Con chó là con vật hôi thối
(Petrotimes) - Bạn đọc: Có tác giả cho rằng trong tiếng Hán, chữ Xú 臭 (= hôi) là một chữ hội ý, gồm chữ Tự 自 (= cái mũi) và chữ Khuyển 犬 (= con chó) để cho thấy, với người Hán, thì chó là giống vật thật sự hôi thối, mà mùi của nó gây cho người ta cảm giác khó chịu. Xin cho biết có đúng như thế không thưa học giả An Chi.
Học giả An Chi: Xú 臭 hiển nhiên là một chữ hội ý, gồm chữ Tự 自(= cái mũi) và chữ Khuyển 犬 (= con chó). Nhưng nói rằng vì chó là con vật hôi thối nên người ta mới lấy mùi hôi của nó làm cơ sở để tạo ra chữ xú 臭 trong tiếng Hán, thì lại là một điều khẳng định rất trái ngược với thực tế.
Nếu quả chó là con vật mà mùi hôi gây cho người ta cái cảm giác khó chịu thì hẳn dân Tàu sẽ chẳng bao giờ khoái xực thịt cầy từ xửa từ xưa, đến nỗi đã đặt cho nó một cái tên riêng. Đó là chữ Nhiên , một chữ thuộc loại hội ý mà cái ý được hội thì rất rõ ràng vì nó gồm có Nhục 月(肉) ở bên trái và Khuyển 犬 ở bên phải. Vậy Nhiên (khuyển nhục) là thịt chó. Cũng là những ngôn ngữ văn minh cổ đại, nhưng tiếng Latinh và tiếng Sanskrit đều phải kết hợp hai từ “thịt” và “chó” lại với nhau để diễn đạt cái nghĩa của danh từ Nhiên trong tiếng Hán cổ chứ không có một từ căn duy nhất riêng biệt.
Tiếng Latinh thì nói Canis Caro. Đây là một cấu trúc cú pháp tính trong đó Caro (thịt) là danh từ chính còn Canis (chó) là một danh từ được biến hình theo sinh cách (genitive) để chỉ sở thuộc hoặc xuất xứ.
Tiếng Sanskrit thì nói śva-māṃsa. Đây là một danh từ ghép chính – phụ cấu tạo theo kiểu tatpurusa là kiểu thứ ba trong bốn kiểu cấu tạo từ ghép của tiếng Sanskrit trong đó māṃsa (thịt) là từ chính còn śva (= chó – biến cách của śvan) là từ phụ thêm nghĩa.
Ngay cả tiếng Hán hiện đại cũng phải dùng hai từ Cẩu và Nhục mà nói thành “cẩu nhục” 狗肉, âm Bắc Kinh là gou.ròu. Vậy rõ ràng Nhiên là một từ độc đáo. Và trong văn hóa ẩm thực của người Trung Hoa, thịt chó quả là một món quen thuộc và khoái khẩu. Trong Bản thảo cương mục, khi nói về chó, Lý Thời Trân đã chia giống vật này làm ba loại: điền khuyển (chó săn), phệ khuyển (chó sủa = chó giữ nhà) và thực khuyển (chó để ăn = chó thịt). Thực ra thì ngày xưa, người Trung Hoa còn có một tiểu loại đặc biệt nữa thực khuyển là Hiến 獻.
Nơi chữ Hiến, Thuyết văn giải tự của Hứa Thận đã ghi: “Tông miếu khuyển danh. Lương (羹) hiến, khuyển phì giả dĩ hiến chi”, có nghĩa là: “(Hiến là) chó (dùng để tế lễ) nhà thờ dòng họ. Lương hiến (là) chó béo tốt dùng để tế lễ”. Thiên “Khúc lễ” của sách Lễ Ký cũng nói rằng Hiến dùng để tế lễ nhà thờ dòng họ.
Cứ như trên thì nói rằng chó là con vật hôi thối thật sự, mà mùi của nó gây cho người ta cái cảm giác khó chịu chẳng phải là gieo tiếng oan cho nòi giống của con vật cầm tinh ứng với chi thứ mười một hay sao? Nếu trong lục súc (trâu/bò, ngựa, dê, lợn, chó, gà), có con vật nào có mùi hôi đặc biệt thì đó chính là con dê. Nếu trong kho Hán tự, có một chữ nào có nghĩa là “hôi” mà tự hình lại gắn với tên một giống động vật thì đó là Thiên 羶, thường đọc thành Chiên. Chữ Chiên 羶 thuộc bộ Dương 羊 và có nghĩa là mùi hôi của dê, cừu; rồi trong tiếng Việt, nó còn chuyển nghĩa thêm một bước nữa để chỉ giống cừu, như trong danh ngữ Chiên ghẻ. Vậy xin bác bỏ cách hiểu sai trái của tác giả kia để đem lại công bằng cho giống chó.
Trở lại với chữ 臭 (= hôi), xin nói rằng Vương Lực cổ Hán ngữ tự điển ghi cho nó 2 âm: Hứu (Hú) và Xú. Với âm Hứu, nó có hai nghĩa: 1- Mùi, hơi (bất kể thối, thơm); 2- Dùng mũi mà đánh hơi. Với âm Xú, nghĩa của nó là “hôi, thối”. Hứu, cùng với hai nghĩa của nó, là âm gốc và nghĩa gốc. Cứ như trên thì chữ Hứu/Xú 臭 hoàn toàn chẳng liên quan gì đến mùi hôi (?!) của giống chó cả vì cái ý được hội ở đây chỉ là hình tượng “con chó (Khuyển 犬) dùng mũi (Tự自)của nó để đánh hơi” mà thôi. Đây là nghĩa nguyên thủy và là nghĩa của động từ; rồi từ đây, ta mới có danh từ phái sinh 臭, có nghĩa là “cái mà con chó dùng mũi của nó để phát hiện”, tức là mùi, là hơi, bất kể thối hay thơm. Do đó, ta mới có một câu như “Đồng tâm chi ngôn, kỳ hứu như lan” 同心之言, 其臭如蘭 trong Kinh Dịch (Hệ từ, thượng, chương 8), nghĩa là “Lời nói (của hai người) đồng tâm thì tỏa thơm như hương hoa lan”.
Từ trên đây suy ra, cái chữ 臭 tuyệt nhiên không nhằm hội cái ý “mùi hôi (!) của giống chó”; nó chỉ gói ghém cái ý “sự thiện nghệ của giống chó trong việc đánh hơi” mà thôi. Cái sự thính mũi của giống chó mà người Trung Hoa đã thấy từ xửa từ xưa đến bây giờ vẫn được sử dụng để phát hiện ma túy đó thôi. Chê nó hôi thì chẳng oan cho nó lắm ru?
Mà với âm hú/hứu thì nó có 2 nghĩa: “mùi, hơi” (danh từ) và “dùng mũi mà ngửi” (động từ). Vậy cái ý được hội ở đây là : cái mà con chó dùng mũi để ngửi (= mùi, hơi – danh từ) hoặc (chó) dùng mũi để đánh hơi (ngửi – động từ). Tội nghiệp cho con chó! Cái khứu giác “thiện nghệ” của nó đã cho ra cái chữ 臭, chứ phải đâu cái mùi hôi của nó. Phát hiện ma túy thì nó là number one đấy.
A.C