"Né" ngành KHXH: Liệu có mất gốc?
(Petrotimes) - Việc học sinh phổ thông “thờ ơ” với ngành KHXH sẽ dẫn tới hậu quả mất cân bằng nguồn nhân lực tại khối ngành nghề. Nhìn nhận một cách sâu sắc hơn, sự suy giảm này còn là dấu hiệu của sự "khủng hoảng" hệ giá trị nhân văn, kéo theo nhiều hệ lụy có hại cho sự phát triển của xã hội.
>> Nhiều người “né” ngành khoa học xã hội
Thừa nhà buôn, thiếu nhà khoa học
Việc thí sinh cũng như xã hội coi nhẹ ngành KHXH đang ở mức báo động đỏ. Việc này dẫn đến nguy cơ trong tương lai, khi các ngành kinh tế, tài chính và một số ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ không sử dụng hết số lao động đã đào tạo thì các ngành KHXH sẽ khủng hoảng thiếu nhân lực, không có nguồn thay thế chất lượng.
Trong khi đó, những ngành này vốn cực kỳ quan trọng với bất kỳ xã hội nào trong lĩnh vực đời sống tinh thần. Nghề tài chính, ngân hàng đang “hot” bỗng đứng trước nguy cơ thất nghiệp hàng loạt vì nhiều nhà băng làm ăn yếu kém buộc phải tái cơ cấu, sáp nhập, cắt giảm nhân sự.
Theo Viện Nhân lực ngành ngân hàng tài chính, 32.000 sinh viên ngành này ra trường vào năm 2013 sẽ phải đối mặt với cơn khủng hoảng thừa nhân lực, ít nhất 12.000 sinh viên sẽ không có chỗ trong các nhà băng. Con số trên nếu nhân với 4 khóa đang theo học sẽ có khoảng 120.000 sinh viên ngành tài chính, ngân hàng lần lượt ra trường trong 4 năm tới.
Hướng nghiệp "lệch", hàng nghìn SV kinh tế, tài chính thất nghiệp
Sự lên ngôi của ngành tài chính, ngân hàng trong những năm qua đã khiến hệ thống GD-ĐT lãng phí hàng vạn sinh viên, kéo theo sự lãng phí lớn nguồn lực của xã hội.
Tong hàng chục năm qua, định hướng nghề nghiệp trong giới trẻ đã lệch hẳn sang các ngành nghề kinh tế, trong khi các ngành khoa học cơ bản, khoa học công nghệ, khoa học xã hội... ngày càng mất sức hấp dẫn, càng ít sinh viên theo học. Điều này dẫn đến tình trạng thừa nhà băng nhưng thiếu đi lực lượng nhà khoa học.
Nói về vấn đề này, GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học khẳng định: “Để đào tạo nên một con người cần cung cấp tri thức khoa học và tri thức về xã hội, đây là hai yếu tố căn cốt. Hiện nay có xu hướng lao vào tri thức thực dụng với sự lên ngôi của các ngành học như kinh tế, tài chính, ngân hàng, ngoại ngữ..., những nghề nghiệp nhanh chóng sinh lãi. Điều này, nhất thời tạo ra sự sung mãn của xã hội nhưng con người ngày càng trở nên cằn cỗi”.
Liệu có mất gốc?
Đương nhiên ai cũng hiểu, quay lưng với ngành KHXH, chính là sự quay lưng với các giá trị làm người (tâm hồn, nhân cách). Thật đáng buồn một bộ phận thanh, thiếu niên có biểu hiện quay lưng và coi thường quá khứ, sống thờ ơ vô cảm, hời hợt và thực dụng, chỉ coi trọng những giá trị vật chất trước mắt, chạy theo đồng tiền...
Đơn cử với môn học Lịch sử trong trường phổ thông, kết quả thi cử nhiều năm nay và những điều tra xã hội học cho thấy HS và thế hệ trẻ nói chung hiểu biết về lịch sử rất hạn chế, thậm chí nhiều HS "rỗng tuếch về sử".
Không phải chỉ năm nay điểm thi môn sử mới thấp, khảo sát kết quả kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2005 cho thấy có 58,5% số bài thi môn lịch sử bị điểm 1 trở xuống; năm 2006, điểm trung bình các bài thi lịch sử vào ĐH thấp nhất trong các môn.
Riêng ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trong tổng số 5.399 bài thi môn lịch sử, có tới 2.828 bài dưới 1 điểm (chiếm gần 53%), trong đó có gần 600 bài bị điểm 0 (tức là cứ 10 bài thì có 1 bài bị điểm 0)... Đến năm 2011, tình trạng hàng nghìn bài thi sử bị điểm 0 phổ biến ở nhiều trường ĐH, điều đó đã thực sự gây sốc cho dư luận, các nhà quản lý ngành GD-ĐT và giới sử học.
Thiếu đi những đầu tư vào ngành KHXH, thiếu đi việc giáo dục nhân cách cho giới trẻ, dẫn tới việc rất nhiều bạn trẻ tỏ ra vô tâm, thờ ơ với thời cuộc, với xã hội.
Quay ngược lại khoảng chục năm trước, thanh niên Việt Nam thường chỉ biết đến ngày Tết dương lịch, lễ Giáng sinh, lễ Tình yêu thì hôm nay, chúng ta thấy giới trẻ quay vòng chuẩn bị từ Valentine, Cá tháng tư, Phục sinh, Halloween, Valentine trắng, lễ Tạ ơn,… rồi đến cả những party học theo cách của thế giới (party trắng, party độc thân…).
Nhưng nếu hỏi đến những ngày lễ kỉ niệm của nước ta, chưa chắc đã để tâm chứ chưa nói đến những lễ hội dân gian như: lễ Thượng Nguyên, Tết Đoan Ngọ, Hội Gò Đống Đa, Hội Lim… hay lễ hội tại các vùng miền (lễ Cầu ngư, diệt trừ sâu bọ, mừng lúa mới …).
Tình trạng bạo lực học đường ngày càng nhức nhối
Không chỉ thờ ơ với truyền thống, tình trạng bạo lực trong học đường xảy ra ở nhiều nơi chính là do thiếu sự giáo dục về nhân cách, thiếu sự tu dưỡng đạo đức và tâm hồn. Tình trạng này hiện có chiều hướng gia tăng và được thể hiện ở những clip mang tính bạo lực rồi tung lên mạng với vẻ khoái chí và cho đó là một hành vi thể hiện cái "tôi" và "đẳng cấp" riêng của mình.
Điều khiến người ta bức xúc nhất là hình ảnh rất đông học sinh đứng xung quanh nhưng không ai chịu can ngăn và thay vào đó là những tiếng reo hò cổ vũ. Hình ảnh đó nói lên sự vô tâm đến mức vô cảm và có tốc độ lan truyền đi rất nhanh, lây nhiễm mạnh.
Gần đây, nhiều người giật mình trước việc hâm mộ thần tượng đến mức kỳ quặc, cũng như tự hành hạ bản thân của một bộ phận giới trẻ. Một cô bé sinh năm 1993 đã viết trên một diễn đàn: “Em thực sự không còn con đường nào khác để có vé xem Super Junior, em yêu Super Junior nên nếu như anh muốn em qua đêm với anh để nhường cho em 1 chiếc vé, em sẽ sẵn sàng, hãy giúp em…”. Một cô bé khác thì khẳng định: “Em sẵn sàng giết bố mẹ nếu không cho em đi xem Suju (Super Junior) biểu diễn. Thật vui vì ông bà già cuối cùng đã biết điều và để mình đi...”.
Sự hội nhập và giao lưu văn hóa mang đến Việt Nam nhiều sản phẩm tinh thần có giá trị, song mặt khác cũng xuất hiện nhiều chương trình dán mác ngoại nhưng xô bồ, thiếu chọn lọc với nhiều tác động xấu tới giới trẻ, đặc biệt là vấn đề lai căng.
Đơn cử như hiện tượng Emo (viết tắt của “emotional hardcore”, ban đầu là một thể loại nhạc bắt nguồn từ sân khấu hardcore của Washington D.C vào giữa những năm 1980).
Trào lưu này du nhập vào Việt Nam khoảng 3-4 năm, nhưng lại không phải theo con đường phương Tây mà là Nhật Bản với hiện tượng ăn mặc, để những kiểu tóc “unisex” (tóc ép thẳng, mái lệch một bên và che một con mắt), và đặc biệt là luôn tự hủy hoại mình bằng cách dùng dao lam cứa vào cổ tay.
Tự hành xác là thú vui mới của giới trẻ?
Cứa tay sau đó tự chụp ảnh, quay phim và quăng lên blog đó là hành động thường gặp của chúng. Giải thích lý do làm những việc khủng khiếp đó, các em này cho biết, do bị cha mẹ la mắng, do bị điểm kém, do thất tình…
Căn bệnh vô cảm, lai căng, mất gốc trong giới trẻ bắt nguồn từ việc thiếu giáo dục trong nhà trường và tại gia đình. Thiếu đi sự quan tâm, dạy bảo của cha mẹ, đồng thời trong nhà trường cũng không chú trọng các môn học mang tính chất tu dưỡng đạo đức cho học sinh, khiến tình trạng thờ ơ, vô tâm của giới trẻ ngày càng nghiêm trọng.
Vương Tâm