Nhà đầu tư “bất lực” nhìn dòng tiền bốc hơi!
(Petrotimes) - Một thời, chứng khoán (CK) là một trong những kênh đầu tư được xem là an toàn và sinh lợi “khủng” nhất cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế năm 2012, kết quả kinh doanh thua lỗ của một loạt các doanh nghiệp (DN) niêm yết, đặc biệt là DN bất động sản (BĐS) đã đẩy giá nhiều mã CK tụt dốc thảm hại. Và hệ quả tất yếu, không ít nhà đầu tư lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, “bất lực” nhìn dòng tiền của mình đang ngày ngày bốc hơi trên thị trường CK (TTCK)!
Ngao ngán rời sàn
Tưởng chừng nỗ lực giải cứu thị trường BĐS, khơi thông dòng vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh mà nền kinh tế áp dụng thời gian vừa qua sẽ tạo điều kiện nền tảng cho CK phục hồi thì nay, những diễn biến trên thị trường lại cho thấy điều ngược lại. CK không những không phục hồi mà còn có chiều xuống đi xuống, thậm chí có những mã CK có giá 1.000 đồng/CP, mà có khi là là vài trăm đồng/CP xuất hiện nhan nhản trên thị trường. Nhà đầu tư sa lầy, thậm chí với cả những mã CK được họ mua vào với giá bằng mớ rau, cọng hành cũng giảm mộ cách thảm hại không kém.
Anh Nguyễn Mạnh Dương – nhân viên văn phòng tại một công ty kinh doanh thiết bị chiếu sáng ở đường Trần Duy Hưng, Hà Nội cho biết: Cuối tháng 8 vừa rồi, nghe theo phân tích của dân chơi CK, anh đã dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm gần 100 triệu vào mã CK SHN của Công ty Cổ phần Đầu tư tổng hợp Hà Nội với giá 1.800đồng/CP. Với số tiền đầu tư trên, anh và những người bạn của mình tin rằng giá SHN sẽ tăng.
Một loạt mã CK giảm giá trước sự bất lực của nhà đầu tư
Tuy nhiên, trái với dự tính, giá SHN đã không những không tăng mà còn giảm liên tục và tính đến ngày 10/12, giá SHN mở cửa chỉ còn 900 đồng/CP. Như vậy, anh Dương đã mất trắng 50 triệu đồng.
Đó chỉ là một trong rất, rất nhiều câu chuyện mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường CK gặp phải bởi với rất nhiều người không có kiến thức hoặc kiến thức về thị trường CK hạn chế thì mức giá 1.000đồng/CP hay vài trăm đồng là quá rẻ và khó có thể giảm thêm nữa. “Mớ rau, cọng hành ngoài chợ còn đang tăng giá từng ngày huống chi là CK”. Với cách suy nghĩ này, một lượng lớn không nhỏ các nhà đầu tư lần đầu tham gia thị trường với hy vọng từ đồng vốn ít ỏi của mình sẽ kiếm được chút lợi nhuận trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay đã phải ôm hận!
Nhìn vào những số liệu thống kê trên TTCK những ngày gần đây, chúng ta không mấy khó khăn để nhận ra những mã CK có giá “mớ rau, cọng hành” xuất hiện như: giá SBS (mã CK của Công ty Cổ phần CK Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín) mở cửa ngày 10/12 có giá chỉ 1.100đồng/CP. Tức là chỉ cần bỏ một cái bánh mì kẹp thịt là chúng ta có thể sở hữu được tới 20 cổ phiếu SBS; hay như giá cổ phiếu DRH của Công ty Cổ phần Đầu tư Căn nhà mơ ước ngày 10/12 chỉ còn 2.100đồng/CP, tức là giảm 1.300đồng/CP so với đầu tháng 8/2012;…
Bết bát hơn có thể kể đến các mã CK của Công ty Cổ phần Hàng hải Đông Đô (mã CK DDM) có giá niêm yết ngày 10/12 là 800đồng/CP; của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (mã CK THV) có giá niêm yết ngày 10/12 là 800đồng/CP.
Bết bát còn kéo dài
Lý giải cho sự bết bát của TTCK và hiện tượng rời bỏ sàn của nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn của Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Hà Nội Vàng cho rằng, 2 yếu tố quan trọng nhất quyết định đến tâm lý của nhà đầu tư trên TTCK là sự ổn định, tính minh bạch và kết quả kinh doanh của DN. Nếu thiếu một trong 2 yếu tố này, dòng tiền đổ vào thị trường CK sẽ bị ảnh hưởng. Và nếu cả 2 yếu tố này cùng diễn ra thì sự cộng hưởng đó sẽ là vô cùng tai hại, nhà đầu tư rời sàn là tất yếu.
Việc một loạt nhà đầu tư nhảy vào thị trường với các mã CK có giá vài trăm đồng hay vài ngàn đồng chỉ là bột phát vì thực tế, 2 yếu tố kể trên tại những DN này là rất xấu, tình trạng này kéo dài đã dẫn tới hiện tượng đã giảm lại càng giảm sâu. Một lý do khác là thị trường BĐS – nơi quy tụ nhiều mã CK xấu nhất vẫn chưa có tín hiệu lạc quan dù đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của nền kinh tế.
“Chừng nào, sức khỏe của các DN niêm yết chưa được cải thiện, tính minh bạch, ổn định của thị trường không đảm bảo thì hiện tượng rớt giá thảm chắc chắn còn kéo dài” – vị này nhấn mạnh.
Từ đó để thấy rằng, vấn đề của TTCK lúc này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác từ nền kinh tế. Và khi tình trạng tồn kho hàng hóa trong nền kinh tế (được các chuyên gia nhận định lên tới hàng triệu tỉ đồng), nợ xấu ngân hàng lên tới 10% dư nợ tín dụng, nhiều DN Nhà nước, tập đoàn đang “vùng vẫy tìm cọc”... thì xem ra những khó khăn mà thị trường CK gặp phải trong năm 2013 sẽ không hề nhỏ. Và một khi DN chưa thể tự gỡ khó cho mình thì việc cầm tiền đầu tư vào các thị trường khác như CK, BĐS... hay những chính sách hỗ trợ hướng dòng tiền vào CK có lẽ là khó khả thi.
Mới đây, với mục tiêu đưa TTCK trở thành một trong những kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, Đề án “Tái cấu trúc TTCK và DN bảo hiểm” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Đề án khẳng định: Tái cấu trúc toàn diện TTCK và các DN bảo hiểm nhằm từng bước nâng cao vai trò, vị trí của TTCK và bảo hiểm; phấn đấu tới năm 2020 đưa thị trường này trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế; hỗ trợ tích cực cho thị trường tiền tệ trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Đề án đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề tái cấu trúc cơ sở hàng hóa trên TTCK, bằng các giải pháp như: Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường (nâng cao điều kiện niêm yết, phát hành, chú trọng tiêu chí vốn, lợi nhuận...); tăng cường tính minh bạch trên TTCK (triển khai áp dụng cơ chế công bố thông tin, từng bước áp dụng các chuẩn mực kế toán, kiểm toán...)...
Ngoài ra, Đề án cũng nêu ra các giải pháp như: Tái cấu trúc thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu DN; Tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư; Tái cấu trúc tổ chức kinh doanh CK;…
Thanh Ngọc