Tranh chấp về dầu khí ở Malaysia chưa có hồi kết
(PetroTimes) - Một trong những bang giàu có nhất của Malaysia đang nỗ lực giành quyền kiểm soát trữ lượng khí đốt lớn nhất của quốc gia này, làm phức tạp thêm mối quan hệ trong liên minh cầm quyền và đe dọa ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách liên bang.
Thủ hiến bang Sarawak, Abang Johari Tun Openg. Ảnh RT |
Sarawak - bang lớn nhất và giàu tài nguyên nhất Malaysia - đang yêu cầu quyền phân phối khí đốt địa phương từ Petroliam Nasional Bhd. (Petronas), Công ty đã nắm toàn quyền kiểm soát lĩnh vực này suốt 50 năm qua. Các cuộc đàm phán để tìm giải pháp hòa giải đã kéo dài gần 4 tháng, vượt qua hạn chót ngày 1/10.
Tranh chấp này là một thách thức lớn đối với Thủ tướng Anwar Ibrahim, người sẽ kỷ niệm hai năm giữ chức vào Chủ Nhật tới - một cột mốc mà không người tiền nhiệm gần đây nào đạt được. Thủ hiến bang Sarawak, Abang Johari Tun Openg, người dẫn đầu nỗ lực giành quyền kiểm soát khí đốt của bang, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ông Anwar nắm quyền sau cuộc bầu cử không ngã ngũ năm 2022 và hiện lãnh đạo đảng lớn thứ ba trong Chính phủ của ông Anwar.
“Vấn đề giữa Petronas và chính quyền Sarawak đang thử thách mối quan hệ bền chặt giữa hai nhà lãnh đạo”, ông Awang Azman Awang Pawi, nhà phân tích chính trị tại Đại học Malaya và là người Sarawak, nhận định. “Tình hình này kiểm tra khả năng của ông Anwar trong việc cân bằng quyền lực liên bang và nguyện vọng của các bang, đặc biệt là với vai trò quan trọng của bang Sarawak trong Chính phủ của ông”, ông Pawi nói thêm.
Ông Anwar, người từng chịu nhiều năm tù trước khi trở thành lãnh đạo, được ghi nhận đã làm dịu nền chính trị phân cực của Malaysia và khôi phục sự quan tâm của các nhà đầu tư. Đồng ringgit là đồng tiền có hiệu suất tốt nhất châu Á trong năm nay với tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ vượt mức dự báo ban đầu từ 4% đến 5%.
Tuy nhiên, Petronas là nguồn thu chủ chốt cho ngân sách quốc gia Malaysia. Gã khổng lồ dầu khí này dự kiến sẽ đóng góp 32 tỷ ringgit (7,2 tỷ USD) cho Chính phủ vào năm 2024, chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách của Malaysia trong năm.
Bang Sarawak, nơi chiếm 60% trữ lượng khí đốt của Malaysia, trước đây đã giành lại một số quyền liên quan đến tài nguyên thông qua các phán quyết của tòa án vào năm 2018 và năm 2019, và văn phòng của ông Abang Johari gần đây xác nhận rằng ông sẵn sàng đưa vấn đề ra tòa một lần nữa.
Sarawak và Sabah - bang láng giềng - đều nằm trên đảo Borneo và có quyền tự trị lớn hơn so với các bang trên quốc đảo Malaysia. Ông Abang Johari đã tận dụng ảnh hưởng chính trị dưới thời ông Anwar để thúc đẩy quá trình phân quyền nhiều hơn.
Sarawak là bang đầu tiên ở Malaysia giành quyền kiểm soát một ngân hàng và cảng biển, đồng thời đang chuẩn bị sở hữu một hãng hàng không riêng. Kể từ khi nhậm chức cách đây 8 năm, ông Abang Johari đã tuyên bố rằng các luật của bang này được soạn thảo trước khi gia nhập Malaysia vào năm 1963 cho phép Sarawak có quyền sở hữu cả tài nguyên dầu khí trên đất liền lẫn ngoài khơi.
Phát biểu trước hội đồng bang hôm thứ Tư, ông Abang Johari tuyên bố rằng Sarawak không chỉ yêu cầu quyền kiểm soát khí đốt mà còn cả quyền sở hữu thềm lục địa - đáy biển và lớp đất dưới biển trong vùng biển ngoài khơi của bang. Ông khẳng định Sarawak sẽ bảo vệ quyền lợi của mình để “giữ vững chủ quyền lãnh thổ và kiểm soát tài nguyên”.
Văn phòng của ông Abang Johari dẫn lại các tuyên bố này khi được yêu cầu bình luận về vụ việc. Petronas từ chối trả lời ngoài thông báo ngày 31/10 rằng các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra.
“Các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục và chúng tôi hy vọng sẽ đạt được một giải pháp hòa bình”, văn phòng ông Anwar cho biết trong một tuyên bố và nhấn mạnh rằng, thỏa thuận cần phải bảo đảm lợi ích của Chính phủ Liên bang và Petronas, cũng như của bang Sarawak và công ty năng lượng bang là Petros, “vì lợi ích lớn hơn của quốc gia”.
Yêu sách ngoài khơi của Sarawak có thể ảnh hưởng đến mục tiêu lập pháp tập trung của Malaysia về công nghệ thu giữ carbon, do các dự án thu giữ carbon lớn nhất của quốc gia này nằm trong vùng biển ngoài khơi đảo Borneo.
Thủ tướng Anwar Ibrahim gần đây nói với Free Malaysia Today rằng, mặc dù ông sẽ trao quyền cho các bang khi cần thiết, nhưng ông cũng sẽ “đặt giới hạn” khi thấy phù hợp.
Sau các tranh chấp pháp lý trước đây với Petronas, chính quyền Sarawak đã thành công áp dụng yêu cầu cấp phép địa phương và thuế bán hàng đối với các sản phẩm dầu mỏ. Loại thuế này - chủ yếu đến từ các khoản thanh toán của Petronas - đã trở thành nguồn thu lớn nhất của bang Sarawak, mang lại 18,6 tỷ ringgit kể từ năm 2019.
Việc nhượng quyền kiểm soát khí đốt có thể gây ra tác động sâu rộng hơn đối với Petronas, đặc biệt là tại terminal khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bintulu - nhà máy lớn thứ ba thế giới và là trung tâm xuất khẩu khí đốt quan trọng. Petronas cho biết các cuộc đàm phán hiện tại nhằm “bảo vệ tính toàn vẹn của các thỏa thuận hợp đồng hiện có và bảo đảm rằng cam kết với các nhà đầu tư cũng như khách hàng có thể tiếp tục được thực hiện”.
Tuy nhiên, những chiến thắng trong quá khứ của chính quyền Sarawak không thể phản ánh cách tranh chấp hiện tại sẽ được giải quyết tại tòa, theo cựu Bộ trưởng Luật pháp Malaysia Zaid Ibrahim. “Hiện chưa có phán quyết ràng buộc nào từ Tòa án Liên bang về vấn đề này, đặc biệt là về quyền lãnh thổ”, ông nói.
Tòa án Liên bang là cơ quan xét xử cao nhất của Malaysia và giải quyết các vấn đề về hiến pháp. Vào năm 2018, Petronas đã tìm kiếm một tuyên bố từ tòa rằng họ có quyền kiểm soát tuyệt đối đối với tất cả tài nguyên dầu khí của Malaysia theo luật liên bang. Tuy nhiên, tòa đã từ chối đưa ra phán quyết vì lý do kỹ thuật và Petronas chưa đáp ứng yêu cầu này.
Sabah, bang bắt đầu thu thuế bán dầu khí từ Petronas sau chiến thắng pháp lý của chính quyền Sarawak, có khả năng sẽ theo bước Sarawak nếu đạt được thành công mới. Đây là bang duy nhất ngoài Sarawak sở hữu công ty dầu khí riêng và cũng được lãnh đạo bởi một đồng minh của ông Anwar, người hiện đang phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng liên quan đến các nhà lập pháp bang.
Dưới thời cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, các tranh chấp pháp lý trước đây giữa chính quyền Sarawak và Petronas đã được để tự do diễn ra tại tòa án. Tuy nhiên, khi đó, Đảng của ông Abang Johari không thuộc Chính phủ Mahathir, trong khi hiện tại, ông Anwar phải cân bằng lợi ích giữa Petronas, bang Sarawak và đồng minh của mình.
San Naing, nhà phân tích cấp cao về dầu khí của BMI, cho biết trong một hội thảo trực tuyến hôm thứ Năm rằng Petronas và chính quyền Sarawak có thể sẽ đạt được một thỏa thuận chung, miễn là Sarawak nhận được thêm lợi ích từ nguồn tài nguyên phong phú của mình.
Adib Zalkapli, một nhà phân tích độc lập đã theo dõi tình hình Malaysia hơn 15 năm, nhận định rằng các cuộc đàm phán đang “diễn ra khá chậm”, điều này có thể có lợi cho ông Anwar.
“Có thể ông ấy đang chờ đợi cuộc tổng tuyển cử, hy vọng liên minh của mình giành thêm nhiều ghế ngoài bang Sarawak”, ông nói, điều này sẽ làm suy yếu vị thế đàm phán của đảo Borneo. Cuộc bầu cử liên bang tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2028.
Nhật Bản đầu tư vào khai thác LNG ở Malaysia |
Năng lượng gió ở Malaysia có đặc thù gì? |
Malaysia áp dụng thuế carbon và tái khẳng định mục tiêu khử carbon |
Nh.Thạch