Khi mệnh lệnh của Thủ tướng được thực thi! (Bài 1)
(PetroTimes) - LTS: Tháng 5 và 6/2023 miền Bắc đã xảy ra tình trạng căng thẳng vận hành hệ thống điện do thiếu nguồn, một số khu vực bị cắt điện cục bộ. Để đảm bảo cung cấp điện phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân cũng như góp phần phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu phải hoàn thành Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) ra Phố Nối (Hưng Yên) nhằm đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc ngay từ năm 2024 và các năm tiếp theo.
Bài 1: Chỉ bàn làm, không bàn lùi
“Chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “làm việc xuyên lễ, xuyên tết xuyên ngày nghỉ”… đó là lời hiệu triệu vang vọng trên khắp các công trường Đường dây 500kV mạch 3, lời hiệu triệu đã thổi bùng ngọn lửa quyết tâm trên công trường. Đây là dự án đặc biệt khẳng định vị thế của ngành điện Việt Nam nói riêng và ý chí, bản lĩnh của cả hệ thống chính trị cũng như sức mạnh lòng dân đứng trước nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.
Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu
Ngày 27/5/1994, Công trình đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 đã hoàn thành đóng điện để truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam. Đây là công trình thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam. Một dấu ấn nổi bật của ngành điện Việt Nam những năm 90 của thế kỷ trước. Chỉ trong 2 năm vừa thiết kế vừa thi công, công trình dài gần 1.500km - thống nhất hệ thống điện 3 miền đất nước đã hoàn thành như một kỳ tích, thể hiện tầm nhìn thời đại của Đảng, Nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương tại các kỳ đại hội Đảng gần đây luôn đặt ra mục tiêu phát triển hạ tầng cung cấp điện, bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước |
Sau 30 năm, tinh thần cách mạng tiến công xây dựng Công trình đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 được tái hiện sinh động và phát huy mạnh mẽ trên khắp công trường xây dựng Đường dây 500kV mạch 3 đưa điện ra Bắc. Công trình thể hiện đúng định hướng của Đảng, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tuy duy và cách làm mới để đưa dự án về đích trong thời gian nhanh nhất nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Cách đây hơn 12 năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW (ngày 16/01/2012), về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong đó định hướng về hạ tầng cung cấp điện, bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Phát triển lưới điện truyền tải đồng bộ, phù hợp với tiến độ vận hành các nhà máy điện. Nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng lưới điện phân phối; kết nối, hoà mạng đồng bộ hệ thống điện Việt Nam với hệ thống điện các nước trong khu vực.
Hướng tuyến đường dây 500kV đi từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) |
Gần đây nhất, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW (ngày 11/2/2020) về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đưa ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo Quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2021-2030, điện thương phẩm Bắc Bộ được dự báo tiếp tục tăng trưởng cao, khoảng 8,8% mỗi năm. Tuy nhiên thực tế cho thấy, miền Bắc vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện. Để bổ sung nguồn điện cho phát triển kinh tế- xã hội cho miền Bắc, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu khẩn trương xây dựng đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối. Dự án được Thủ tướng Chính phủ giao Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) làm chủ đầu tư với quy mô 519 km gồm 2 mạch, đi qua địa bàn 9 tỉnh gồm Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên.
Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Dự án hoàn thành để tăng cường năng lực truyền tải của lưới điện 500kV liên kết các miền của hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc khi hệ thống điện miền Bắc không đảm bảo cân đối cung cầu nội vùng và truyền tải công suất của các nhà máy điện để bù đắp trong trường hợp thiếu hụt điện năng cục bộ của từng miền.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra đôn đốc tiến độ thi công Dự án đường dây 500kV mạch 3, ngày 27/1/2024 |
Tuy nhiên, Dự án đường dây 500kV mạch 3 đã đứng trước nhiều thách thức lớn, đe dọa tới mục tiêu đặt ra. Tại thời điểm dự án bắt đầu thi công, nhiều người còn khẳng định là không thể hoàn thành, đặc biệt là về thời gian, đó là chưa kể đến hồ sơ, thủ tục, giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu, điều kiện thi công, yếu tố thời tiết. Thông thường những dự án có quy mô lớn và phức tạp như thế này nhanh cũng phải mất ít nhất 3 năm mới hoàn thành, thì nay theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, chỉ hoàn thành hơn 6 tháng, nghĩa là thời gian chỉ bằng 1/6 so dự án thông thường.
Ông Phạm Hồng Phương - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Ở giai đoạn ban đầu khi triển khai dự án, rất nhiều người trong chúng tôi cảm thấy và hình dung là rất khó có hoàn thành dự án. Có chăng mới hoàn thành chủ trương đầu tư để thực hiện các bước tiếp theo là lựa chọn nhà thầu và khởi công. Tuy nhiên với khí thế tiến công của thời đại mới, với tinh thần “chỉ bàn làm không bàn lùi” tất cả các bộ, ngành, địa phương chung sức của với ngành Điện để kịp thời giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Quá trình triển khai, dự án luôn nhận được sự chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt thường xuyên, liên tục của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, sự vào cuộc có hiệu quả của cả hệ thống chính trị và các cấp chính quyền địa phương từ các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các cấp chính quyền địa phương đến các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, các lực lượng công an, quân đội…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì nhiều cuộc họp để tháo gỡ vướng mắc dự án |
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã sớm phê duyệt chủ trương đầu tư của Dự án để EVN/EVNNPT hoàn thành sớm lựa chọn nhà thầu nhằm khởi công dự án, các địa phương lấy đó làm cơ sở để thực hiện giải phóng mặt bằng cũng như chuyển mục đích sử dụng rừng. Chỉ trong 5 tháng mọi thủ tục đầu tư đã hoàn thiện, trong đó Dự án đường dây 500kV mạch 3 cung đoạn NMNĐ Nam Định 1 - Thanh Hóa được phê duyệt ngày 24/10/2023, Dự án đường dây 500kV cung đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, Dự án đường dây 500kV cung đoạn Quỳnh Lưu - Thanh Hóa được phê duyệt ngày 1/12/2023, Dự án đường dây 500kV cung đoạn NMNĐ Nam Định 1 - Phố Nối được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư ngày 8/12/2023. Đây là dự án đạt kỷ lục về hoàn thiện thủ tục đầu tư với thời gian ngắn nhất của ngành Điện từ trước tới nay.
Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư gặp vướng mắc đối với đường tạm phục vụ thi công, Chính phủ đã kịp thời sửa đổi quy định để các đơn vị tập trung thi công. Về khó khăn trong khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Thủ tướng Chính phủ đã có các Quyết định về việc phê duyệt khung chính sách để đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện dự án.
Trong triển khai giải phóng mặt bằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ khi Thủ tướng đã 4 lần thị sát công trường và 6 lần chủ trì cuộc họp chuyên đề về Dự án đường dây 500kV mạch 3. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng thường xuyên họp và kiểm tra đôn đốc công trường cũng như nhà thầu sản xuất cột thép. Bộ Công Thương cùng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp 2 tuần/lần họp Ban Chỉ đạo để đôn đốc địa phương vào cuộc ủng hộ dự án.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng tổ chức nhiều cuộc họp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án |
Tại các địa phương, Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND các tỉnh cũng thường xuyên đến công trường để đôn đốc các huyện, xã đẩy nhanh tiến độ mặt bằng và động viên các nhà thầu thi công nhằm đáp ứng mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng.
Ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Đây là dự án trọng điểm quốc gia, tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc với quyết tâm cao nhất để sớm bàn giao vị trí cột và hành lang tuyến cho chủ đầu tư. Tỉnh Thanh Hóa xác định khi triển khai Dự án, địa phương phải xung kích, đi đầu trong giải phóng mặt bằng, khó ở đâu sẽ gỡ ngay ở đó để đáp ứng tiến độ chung”.
Bà Hà Lan Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nhấn mạnh: “Chúng tôi yêu cầu các huyện, xây dựng kế hoạch chi tiết, trong công tác giải phóng mặt bằng từng tuần, từng ngày. Bám sát vào kế hoạch này để chúng tôi kiểm đếm, kiểm điểm tiến độ giải phóng mặt bằng, giúp rút ngắn được thời gian, đảm bảo theo tiến độ rất gấp”.
Để khích lệ toàn công trường nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao nhất để đưa dự án về đích, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và EVN đã phát động đợt thi đua 120 ngày đêm trên công trường Dự án đường dây 500 kV mạch 3. Chuyên môn và Công đoàn các cấp trong EVN, EVNNPT đã ban hành chỉ thị liên tịch để phát động các phong trào thi đua nước rút đưa dự án về đích. Các cấp công đoàn đã dành nguồn lực lớn để thăm hỏi, động viên, khích lệ các lực lượng tham gia dự án hăng say lao động, nỗ lực thi công để đưa dự án về đích.
Lãnh đạo EVNNPT thường xuyên đi làm việc với các địa phương để tranh thủ sự ủng hộ của các địa phương trong quá trình triển khai dự án |
Trong quá trình triển khai, Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã chỉ đạo của tỉnh đoàn thành lập được 465 đội thanh niên tình nguyện với hơn 6.200 đoàn viên thanh niên hỗ trợ triển khai thi công Dự án, đặc biệt tập trung vào tuyên truyền trong giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dời nhà cửa, vật kiến trúc dưới đường dây điện để đảm bảo an toàn khi triển khai dự án…
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam thường xuyên thăm hỏi, động viên, tích cực tham gia công tác hậu cần, đảm bảo lương thực, thực thực phẩm cho kỹ sư, công nhân tham gia dự án.
Lực lượng Công an tại các tỉnh đã đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thi công. Lực lượng quân đội, đặc biệt là Quân khu 3, Quân khu 4 đã hỗ trợ hàng nghìn ngày công tập trung tham gia vận chuyển vật tư thiết bị, kéo dải dây, hoàn nguyên môi trường, đảm bảo chất lượng, góp phần hoàn thành dự án trọng điểm quốc gia.
Trung tướng Hà Thọ Bình - Tư lệnh Quân khu 4 cho biết: Với tính chất cấp bách của dự án, với tinh thần khó mấy cũng phải làm, vượt nắng thắng mưa, chỉ bàn làm không bàn lùi, và truyền thống quân đội nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua. Quân khu 4 đã huy động hàng ngàn ngày công, chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ lực lượng quân sự, dân quân tự vệ và phương tiện, máy móc; tập trung tham gia vận chuyển vật tư thiết bị, kéo dải dây, đảm bảo chất lượng, góp phần hoàn thành dự án trọng điểm quốc gia.
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối: - Chủ đầu tư: Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (thuộc EVN); - Tổng mức đầu tư: Trên 22.300 tỷ đồng; - Quy mô: Gồm 2 mạch đường dây 500kV dài 519km. Điểm đầu là Trạm biến áp 500kV Quảng Trạch (Quảng Bình), điểm cuối là Trạm biến áp 500kV Phố Nối (Hưng Yên); - Dự án gồm 4 cung đoạn: + Cung đoạn Quảng Trạch đến Quỳnh Lưu và cung đoạn Quỳnh Lưu - Thanh Hóa do Ban QLDA các công trình điện miền Trung quản lý điều hành. + Cung đoạn Thanh Hóa - NMNĐ Nam Định 1 và cung đoạn NMNĐ Nam Định 1 - Phố Nối do Ban QLDA các công trình điện miền Bắc quản lý điều hành. - Đường dây đi qua 9 tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; đi qua 43 đơn vị cấp huyện (huyện, thị xã); đi qua 211 đơn vị cấp xã (xã, phường, thị trấn). |
Bùi Xuân Tiến