ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh):
Cần sửa đổi, hoàn thiện Luật số 69 để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn
(PetroTimes) - ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69) chưa phù hợp, cần sửa đổi, hoàn thiện để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) |
Sáng ngày 5/11, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước, phát biểu tại phiên họp, ĐBQH Trần Hoàng Ngân bày tỏ tán thành với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân cũng đánh giá cao báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp nhiều thông tin, giúp cho các ĐBQH nhìn thấy rõ hơn chất lượng các khoản thu ngân sách cũng như kiểm tra các khoản chi ngân sách.
Về tình hình thực hiện ngân sách năm 2024, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho biết, tổng thu ngân sách vượt dự toán 10%, trong đó thu nội địa tăng 8,9% so với dự toán và 6,9% so với cùng kỳ. Khu vực doanh nghiệp Nhà nước không tăng, thậm chí giảm so với dự toán, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực dân doanh tăng.
Theo đại biểu, nguyên nhân chủ yếu là do Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp chưa phù hợp, cần sửa đổi, hoàn thiện để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn.
Thu tiền sử dụng đất ước giảm 4,2%, tuy nhiên, với việc các luật về nhà ở, đất đai, kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm, các địa phương đã triển khai định giá đất, có thể đảm bảo thu vượt dự toán. Chi ngân sách ước vượt 7,7% so với dự toán, chủ yếu do chi hỗ trợ ảnh hưởng của cơn bão Yagi. Bội chi ngân sách giảm so với dự toán, đạt 3,4% GDP, thấp hơn mục tiêu 3,6% GDP.
Về dự toán ngân sách năm 2025, dự toán thu tăng 15,6% so với năm 2024, chi tăng 20,3%. Việc tăng chi được đánh giá là phù hợp, do năm 2025 có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và là năm cuối thực hiện Nghị quyết 23 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia.
Từ phân tích trên, đại biểu kiến nghị tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước, chống thất thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là thuế nhập khẩu. Đồng thời, tiếp tục chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công, đất công, vốn Nhà nước; xem xét điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đối với một số lĩnh vực như khoa học công nghệ, văn hóa, nông nghiệp để tạo động lực tăng trưởng.
Luật số 69 còn nhiều bất cập, hạn chế
Liên quan đến Luật số 69, theo chương trình dự kiến, tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13).
Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật số 69/2014/QH13 thời gian qua bộc lộ những bất cập, hạn chế như phạm vi điều chỉnh của luật chưa tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước với chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp; chưa bao gồm nội dung cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Việc đổi mới căn bản, toàn diện trong công tác quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 về tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước chưa được thể hiện đầy đủ, bao gồm tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý Nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước.
Bên cạnh đó, tại Luật số 69, việc xác định vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước với vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chưa rõ, các quy định mang tính hành chính can thiệp vào hoạt động quản trị doanh nghiệp, chưa thực sự được khắc phục. Việc đầu tư vốn (bao gồm cả việc bổ sung và rút vốn) Nhà nước tại doanh nghiệp chưa được quy định cụ thể, chưa tạo tính chủ động, kịp thời, linh hoạt. Việc quản lý lợi ích thu được từ vốn Nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp chưa được quy định cụ thể trong luật...
Hiện nay, Luật số 69/2014/QH13 có nội dung “sử dụng vốn Nhà nước”, “đầu tư vào sản xuất, kinh doanh” thể hiện sự chi tiết, bó hẹp về cách tiếp cận, hạn chế tính tự chủ của doanh nghiệp trong việc sử dụng vốn, tài sản trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời còn thể hiện sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp; chưa bao quát được công tác quản lý dòng vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; đồng thời chưa bao gồm nội dung sắp xếp, cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Do đó, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã điều chỉnh phạm vi theo hướng không quy định cụ thể nội dung “sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp”. Theo đó, việc sử dụng vốn, tài sản được quy định theo hướng “đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp”; các quy định về huy động vốn; mua, bán, sử dụng tài sản cố định; quản lý nợ phải thu, phải trả được giao cho doanh nghiệp quyết định nhằm xác định rõ Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, quản lý theo phần vốn góp tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường phân cấp mạnh gắn với trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.
Huy Tùng