Người tiêu dùng mù mờ về luật bảo vệ quyền lợi của mình
(Petrotimes) - Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011, đến nay đã hơn một năm đi vào thực tiễn, tuy nhiên bộ luật này vẫn rất xa lạ với đại bộ phận người tiêu dùng.
Ngày 29/11 tại TP.HCM, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM phối hợp với hội luật gia thành phố đã tổ chức hội nghị đánh giá một năm thực hiện Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD).
Người tiêu dùng “mù” về quyền lợi của mình
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đều cho rằng, sau hơn một năm thực hiện một điều dễ nhận thấy là hiện nay NTD vẫn chưa biết hết 8 quyền lợi của mình trong việc tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa dịch vụ cũng như chưa hiểu được những nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện việc tự bảo vệ quyền lợi của chính mình và lợi ích của cộng đồng.
Nhiều trường hợp NTD khi tham gia giao dịch, mua và sử dụng hàng hóa chưa quan tâm đến việc đòi hỏi tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp đầy đủ thông tin hay những yếu tố liên quan đến sản phẩm hay liên quan đến giao dịch; cũng như không để ý tham khảo những hướng dẫn sử dụng hàng hóa của nhà sản xuất từ đó dẫn đến những tranh chấp với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó việc tuyên truyền để bộ luật này đến với người dân hiểu rõ vẫn chưa được quan tâm khiến cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa thấy được trách nhiệm của mình đối với NTD còn rất phổ biến. Trên thực tế không chỉ NTD không biết về luật này mà ngay cả nhiều doanh nghiệp khi được mời tham gia hòa giải do bị NTD khiếu nại đều cho rằng họ hoàn toàn không hề hay biết về sự tồn tại của Luật bảo vệ NTD, hoặc cho rằng luật này không liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Người tiêu dùng vẫn rất xa lạ với luật bảo vệ quyền lợi của chính mình
Luật gia Phan Thị Việt Thu, trưởng văn phòng giải quyết khiếu nại (Hội bảo vệ quyền lợi NTD TP.HCM) cho biết : trong hơn một năm luật đi vào thực tiễn, tại TP.HCM văn phòng hội bảo vệ quyền lợi NTD TP.HCM chỉ nhận được 100 vụ khiếu nại, trong đó tập trung vào các mảng dịch vụ và bảo hiểm. Theo bà Thu, qua tìm hiểu thì còn rất nhiều trường hợp NTD do không hề biết có luật bảo vệ NTD nên không biết những quy định bảo vệ lợi ích của mình. “Nhiều trường hợp NTD sợ khi khởi kiện ra tòa sẽ mất thời gian, phiền phức và đặc biệt là sợ tiền án phí. Họ không hề biết rằng luật này có quy định khi xảy ra tranh chấp dẫn đến ra tòa, NTD không mất tiền án phí (áp dụng theo khoản 2 điều 43)”.
Nhiều bất cập
Một vấn đề đặt ra là trong quá trình đi vào đời sống, việc thực hiện luật Bảo vệ NTD còn gặp phải nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ khiến cho NTD “ngại” áp dụng. Điển hình là việc Luật bảo vệ NTD đã quy định cho NTD thực hiện quyền khởi kiện nhằm đảm bảo quyền lợi của mình. Tuy nhiên đến nay nhiều trường hợp khi muốn làm đơn tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ NTD vẫn không rõ nên làm đơn gửi đến cơ quan nào.
Bên cạnh đó một vấn đề đặt ra là việc bảo vệ NTD ở các mặt hàng thuộc nhóm hàng lương thực, thực phẩm rất quan trọng nhưng việc thực hiện lại rất khó. Do đặc thù của các mặt hàng này là sử dụng thường xuyên, hàng ngày cho tất cả mọi NTD. Nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn rất lớn và rất khó quản lý vì đại bộ phận người kinh doanh là các hộ kinh doanh nhỏ, không thường xuyên, không đăng ký kinh doanh. Chưa kể đến việc các chế tài xử phạt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe NTD hiện nay còn quá nhẹ chỉ ở mức từ 100 nghìn đồng đến 15 triệu đồng, trong khi doanh thu nếu vi phạm là hàng chục tỷ đồng.
Luật gia Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch hội luật gia TP.HCM kiến nghị: Các cơ quan chức năng, đơn vị thực thi pháp luật cần phải tạo sự thống nhất và linh hoạt dựa trên tính minh bạch trong công tác thực hiện. Bên cạnh đó các cơ quan, tổ chức hữu quan cũng cần phải hoàn thiện hơn các công cụ hỗ trợ NTD. Mặt khác phải tăng cường chú trọng phát triển các Hội bảo vệ NTD vì đối tượng họ bảo vệ là tất cả NTD. Bên cạnh đó cần nâng cao mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến quyền lợi NTD. Đặc biệt là khâu tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức của NTD và cộng đồng doanh nghiệp là giải pháp tích cực để đưa Luật bảo vệ NTD đi vào cuộc sống một cách thiết thực nhất.
Đồng quan điểm trên, ông Ngô Bách Phong, Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi NTD TP.HCM cho biết: hội sẽ ghi nhận những ý kiến từ các cơ quan chức năng và từ phía NTD sau đó sẽ tổng hợp và kiến nghị đến cơ quan soạn thảo luật nhằm có sự điều chỉnh và sửa đổi trong tương lai cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế nhằm giúp NTD không chịu thiệt thòi.
Thùy Trang