Cậu bé không có khuôn mặt: "Cuộc sống là không giới hạn"
(Petrotimes) - Chiến tranh đã đi qua, những vết thương của nó vẫn còn để lại. Cái thời bom lửa vẫn không ngừng đeo bám số phận những nạn nhân bom mìn. Trong tiềm thức của họ vẫn hằn sâu nỗi đau.
Chiều 28/11, nhóm Hỗ trợ nạn nhân bom mìn (LSAG- Landmine Survivors Group) phối hợp với Đoàn thanh niên ĐH FPT tổ chức chương trình “ Cuộc sống không có giới hạn”. Tại đây, các bạn trẻ đã có dịp giao lưu với bạn Hồ Văn Lai - một nạn nhân do bị tại nạn bom mìn gây ra và vừa được trở thành tân sinh viên Đại học Bách Khoa Đà Nẵng 2012 và anh Nguyễn Đức Huynh - người sáng lập của nhóm Hỗ trợ nạn nhân bom mìn.
12 năm nỗi đau mang nặng
Hồ Văn Lai chia sẻ, ngày định mệnh của cuộc đời bạn xảy ra vào mùa hè năm 2000. Lúc đó Lai mới 10 tuổi và có một tuổi thơ êm đềm như bao bạn bè cùng trang lứa.
Trong một lần, trên đường cùng ba đứa em nhà bác đi chơi, vì tính hiếu động, khi thấy bãi cát đẹp, Lai đã sà xuống... và rồi một tiếng nổ vang lên...
Cho đến bây giờ, những cảm giác đó vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí Lai. Em nằm dưới cát. Thân hình nóng rát. Mùi thuốc súng đậm đặc và nghe thấy tiếng khóc. Giờ đây thi thoảng trong giấc mơ, em vẫn thấy cảnh tượng đó rõ mồn một.
Sau vụ nổ, Lai được chữa trị tại bệnh viện 4 tháng và điều trị 4 năm tại nhà. Hai trong số ba người em của Lai đã mất. Người còn lại cũng giống em, mang thương tật trên mình. Vết thương tật khiến em gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng khó khăn không ngăn nổi ý chí, nghị lực.
Dù cánh tay đã mất, đôi chân không lành lặn thì đối với Lai, cuộc sống vẫn mãi không có giới hạn. Em luôn mang trong mình khao khát đi học, khao khát cống hiến. Em không muốn mình trở thành người vô nghĩa.
Anh Nguyễn Đức Huynh và em Hồ Văn Lai chia sẻ câu chuyện của mình
Lai hi vọng mình có thể tự xây dựng tương lai bản thân sau này, góp ích cho xã hội, những điều đó đã trở thành động lực để Lai vượt qua mọi thứ.
Năm 2012, em được tuyển thẳng vào trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Sự quan tâm, giúp đỡ của người thân, bạn bè xung quanh thắp lên niềm tin về cuộc sống trong em. Hồ Văn Lai mỉm cười chia sẻ: “Ngay cả người bán hàng trên vỉa hè cũng yêu quí tôi. Tôi thấy hạnh phúc về điều đó. Với tôi cuộc sống không có giới hạn”
“Cậu bé không có khuôn mặt” của ngày hôm nay
Câu chuyện thứ hai trong buổi tọa đàm là câu chuyện cuả Nguyễn Đức Huynh. Cũng vào một mùa hè, nhưng là mùa hè năm 1994, khi Huynh còn là một đứa trẻ tinh nghịch sống tại làng nghề truyền thống làm rèn. Trong một lần sang xem hàng xóm tháo gỡ phế liệu bom mìn, vụ nổ đã xảy ra và ảnh hưởng đến khuôn mặt anh.
Từ đó cuộc sống của Huynh thay đổi hoàn toàn. Anh trở thành câu bé không có khuôn mặt, thường xuyên bị các bạn trêu chọc. Anh cảm thấy tự ti về bản thân.
Nhiều phóng viên lúc ấy đến chụp hình, nhưng anh chỉ biết che mặt như một bản năng. Chia sẻ tới đây, anh cười và nói: “Còn bây giờ điều đó không làm tôi sợ nữa. Khuôn mặt không còn quan trọng mà quan trọng là cách tôi sống như thế nào.”
Anh đã từng trải qua 12 lần phẫu thuật mặt ở Việt Nam và Mĩ. Có rất nhiều khó khăn trong các ca phẫu thuật. Nhưng một kỉ niệm mà Huynh cho là đáng nhớ đó là ca phẫu thuật thứ 12 tại bệnh viện trung ương Huế. Sau ca phẫu thuật ấy, Huynh khóc rất nhiều và nói với bố quyết định dừng phẫu thuật tại đây.
Mặc dù sau đó anh vẫn tiếp tục nhận được lời mời từ doanh nhân Goran Arvinius, người đã tài trợ và kêu gọi bạn bè giúp đỡ “Cậu bé không có gương mặt” hôm nào.
Nguyễn Đức Huynh trong “The boy with no face” (Cậu bé không có khuôn mặt), một thước phim gây tiếng vang lớn của nhà làm phim Thụy Điển Folke Ryden, năm 1996 lại có tên là Hòa. Huynh chia sẻ: “Cái tên đó là do sự nhầm lẫn của người liên hệ với ông Goran. Sau này khi biết tên thật là Huynh nhưng ông ấy vẫn gọi tôi là Hòa. Vì ông ấy thích cái tên Hòa hơn.”
Là người sáng lập ra trang web chỉ bởi anh muốn gắn bó những người khuyết tật với nhau, hòa nhập họ với cộng đồng. Anh cho rằng một cuộc sống có ý nghĩa là cuộc sống gắn bó với cuộc sống của chính mình.
Suy nghĩ đó cũng giống với Hồ văn Lai, cả hai người thanh niên trẻ này đều vẫn đang sống và cống hiến hết mình. Vì trong giấc mơ của họ có sự trở lại nỗi đau hôm qua nhưng có cả giấc mơ về tương lại tươi đẹp, đủ để họ tin rằng: “Cuộc sống không có giới hạn”.
Hoàng Hương