn Lê Minh Khuê
Nhiệt đới gió mùa là tập truyện ngắn gồm 12 tác phẩm được tôi chọn in chung để ra mắt trong lần này. Với những Nghĩ ngợi quẩn quanh, Xe camry ba chấm, Nước trong, Chuyện bếp núc, Trên đường đê, Đồ cũ, Lãng mạn nửa mùa, Một mình, Ngày còn dài, Sống chậm, Nhiệt đới gió mùa, Ráp Việt. Trong đó tôi gửi gắm những cái nhìn đa chiều, thậm chí là những câu chuyện có thật mà tôi đã phải trải qua. Bên cạnh những tác phẩm viết về chiến tranh còn là những tác phẩm về thời hậu chiến. Rất nhiều những số phận sau cuộc chiến tranh như mối thù hận của hai người đàn bà quanh một người đàn ông, mối thù hận của hai anh em ruột thịt đứng hai đầu chiến tuyến hay cả những nhập nhèm tréo ngoe mà một thời chúng ta không dám nói ra... Tôi muốn người đọc tác phẩm của mình thấy được trong cái hiện thực trần trụi vẫn có hơi hướng lãng mạn. Và đâu đó vẫn tồn tại những tính cách nguyên thủy nhất để con người không bị đẩy lùi về phía bóng tối.
- Chiến tranh đang trở thành một đề tài khó nhằn và trở nên khan hiếm. Ít cây bút nào dám dấn thân, tại sao chị lại chọn cho mình hướng đi có vẻ gai góc như vậy?
- Đây không phải là lần đầu độc giả thấy tôi trong những tác phẩm về chiến tranh. Trước đó tôi cũng đã trình làng nhiều tác phẩm về thời chiến và hậu chiến. Đề tài này luôn làm tôi phải đau đáu suy nghĩ về nó và nó quả thực vẫn còn có sức hấp dẫn đối với tôi. Đến với đề tài chiến tranh không phải cái gì to tát lắm, trước hết là tôi viết cho mình, khi mà những suy nghĩ về nó vẫn ngồn ngộn trong lòng và rằng mình cần phải viết.
Nhà văn Lê Minh Khuê kí tặng độc giả trong buổi ra mắt " Nhiệt đới gió mùa"
- Trong khi rất nhiều người viết vẫn mang trong mình món nợ đối với văn chương về chiến tranh thì những đóng góp của chị với đề tài này có được xem là đã trả xong nợ?
- Mỗi người có một cách nhìn nhận, không thể áp đặt. Có thể nó có hấp dẫn với tôi, nhưng người cầm bút khác lại bị hấp dẫn ở một đề tài khác. Riêng tôi, việc “trả nợ” sẽ vẫn còn tiếp tục. Phải chăng tôi nợ với nó nhiều quá?
- Đã từng là chiến sỹ, phóng viên lăn lộn trong chiến trường. Phải chăng đây là lợi thế để chị viết về nó một cách sâu sắc hơn?
- Cũng có thể đây là một thuận lợi của tôi. Nhưng phải nói rằng, khi viết bạn nhìn nhận về nó thế nào thì cứ vậy mà viết. Đôi khi những ngôn từ, cú pháp bị phá ra khỏi những khuôn mẫu. Không cái khuôn mẫu nào được áp định cho văn chương nên không nên tìm lý do gì để giải thích cho việc nó không thể “sáng”.
- Xoay quanh thời chiến tranh và bao cấp, những câu chuyện tưởng chừng như đã cũ ấy đã sống dậy tươi mới như thế nào trong bút pháp của nhà văn?
- Tôi không nghĩ đây là một sự làm mới. Đã viết về chiến tranh nhiều nhưng mỗi giai đoạn khác nhau lại có sự nhìn nhận khác. Có những điều ngày xưa, người viết chưa nhìn nhận ra, hoặc chưa “phát” ra được bởi có những hạn chế thì đến nay chúng ra lại có dịp nhìn nhận lại. Khi chiến tranh đã lùi xa, ta được sống trong thế giới hòa bình... thì ta đủ bình tĩnh để chiêm nghiệm lại những gì đã qua. Phải khẳng định rằng, đề tài chiến tranh chưa bao giờ cũ cả. Nên viết về nó không khó. Chúng ta có thể nhắc đến nó ở nhiều góc độ. Mỗi góc nhìn sẽ là một trải nghiệm, một tiếng nói, có khi là một thông điệp chẳng hạn. Cái đó tùy thuộc vào tài năng của những người cầm bút.
- Viết về chiến tranh là để níu giữ một chút gì đó cho mai sau. Đó có phải là chủ ý của chị?
- Nói như vậy nghe chừng có vẻ to tát nhỉ. Tôi không nghĩ một cái gì đó quá cao siêu. Văn học thời nay “ăn xổi” nhiều, làm sao để hợp phong cách của đương đại, để người đọc tiếp nhận mà không bị nhàm mới là điều hay. Tôi không nghĩ sẽ phải làm được một cái gì đó, việc viết xuất phát từ nhu cầu tự thân. Và người đọc tiếp nhận được một điều gì đó, gọi là...thông điệp chẳng hạn, thì tôi xem đó như một sự đồng cảm.
- Viết về đề tài chiến tranh đang là vấn đề đáng quan tâm bởi thực sự thiếu vắng thể loại này ở những cây viết trẻ. Đó cũng là hệ quả thiết yếu bởi, người viết trẻ ít ai được trải nghiệm trong chiến tranh như thời của chị?
- Vấn đề trải nghiệm không trở thành thiết yếu đối với người cầm bút. Tôi nghĩ rằng, đó là tài năng, là trí óc tưởng tượng của họ. Tại sao trên thế giới vẫn có rất nhiều cây bút trẻ viết về đề tài chiến tranh thế giới thứ II, rất hay? Đó là họ biết tìm và đặt vấn đề, biết nhìn nhận ở những khía cạnh khác nhau. Vì thế, không cứ gì chúng ta sinh ra ở thời kỳ chiến tranh, chúng ta mới viết được về chiến tranh, trong cuộc sống, đâu đó vẫn còn những số phận hậu chiến tranh trông chờ vào những cây bút. Vì thế, đừng nghĩ trải nghiệm là rào cản của sự sáng tạo.
- Chị có lời khuyên nào dành cho những cây bút trẻ khi họ muốn thử sức với chủ đề này?
- Muốn viết về đề tài chiến tranh hãy thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ với thế hệ cha anh. Những mất mát đã qua, những chiến công hảo sảng vẫn còn đó, các bạn có nhiều phương diện, cách thức để tiếp nhận. Vì thế đừng ngại ngùng mà hãy cứ dấn thân đi.
- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Xuân Bách (thực hiện)