Tin tức kinh tế ngày 13/11: Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tiếp tục lập kỷ lục mới
(PetroTimes) - Giá USD ngân hàng cao kỷ lục; Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tiếp tục lập kỷ lục mới; Xuất nhập khẩu Việt Nam tăng trưởng cao hàng đầu châu Á… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 13/11.
Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tiếp tục lập kỷ lục mới (Ảnh minh họa) |
Giá vàng tiếp đà lao dốc
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 13/11, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2609,48 USD/ounce, giảm 13,86 USD so với cùng thời điểm ngày 12/11.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 13/11, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 80,5-84 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 300.000 đồng ở cả chiều mua và chiều bán so với cùng thời điểm ngày 12/11.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 80,5-84 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 100.000 đồng ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 12/11.
Trong khi tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 80,7-84 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 100.000 đồng ở chiều mua và giảm 100.000 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 12/11.
Giá USD ngân hàng cao kỷ lục
Theo công bố của NHNN, tỷ giá trung tâm hôm nay 21 đồng so với phiên trước, lên mức 24.288 đồng/USD. Với biên độ +/-5%, tỷ giá trần hôm nay là 25.502 đồng/USD và tỷ giá sàn là 23.073 đồng/USD.
Tại các ngân hàng, giá bán USD tiếp tục tăng kịch trần và phá vỡ kỷ lục cũ, góp thêm một mức giá đỉnh cao nhất lịch sử mới.
Theo các chuyên gia, giá USD tăng mạnh do đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế và do yếu tố mùa vụ trong nước. Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tại các nhà băng tăng khoảng 4,4%.
Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tiếp tục lập kỷ lục mới
Theo số liệu mới nhất được NHNN công bố, tính đến hết tháng 8/2024, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế (chưa bao gồm các khoản giấy tờ có giá) đạt hơn 16,6 triệu tỷ đồng, tăng 4,12% so với cuối năm 2023. Trong đó lượng tiền gửi của dân cư tính đến hết tháng 8 đạt hơn 6,92 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023. Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.
Tiền gửi của các tổ chức kinh tế tính đến tháng 8 có sự cải thiện đạt hơn 6,83 triệu tỷ đồng (tính đến hết tháng 7 đạt hơn 6,76 triệu tỷ đồng). Còn so với cuối năm 2023, tiền gửi các tổ chức kinh tế chỉ giảm nhẹ 0,05%. Có thể thấy, tiền gửi của tổ chức kinh tế đang có xu hướng quay trở lại hệ thống ngân hàng kể từ quý II trở lại đây. Như từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8, các tổ chức kinh tế gửi thêm vào ngân hàng gần 70 nghìn tỷ đồng.
Tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và các tổ chức kinh tế đến cuối tháng 8 đạt kỷ lục hơn 13,75 triệu tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.
Xuất nhập khẩu Việt Nam tăng trưởng cao hàng đầu châu Á
Bộ Công Thương cho biết hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu của nước ta thời gian qua tiếp tục phục hồi tích cực, là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế.
Trong tháng 10, xuất khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 35,6 tỷ USD; tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 10 tháng, xuất khẩu hàng hóa đạt 335,6 tỷ USD, tăng 14,9%
Bộ Công Thương đánh giá đây là mức tăng trưởng khá cao so với một số nền kinh tế hàng đầu trong khu vực châu Á như: Trung Quốc tăng 4,3%; Hàn Quốc tăng 9,6%; Thái Lan tăng 3,9%...
Doanh thu bảo hiểm nhân thọ sụt giảm
Bộ Tài chính cho biết, thị trường bảo hiểm hiện có 85 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 32 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm 10 tháng ước đạt 184.231 tỷ đồng, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 65.027 tỷ đồng, tăng 12,6 % so với cùng kỳ năm trước, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 119.204 tỷ đồng, giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước.
P.V (t/h)