Quảng Ngãi: Phát hiện 3 bồn chứa LNG bị sóng đánh trôi dạt vào bờ
(PetroTimes) - Tại thôn Lệ Thuỷ, xã Bình Trị (huyện Bình Sơn), 3 bồn kim loại đã trôi dạt vào bờ được người dân và lực lượng chức năng phát hiện.
Ngày 25/11, Đồn Biên phòng Bình Thạnh (huyện Bình Sơn), thuộc Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi cho biết, đơn vị vừa phát hiện 3 bồn kim loại trôi dạt vào bờ biển.
3 bồn chứa kim loại được phát hiện tại bờ biển huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. |
Cụ thể, khoảng 12h ngày 24/11, trong lúc tuần tra, Đồn Biên phòng Bình Thạnh cùng lực lượng chức năng và người dân địa phương phát hiện 3 bồn kim loại màu trắng, hình trụ tròn. Các bồn kim loại có kích thước 6 x 2,5m. Sau khi bị sóng đánh, 3 bồn kim loại này đã trôi dạt vào bờ biển thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Lực lượng chức năng kiểm tra sơ bộ các bồn chứa bị trôi dạt vào bờ. |
Các bồn này được nhận định ban đầu là bồn chứa khí thiên nhiên hoá lỏng LNG. Phần thân của các bồn có gắn van bơm, ống xả, đồng hồ đo áp suất và khung sắt liên kết bảo vệ. Đồng thời, trên thân mỗi bồn đều niêm phong bằng kẹp chì, có ký hiệu cảnh báo nguy hiểm và nhiều thông tin khác về trọng lượng, website đơn vị sản xuất, kinh doanh bồn chứa khí…
Sau khi phát hiện, Đồn Biên phòng Bình Thạnh đã cùng người dân địa phương neo cố định vào thân đê. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng cử lực lượng để canh gác đề phòng các bồn LNG này tiếp tục bị sóng đánh trôi dạt gây nguy hiểm cho tàu thuyền và những công trình trên biển.
Sà lan bị sóng đánh trôi dạt vào bờ biển gần khu vực phát hiện 3 bồn kim loại. |
Bên cạnh 3 bồn chứa khí LNG này, Đồn Biên phòng Bình Thạnh và người dân địa phương cũng đã phát hiện 1 sà lan vô chủ bị sóng đánh lật úp trôi dạt vào bờ. Địa điểm của sà lan này cách bồn chứa khí hoá lỏng khoảng 300 mét. Do nhiều trở ngại của thời tiết, sóng lớn nên lực lượng chức năng chưa thể tiếp cận, kiểm tra thực trạng sà lan trôi dạt.
Bồn chứa khí thiên nhiên hoá lòng (LNG - Liquid Natural Gas) là loại bồn thường được sử dụng để vận chuyển chứa khí thiên nhiên được hoá lỏng. Thông thường, các khí thiên nhiên này được làm lạnh ở nhiệt độ thấp (khoảng -160 độ C), áp suất thấp trở thành dạng lỏng. Sau khi được vận chuyển đến nơi khác, khí dạng lỏng này sẽ được xử lý trở thành dạng khí để sử dụng. |
Phúc Nguyên