Thực phẩm biến đổi gien gây ung thư và giảm thọ?
(Petrotimes) - Kết quả một nghiên cứu về tác hại của thực phẩm biến đổi gien (OGM) đối với chuột vừa được công bố, gây chấn động công luận. Theo đó, nhóm chuột ăn ngô biến đổi gien có tỷ lệ bị u, bướu cao gấp khoảng 2,5 lần và tỷ lệ tử vong cũng cao gấp khoảng 2,5 lần so với nhóm đối chứng ăn ngô thường. Nghiên cứu này đang làm sống lại cuộc tranh luận gay gắt về tác động dài hạn của thực phẩm biến đổi gien trên toàn thế giới.
Ngày 19/9 qua, tạp chí Mỹ Food and Chemical Toxicology đã công bố kết quả một công trình nghiên cứu của một giáo sư Pháp về tác hại của loại ngô chuyển gien mang ký hiệu NK603. Kết luận của công trình do giáo sư sinh học phân tử Pháp Gilles - Eric Séralini (Trường đại học Caen, miền Tây nước Pháp) chủ trì, ngay sau khi được công bố, đã gây chấn động: từ 50 đến 80% con chuột được nuôi trong phòng thí nghiệm bằng loại ngô bắp NK603, cũng như với thuốc diệt cỏ Roundup kèm theo, đều bị ung thư.
Cho đến nay, đây là nghiên cứu khoa học đầu tiên cho thấy tính độc hại của thực phẩm OGM. Kết quả trên đã có tác dụng như một quả bom vì đánh thẳng vào ngành công nghiệp thực phẩm chuyển gien và một điều cho đến nay được rất nhiều người công nhận: Thực phẩm biến đổi gien vô hại.
Giáo sư Seralini và công trình khoa học gây tranh cãi trên toàn thế giới
Công trình nghiên cứu đã làm dấy lên tranh cãi về việc có nên cho sử dụng các loại thực phẩm biến đổi gien hay không, trong khi chưa biết rõ về khả năng nguy hại của loại thực phẩm này. Nhiều nhà khoa học đã chỉ trích bản nghiên cứu, trong lúc nhiều hội đoàn bảo vệ môi trường thì lên tiếng ủng hộ.
Ngày 4/10, Liên minh châu Âu - cơ quan bật đèn xanh cho sử dụng ngô NK603 do Tập đoàn Monsanto của Mỹ sản xuất trên lãnh thổ châu Âu - đã chính thức có phản ứng. Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) đã công bố kết luận sơ bộ, nghiêm khắc phản bác công trình nghiên cứu về nguy cơ của loại ngô chuyển gien NK603, cũng như loại thuốc diệt cỏ Roundup đi kèm theo.
Theo Cơ quan châu Âu, bản nghiên cứu này “không đủ chất lượng để có thể được coi là có giá trị trong việc đánh giá rủi ro”. EFSA yêu cầu nhóm nghiên cứu cung cấp thông tin chi tiết về mục đích chung của công trình, chủng loại và số lượng các con chuột được dùng để thí nghiệm, thành phần chính xác của thực phẩm cung cấp cho các con vật, các bảng phân tích thống kê... 24 tiếng đồng hồ sau thông báo của EFSA, GS Séralini đã phản ứng gay gắt, tố cáo ngược lại Cơ quan châu Âu là đã thiếu cẩn trọng khi bật đèn xanh cho lưu hành loại sản phẩm độc hại này.
Ngày 6/10, ông Séralini cho biết sẵn sàng cung cấp dữ liệu cho EFSA, nhưng với những điều kiện nhất định. Trước hết, ông chỉ phổ biến các chi tiết này “trên một trang web công cộng”. Đây không chỉ là dữ liệu mà EFSA đòi hỏi, mà ngay cả Hội đồng Công nghệ Sinh học Tối cao của Pháp (HCB) cũng yêu cầu. Điều kiện thứ hai là chính Cơ quan EFSA cũng phải tiết lộ các dữ liệu mà dự theo đó, cơ quan này đã cho phép bán loại ngô biến đổi gien NK603 và chất diệt cỏ Roundup.
Theo Giáo sư (GS) Séralini, khi bật đèn xanh cho lưu hành các sản phẩm này, EFSA “đã làm việc một cách tắc trách, trong một thời hạn ngẳn ngủi, với những cứ liệu đáng ngờ và rất hiếm hoi do Monsanto cung cấp và đã giữ bí mật về các dữ liệu này một cách bất bình thường”.
Giáo sư Séralini giải thích thêm rằng, các cứ liệu đó liên quan đến một nghiên cứu 3 tháng nơi loài chuột do nhà nghiên cứu Pháp Gérard Pascal thực hiện, và ông này “có rất nhiều liên hệ với giới công nghiệp”. Theo GS Séralini, việc công bố các dữ liệu trên sẽ cho thấy là ông Pascal đã “bỏ qua 50 hiệu ứng đáng kể”…
Đòi hỏi minh bạch hóa của GS Séralini cũng được các tổ chức, hội đoàn bảo vệ môi trường và hoạt động xã hội ủng hộ. Ngày 5/10 vừa qua, 130 tổ chức phi chính phủ quốc tế và Pháp, trong đó có Greenpeace, Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên WWF, ATTAC… đã cùng ký tên vào một lời kêu gọi chung, yêu cầu tạm hoãn việc cho sử dụng loại ngô NK603 cũng như loại thuốc diệt cỏ Roundup được dùng chung với loại ngô này.
Các tổ chức thuộc xã hội công dân nói trên đồng thời yêu cầu châu Âu phải minh bạch và công bố các nghiên cứu về tác động y tế và môi trường đã được sử dụng làm cơ sở để cho phép lưu hành các loại sinh vật biến đổi gien và thuốc diệt cỏ trên lãnh thổ Liên minh châu Âu.
Theo chuyên gia về chính sách đối với thực phẩm biến đổi gien tại Pháp và châu Âu, “vụ Séralini” đã đưa vào trung tâm công luận vấn đề các hiểm họa về y tế và trách nhiệm của ngành độc chất học trong việc đánh giá hiểm họa. Theo nghĩa này, thì nghiên cứu của GS Séralini đã thành công, vì - như “một hồi chuông báo động” - nó đã chứng minh cho công luận thấy sự yếu kém của ngành độc chất học, buộc những người có trách nhiệm vốn giữ im lặng về chủ đề này phải có tiếng nói trước công luận và khiến ngành độc chất học một lần nữa trở thành một chủ đề chính trị.
Trước đó, tạp chí Food and Chemical Toxicology cũng đã từng đăng một kết quả nghiên cứu khác do GS Yaxi Zhu thuộc đại học nông nghiệp Bắc Kinh, đánh giá tính độc hại của một giống ngô, kháng cùng loại thuốc diệt cỏ, trên cùng loài gặm nhấm. Tuy nhiên, nghiên cứu này lại không truy ra được các vấn đề. Lần này, điểm độc đáo trong nghiên cứu của GS Seralini và các cộng sự là đã thực hiện một khảo sát thực nghiệm đầy tham vọng. Lượng mẫu khảo sát dồi dào (hai trăm chú chuột được sử dụng) và thí nghiệm kéo dài trong vòng hai năm.
Tuy nhiên, giới khoa học đang đặt vấn đề về phương pháp nghiên cứu của giáo sư Seralini. Họ chỉ ra ba điểm đáng tranh cãi trong nghiên cứu : thứ nhất, giống chuột được đem thử nghiệm là giống Sprague - Dowley, một giống chuột dễ dàng phát bệnh ung thư. Thứ hai, thời gian nghiên cứu kéo dài hai năm cũng tương đồng với tuổi thọ của chuột. Và cuối cùng, khó khăn trong việc thẩm định kết quả cũng như là thời hạn thử nghiệm.
Hà Ninh (tổng hợp)