Bầu cử Mỹ định hình tương lai ngành năng lượng: Chủ nghĩa bảo hộ hay chuyển đổi khí hậu?
(PetroTimes) - Các cuộc bầu cử gần đây tại Mỹ có thể tái định hình các chính sách năng lượng, ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu, quan hệ thương mại và các cam kết về khí hậu. Sự đối lập về quan điểm của các ứng cử viên giữa việc bảo vệ các ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy năng lượng sạch, vẽ ra những triển vọng khác biệt. Đó là nhận xét gửi tới AFP của Mukesh Sahdev, Giám đốc thị trường hàng hóa - dầu mỏ toàn cầu của Rystad Energy.
Cuộc bầu cử tại Mỹ có thể tái định hình các chính sách năng lượng, ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu, quan hệ thương mại và các cam kết về khí hậu. Hình minh họa |
Cuộc bầu cử Mỹ đã làm nổi bật các quan điểm chính trị đối lập, với những tác động tiềm ẩn quan trọng đối với ngành năng lượng toàn cầu. Kết quả của cuộc bầu cử này và chương trình của các ứng cử viên chính, đặc biệt là ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa và bà Kamala Harris cho Đảng Dân chủ có thể tái định hướng các chính sách năng lượng ở cả cấp quốc gia lẫn quốc tế.
Kết quả liên bang và các tác động chính trị
Ở cấp liên bang, Đảng Cộng hòa đã giành được đa số tại Thượng viện, gây ra những bất ổn đối với Đạo luật Giảm lạm phát, bao gồm các biện pháp khuyến khích năng lượng tái tạo và các quy định về phát thải khí nhà kính. Ứng cử viên Đảng Cộng hòa, ông Donald Trump đã bày tỏ ý định hủy bỏ chương trình nghị sự về khí hậu hiện nay, đặc biệt là các khoản trợ cấp cho năng lượng sạch và ủng hộ sản xuất năng lượng hóa thạch. Ông mô tả các chính sách khí hậu hiện tại là một “trò lừa bịp sinh thái”, thể hiện mong muốn tự do hóa việc khai thác tài nguyên hóa thạch.
Ngược lại, bà Kamala Harris, đại diện Đảng Dân chủ, không chỉ mong muốn duy trì mà còn tăng cường các sáng kiến hiện có. Bà bảo vệ các ưu đãi thuế cho năng lượng sạch và tái khẳng định các cam kết quốc tế về khí hậu của Mỹ, với mong muốn củng cố vai trò của Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Ảnh hưởng đối với chính sách thương mại và nhập khẩu
Chương trình nghị sự của ông Trump kêu gọi tăng thuế nhập khẩu, đặc biệt là trong ngành năng lượng, nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể tạo ra căng thẳng thương mại với các đối tác của Mỹ và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc đánh thuế năng lượng nhập khẩu sẽ làm tăng chi phí cho người tiêu dùng, đồng thời có thể gây ra sự trả đũa từ các đối tác thương mại, làm bất ổn các thị trường năng lượng quốc tế.
Về chính sách đối ngoại, ông Trump đưa ra một lập trường hòa giải hơn đối với Nga. Nếu giảm bớt các lệnh trừng phạt có thể tái định hình các dòng năng lượng quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, gây ra những tác động đối với giá cả toàn cầu và an ninh năng lượng của các quốc gia châu Âu.
Triển vọng tại các bang trọng điểm
Bắc Carolina
Ứng cử viên Đảng Dân chủ, ông Josh Stein, người được kỳ vọng sẽ trở thành Thống đốc, đã đề xuất các mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng, hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050. Ông Stein muốn đa dạng hóa tổ hợp năng lượng bằng cách đầu tư nhiều hơn vào năng lượng mặt trời và gió, đồng thời tăng cường khả năng chống chịu của mạng lưới điện trước các thảm họa khí hậu. Tuy nhiên, những ý kiến này có thể bị cản trở bởi đa số Đảng Cộng hòa trong Đại Hội đồng, giới hạn quyền hành pháp của của Đảng này.
New Hampshire
Bà Kelly Ayotte, đại diện Đảng Cộng hòa, ủng hộ một chiến lược năng lượng “đa dạng” để chống lại sự tăng giá năng lượng, sau khi giá điện tăng đáng kể từ năm 2018 đến 2023. Bà Ayotte đồng tình với việc giới thiệu các lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ và mở rộng “mạng lưới đo đếm ròng” - cho phép người tiêu dùng bán lại phần năng lượng dư thừa - miễn là không tăng chi phí cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, bà Ayotte phản đối các dự án điện gió ngoài khơi, một quan điểm trái ngược với người tiền nhiệm của bà.
Texas
Thượng nghị sĩ Ted Cruz, vừa tái đắc cử, vẫn là người ủng hộ mạnh mẽ các nguồn năng lượng hóa thạch. Dưới ảnh hưởng của ông, Texas dự kiến sẽ giữ vị trí dẫn đầu về sản xuất năng lượng tại Mỹ với sản lượng dầu vượt nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước sản xuất lớn như Iraq. Chính sách của ông Cruz có thể củng cố vị thế của Texas trên thị trường quốc tế, gia tăng vai trò của năng lượng hóa thạch so với năng lượng tái tạo.
Hệ quả đối với ngành năng lượng
Những khác biệt trong định hướng chính sách có thể ảnh hưởng đến động lực toàn cầu của quá trình chuyển đổi năng lượng. Việc tăng cường các chính sách bảo hộ và làm suy yếu cam kết khí hậu từ phía Mỹ có thể gây tổn hại đến các nỗ lực quốc tế nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Ngược lại, chính quyền Dân chủ cam kết thúc đẩy năng lượng sạch sẽ khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, đồng thời củng cố các mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Tình trạng bất ổn về chính trị hiện tại có thể gây ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư của doanh nghiệp trong ngành, cũng như các mối quan hệ đối tác thương mại giữa Mỹ và các đồng minh năng lượng, buộc họ phải đánh giá lại chiến lược tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh bất ổn này.
Nhà đầu tư dầu khí có nên lo lắng về kết quả thăm dò bầu cử Mỹ? |
Chính quyền Mỹ chạy đua chi tiền cho năng lượng sạch trước thềm cuộc bầu cử |
Giới chuyên gia nói gì về rủi ro giá dầu sau bầu cử Mỹ? |
H.Phan