Quốc hội thảo luận Dự án Luật Điện lực (sửa đổi):
Cấp bách hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành điện
(PetroTimes) - Chiều nay (7/11), tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã dành thời gian để thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Phát biểu tại nghị trường, các đại biểu đồng thuận với quan điểm cho rằng việc sửa đổi, bổ sung luật là cấp bách và cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành điện, đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (tỉnh Trà Vinh) |
Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Trần Quốc Tuấn (tỉnh Trà Vinh) nhấn mạnh, Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn, khi nhiều vấn đề mới trong ngành chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng. Theo ông Tuấn, việc sửa đổi Luật là cần thiết để đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu an ninh năng lượng quốc gia, vừa thực hiện cam kết của Việt Nam về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Ông cho rằng nếu không có hành lang pháp lý minh bạch, sẽ lãng phí nguồn lực xã hội, như trường hợp các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng không thể hòa lưới.
Góp ý dự thảo Luật, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị Ban soạn thảo quan tâm, điều chỉnh bổ sung 4 nội dung: Làm rõ hơn khái niệm “Nhà máy điện gió gần bờ” và “Nhà máy điện gió ngoài khơi” nêu tại khoản 5 Điều 31 và khoản 1 Điều 39 Dự thảo Luật; đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung “Hình thức đầu tư tư nhân và đầu tư có vốn nước ngoài trên nguyên tắc đảm bảo an ninh quốc phòng” (Điều 46).
Nghiên cứu bổ sung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đầu tư công đối với “loại hình điện gió trên biển” gồm cả “điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi” hay xem xét cơ chế khuyến khích nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và điện khí LNG, để vừa đạt mục tiêu vừa bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, vừa thực hiện đúng cam kết quốc tế của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050...
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) |
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) cũng đồng thuận với các sửa đổi trong dự thảo Luật và đề xuất bổ sung một số đối tượng được khuyến khích phát triển điện tự sản xuất, tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm các trường học và bệnh viện (cả công lập và tư nhân). Bà Nga cũng lưu ý vấn đề trả lãi khi thanh toán tiền điện chậm và đề xuất một khoảng thời gian tối thiểu (ít nhất 1 tháng) trước khi tính lãi, đặc biệt là không áp dụng lãi cho các hộ gia đình khó khăn, người già neo đơn.
Về cơ chế thanh toán tiền điện, bà Nga cho rằng cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm của bên cung cấp điện khi thay đổi chu kỳ ghi chỉ số đo điện, đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (tỉnh Quảng Nam) |
Tham gia góp ý tại phiên thảo luận, Đại biểu Tạ Văn Hạ (tỉnh Quảng Nam) cũng bày tỏ sự đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực. Ông Hạ nhấn mạnh rằng ngành điện cần có những sửa đổi toàn diện để đối phó với những thách thức về an ninh năng lượng trong bối cảnh nền kinh tế phát triển nhanh chóng.
Đặc biệt, ông Hạ nhấn mạnh vấn đề phát triển thị trường điện cạnh tranh và việc điều chỉnh cơ chế giá điện để phù hợp với sự phát triển của ngành. Ông cho rằng cần có một lộ trình rõ ràng để chuyển từ cơ chế độc quyền sang thị trường điện cạnh tranh thực sự.
Đại biểu Thạch Phước Bình (tỉnh Trà Vinh) đề xuất cần làm rõ các quy định về cơ chế giá điện, đặc biệt là giá điện cho các loại hình năng lượng khác nhau và cho từng khu vực. Đại biểu Bình cũng cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung các quy định về kiểm soát độc quyền trong ngành điện để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và nhà đầu tư, đồng thời khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm.
Ông Bình cũng đề xuất cần xây dựng cơ chế giá điện linh hoạt, điều chỉnh theo các yếu tố như giờ cao điểm và thấp điểm, cũng như điều kiện địa lý và nguồn cung cấp năng lượng.
Huy Tùng