Từng bước tiến tới tự chủ công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam
(PetroTimes) - Ngày 7/11, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Tổng quan sản xuất bán dẫn” nhằm nâng cao năng lực sản xuất bán dẫn nội địa, thúc đẩy Việt Nam từng bước tự chủ và trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Hội thảo do Công ty Công nghệ và Đầu tư INTECH Group phối hợp cùng NIC, Đại học Bách Khoa Hà Nội (HUST) và công ty công nghệ bán dẫn DNN từ Đài Loan tổ chức, với sự tham gia của đông đảo chuyên gia đầu ngành, đại diện các doanh nghiệp sản xuất điện tử và bán dẫn trong nước và quốc tế.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giám đốc NIC Võ Xuân Hoài nhấn mạnh: “Sự kiện hôm nay là minh chứng cho cam kết của Chính phủ trong việc đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. tháng 8/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 791/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, với nhiệm vụ đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế. NIC giữ vai trò then chốt trong việc triển khai các chương trình trọng yếu, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực bán dẫn. NIC cũng là cầu nối giúp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ. Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp như INTECH Group, DNN sẽ tích cực hợp tác cùng NIC để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam tiến xa hơn”.
Phó Giám đốc NIC Võ Xuân Hoài phát biểu tại hội thảo |
Hội thảo cũng được diễn ra đồng thời với Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 - SEMIExpo Vietnam 2024, đã thu hút sự tham gia của các tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới như Global Foundries, Amkor, AMD, Lam Research, Intel và Qorvo. Sự kiện SEMIExpo đã tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước kết nối với các nhà đầu tư quốc tế, góp phần củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu và mở ra cơ hội hợp tác bền vững.
Tại hội thảo các đại biểu, các chuyên gia đã cùng nhau trao đổi thảo luận với các nội dụng: “Lộ trình thiết lập dây chuyền sản xuất bán dẫn: Từ chuẩn bị cơ sở vật chất đến thiết bị sản xuất", cung cấp cái nhìn toàn diện về quá trình triển khai dây chuyền hiệu quả; “Công nghệ phòng sạch và phụ trợ sản xuất bán dẫn”, giới thiệu tiêu chuẩn quốc tế, yêu cầu kỹ thuật và kinh nghiệm thực tiễn trong duy trì môi trường phòng sạch - yếu tố cốt lõi trong sản xuất bán dẫn; “Công nghệ, quy trình và chiến lược đầu tư dây chuyền sản xuất bán dẫn”, cung cấp giải pháp công nghệ, quy trình và chiến lược đầu tư, giúp các bên hiểu rõ yêu cầu kỹ thuật và kinh tế của ngành.
Toàn cảnh hội thảo |
Trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, PGS.TS. Nguyễn Phạm Duy Linh - Phó trưởng Ban Khoa học - Công nghệ, Đại học Bách Khoa Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển lực lượng lao động có kỹ năng cao trong ngành bán dẫn. “Đào tạo lực lượng lao động kỹ thuật cao là nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của sản xuất bán dẫn. Đại học Bách Khoa Hà Nội cam kết cung cấp các chương trình đào tạo chất lượng cao, cơ hội thực tập tại doanh nghiệp, giúp sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, từ đó tạo ra một nguồn nhân lực vững mạnh, đáp ứng nhu cầu của thị trường công nghiệp bán dẫn Việt Nam và quốc tế”, PGS.TS. Nguyễn Phạm Duy Linh chia sẻ.
Tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc INTECH Group Nguyễn Minh Hải đã chia sẻ về việc thiết lập nhà máy và các hệ thống phụ trợ trong sản xuất bán dẫn. “Trong ngành sản xuất công nghệ bán dẫn, việc xây dựng nhà máy, thiết lập môi trường làm việc và hệ thống phụ trợ là những nền tảng thiết yếu, quan trọng không kém gì dây chuyền sản xuất và công nghệ vận hành. Với năng lực đã được chứng minh qua việc thiết kế, xây dựng thành công hệ thống phòng sạch đạt chuẩn Class 1 - cấp độ cao nhất thế giới và được NEBB (Hoa Kỳ) chứng nhận, cùng kinh nghiệm triển khai hơn 300 dự án hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực điện tử, cũng như các dự án thiết kế, thi công nhà máy sản xuất vi mạch hợp tác cùng các đối tác quốc tế, chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng tự chủ trong xây dựng cơ sở vật chất và nhà xưởng cho ngành công nghệ cao”, ông Nguyễn Minh Hải nhấn mạnh.
Từ góc độ lộ trình thiết lập dây chuyền sản xuất, ông Howard Lin - chuyên gia tư vấn sản xuất bán dẫn từ công ty công nghệ DNN (Đài Loan) đã chia sẻ về công nghệ đóng gói chip tiên tiến (Advanced Packaging) và các bước để thiết lập một dây truyền cho nhà máy đóng gói chip. Ông Howard Lin cho hay: “Xây dựng dây chuyền đóng gói chip là một bước đệm chiến lược để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa và thúc đẩy khả năng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam. Tại DNN, chúng tôi cam kết đồng hành cùng các đối tác tại Việt Nam để triển khai công nghệ đóng gói chip tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời tối ưu hóa hiệu quả sản xuất và đảm bảo chất lượng thành phẩm cao nhất”.
N.H