“Trò đời” có làm nên chuyện?
(Petrotimes)- Giữa bối cảnh khan hiếm kịch bản thì văn học được coi là “mỏ quặng” cho các nhà làm phim. Mới đây nhất, sự xuất hiện của Trò đời bộ phim truyền hình 30 tập được chuyển thể từ chùm tác phẩm của ông vua phóng sự Bắc Kỳ-Vũ Trọng Phụng đã phần nào thể hiện hướng đi đúng đắn của những nhà làm phim.
Không phải là mới
Trên thực tế thì nền điện ảnh Việt cũng có không ít những tác phẩm văn học được đưa lên phim và trở thành niềm tự hào của điện ảnh nước nhà. Vì vậy, ý tưởng cộng hưởng giữa văn học và điện ảnh không phải là mới. Tuy nhiên, trên cánh đồng văn học mênh mông, đặc biệt là giai đoạn văn học 1930-1945, thì điện ảnh Việt vẫn chỉ chạm được tới một phần rất nhỏ.
Một điều đáng nói là, việc cần phải nương tựa vào văn học khi mà kịch bản phim đang thiếu trầm trọng là điều các nhà làm phim đã suy tính. Nhưng nguyên nhân nào dẫn đến sự bối rối không nhập cuộc, vẫn còn là vấn đề nan giải. Những tác phẩm văn học đã trở thành “kinh điển” thì các nhà làm phim có vẻ dè chừng vì sợ không vượt được qua “cái bóng” quá lớn. Còn những tác phẩm văn học chỉ tầm tầm thì điện ảnh lại không dám mạo hiểm hoặc chăng còn bế tắc nhiều bề.
Nhân vật Xuân tóc đỏ trong Trò đời
Mới đây ý tưởng được xem là táo bạo của các nhà làm phim thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam gồm đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, vợ chồng đạo diễn Thanh Vân- Nhuệ Giang là đưa những tác phẩm văn học nổi tiếng giai đoạn 1930-1945 lên phim. Được biết, ý tưởng này đã được “thai nghén” từ lâu. Và sau này, khi bày dự án phim với lãnh đạo VTV và trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC), nhà làm phim đã nhận được sự đồng thuận và hỗ trợ sản xuất từ hai đơn vị này.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, vợ chồng đạo diễn Thanh Vân- Nhuệ Giang là những người tiên phong trong việc “đào bới” những lớp quặng của ngôn ngữ văn học để chuyển bốn tác phẩm kinh điển của Vũ Trọng Phụng lên phim. Sau bước thử nghiệm này thành công, sẽ hứa hẹn một loạt các tác phẩm xuất sắc của các nhà văn giai đoạn này sẽ được lên phim như: Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố...
Với Trò đời bốn tác phẩm văn học sẽ hội tụ gồm: Số đỏ, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây và Làm đĩ. Đây là những tác phẩm văn học xuất sắc đã đi sâu vào lòng công chúng nhiều thế hệ. Chia sẻ về sự mạo hiểm này đạo diễn Thanh Vân cho biết: “Trong số 4 tác phẩm này đã có Số đỏ được dựng thành phim cùng tên, Giông tố được dựng thành kịch. Nhưng để xâu chuỗi chúng thành một bộ phim truyền hình dài tập thì đây là lần đầu tiên”. Vị đạo diễn này cũng kỳ vọng, sự hoài cổ trong một bối cảnh mới của điện ảnh như hiện nay sẽ là dịp đổi món cho khán giả. Cái khó là ở chỗ, những tác phẩm này của Vũ Trọng Vụng đã rất xuất sắc, làm sao để chuyển tải những ngôn từ văn học thành ngôn ngữ điện ảnh là một cái khó và đây quả thực là sự mạo hiểm.
Kịch bản quyết định phim hay?
Được biết, kịch bản Trò đời do hai nhà biên kịch Lê Phương và Trịnh Thanh Nhã chuyển thể. Phim được bấm máy vào đúng ngày 20.10. 2012 kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Đến nay, phim đã hoàn thành được một nửa chặng đường. Tuy nhiên, chặng đường cũng lắm gian lao này khiến đạo diễn Nhuệ Giang trăn trở: “Cái khó cho việc làm phim lịch sử hiện nay là việc tìm kiếm diễn viên và chọn bối cảnh”.
Một cảnh trong phim Trò đời
Theo chị thì với hình ảnh Xuân tóc đỏ nhân vật xuyên suốt trong Trò đời đoàn làm phim đã rất nhọc công tìm kiếm. Làm sao để tìm được một diễn viên thủ vai Xuân tóc đỏ mà chỉ nhìn thôi cũng toát lên được cái thần thái đã khó, hơn nữa việc đòi hỏi diễn viên trẻ nhập vai vào lịch sử một cách linh hoạt quả là không dễ dàng. Cuối cùng thì, diễn viên trẻ Việt Bắc là người được “chọn mặt gửi vàng” để thử lửa với Trò đời. Đạo diễn Thanh Vân không ngừng kỳ vọng, Việt Bắc sẽ làm mới được hình tượng Xuân Tóc đỏ.
Một khó khăn nữa không thể không nhắc tới là việc tìm bối cảnh cho phim. Vấn đề phim trường thiếu trầm trọng của điện ảnh Việt đã là muôn thủa nên các nhà làm phim cũng không ít lần phải lao đao, nhất là những bộ phim đòi hỏi bối cảnh lịch sử như Trò đời. Việc cả đoàn di chuyển rất nhiều địa điểm từ Đường Lâm đến Đông Ngạc, rồi Phố cổ Tạ Hiện hay những bối cảnh cổ trong nội thành được tận dụng hết mức có thể như Trần Hưng Đạo, công viên Bách thảo... đã đủ thấy nỗi vất vả của đoàn làm phim. Vậy nên, khi được hỏi, nữ đạo diễn đa tài của điện ảnh Việt vẫn không dám hứa hẹn gì nhiều. NSƯT Nhuệ Giang chỉ chia sẻ: Sẽ làm tốt những gì có thể.
Có thể nói, dám dựa vào của văn học để chuyển tải thông điệp bằng một ngôn ngữ mới là một thử thách khó nhằn đối với các nhà làm phim. Lịch sử điện ảnh đã chứng minh, không phải cứ có kịch bản hay là phim sẽ thành công. Vẫn còn đó những bộ phim không vượt qua được cái bóng quá lớn của văn học như: Thời xa vắng của đạo diễn Hồ Quang Minh, bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lê Lựu. Bộ phim gây thất vọng ở chỗ đạo diễn quá tuân thủ theo tác phẩm văn học đến mức “rập khuôn” mà không đem đến được hơi thở mới cho bộ phim. Hay Cánh đồng bất tận - bộ phim chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình thì thất bại ngay từ chính bản thể của phim bởi thấy rõ được hình ảnh và nội dung mà bộ phim cần biểu cảm đã tự xung đột nhau.
Thế mới biết, việc đưa một tác phẩm lên phim không phải là chuyện dễ. Biết tận dụng những “thực phẩm” có sẵn là một chuyện, nhưng chế biến chúng thành những “món ngon” hay không lại dựa vào bàn tay tài hoa của người đạo diễn. Vì vậy, Trò đời bộ phim được xem là phát súng đầu tiên công phá cho việc chuyển thể để các tác phẩm văn học giai đoạn 1930-1945 lên phim có đạt hiệu quả hay không? Chúng ta vẫn còn phải chờ đợi.
Tuy nhiên, động thái biết khai thác và nương tựa vào văn học để cứu cánh cho điện ảnh trong lúc kịch bản đang khan hiếm được xem là một phát kiến, thậm trí là kế sách lâu dài của các nhà làm phim. Hy vọng rằng, với sự cộng hưởng của văn học, nền điện ảnh nước nhà sẽ có một tương lai khởi sắc hơn.
Huy An