Chứng khoán tuần mới (từ 28/10 đến 1/11): Trong nguy có cơ
(PetroTimes) - Tuần giao dịch từ 21 đến 25/10 tiếp tục chứng kiến một tuần điều chỉnh mạnh của thị trường. Thanh khoản yếu cho thấy dòng tiền tiếp tục “ngó lơ" với chứng khoán, và tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục điều chỉnh. Tuy nhiên, cơ hội vẫn sẽ đến với các nhà đầu tư dài hạn, có thể gom mua trong các nhịp chỉnh.
Bất động sản "khởi sắc", VNIndex vẫn chỉnh mạnh
Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VNIndex giảm 32, điểm, tương đương 2,55%. Mặc dù vẫn giữ được ở vùng 125x, tuy nhiên từ đầu năm đến giờ, thị trường đã có đến 6 lần công phá vùng 1.300 điểm song thất bại. Cùng với việc thanh khoản giảm mạnh, nhiều khả năng chỉ số sẽ còn những nhịp giảm tiếp theo trong những ngày cuối tháng 10. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội cho những nhà đầu tư dài hạn.
Điểm sáng trong tuần có thể kể đến sự tích cực của nhóm bất động sản dân cư. Mặc dù không có quá nhiều thông tin hỗ trợ, song CEO, DIG, DXG, PDR đều có mức tăng từ 2-3%. Có khả năng đây chỉ là một nhịp pull back sau một thời gian dài chỉ biết giảm và giảm.
Ngược lại nhóm cổ phiếu bất động sản KCN có một tuần kém tích cực, khi mà KBC, IDC, GVR, PHR… đều giảm mạnh từ 4-10%.
Trong tuần, nhóm cổ phiếu ngân hàng không còn giữ được nhịp như tuần trước mà đều giảm. Mức giảm sâu có SSB, MSB, SHB từ 4-6%. Thậm chí hai cổ phiếu ngân hàng quốc doanh gồm CTG, BID cũng giảm khá mạnh. STB, TCB, MBB, ACB cũng điều chỉnh với biên độ lớn.
Không nằm ngoài sự điều chỉnh của thị trường, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng giảm, trong đó giảm sâu có HCM -7%, CTS -7,4%, BSI -8,2%, FTS -6,5%%. Nhóm thép giảm nhẹ khi HPG -1,8%, HSG-1,4%, NKG -2,1%.
Trao đổi với PetroTimes, bà Nguyễn Thị Bích Tuyền - Chuyên gia tư vấn thuộc Công ty CK VietCap nhận xét: Tuần qua, VN Index diễn biến khá ảm đạm khi lực cầu xuất hiện ở phiên sáng và yếu dần về phía cuối ngày làm phe bán thắng thế. Khả năng tuần này, thị trường lùi về lại sát MA200 ngày (quanh 1.250 - 1.245) để kiểm định cung hàng quanh đây và tích lũy thêm để lấy sức vượt 1.300 sau nhiều lần kiểm định không thành công do thiếu lực cầu trong nước
Về tình hình vĩ mô thế giới, hiện dư luận đang đổ dồn sự quan tâm đến cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ. Mặc dù hiện chưa có kết quả rõ ràng là ứng cử viên nào sẽ có lợi thế, tuy nhiên thị trường đang tính đến khả năng ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng. Điều này khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là nhà xuất khẩu của Trung Quốc lo lắng do ông Trump đưa ra các đề xuất tăng thuế xuất nhập khẩu nếu ông đắc cử. Trong khi đó, các chỉ số DowJones và S&P500 điều chỉnh nhẹ, còn chỉ số Nasdaq lại tăng mạnh, ngấp nghé vượt đỉnh mọi thời đại.
Hàn Quốc đã tránh được suy thoái kỹ thuật khi GDP quý III tăng 0,1% so với quý trước sau khi giảm 0,2% trong quý II. Tuy nhiên GDP cả năm chỉ tăng 1,5%, chậm hơn so với kỳ vọng của các nhà kinh tế
Trong nước hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý III đạt 160.140.000 tỷ đồng tăng 29.8% so với quý II, gần 34% so với cùng kỳ. Tuy nhiên áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong quý IV, dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với quý III, chủ yếu là trái phiếu BĐS và sản xuất. Bên cạnh đó việc tỷ giá USD cũng tăng mạnh, NHNN phải đưa ra các biện pháp hút tiền đã khiến thị trường chao đảo.
Trong “nguy” có “cơ”?
Đánh giá về rủi ro trong ngắn hạn, ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội chia sẻ: Tuần qua, diễn biến tỷ giá tăng nóng kèm theo việc Ngân hàng Nhà nước hút tiền về là những yếu tố tác động tới tâm lý nhà đầu tư cũng như thị trường. Nếu những yếu tố này tiếp tục diễn biến xấu trong thời gian tới thì tâm lý thị trường sẽ càng yếu hơn nữa, nhất là trong giai đoạn lực cầu yếu như hiện tại; khi đó rủi ro sẽ gia tăng mạnh hơn.
Còn theo ông Nguyễn Thế Hoài, Giám đốc Chi nhánh Đồng Nai, Chứng khoán Rồng Việt, những biến động ngắn hạn của thị trường là rất khó lường, nên việc giữ danh mục ở trạng thái an toàn, tránh margin căng là điều nên làm. Tháng 11 các báo cáo tài chính quý III sẽ được công bố giúp nhà đầu tư đánh giá hiệu quả hoạt động cũng như đánh giá triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp. Cuối năm cũng là thời điểm chính phủ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các biện pháp kích cầu tiêu dùng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nếu các chính sách này được triển khai hiệu quả thì thị trường có thể đón nhận được thêm dòng tiền vào.
Ông Nghiêm Sỹ Tiến - Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV chia sẻ: Tâm lý thị trường đang có xu hướng bán ra mạnh hơn khi có nhịp hồi sớm trong phiên. Vì vậy, ưu tiên của tôi là bán hạ tỷ trọng các vị thế trading ngắn hạn và duy trì danh mục ở ngưỡng an toàn với chủ yếu là các cổ phiếu nắm giữ dài hạn. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, sẽ có nhiều sự kiện vĩ mô quan trọng diễn ra và thị trường sẽ có thể có phản ứng mạnh như cuộc họp của FED và kết quả cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ, sự kiện được cho rằng ảnh hưởng khá đáng kể về giao thương tới Việt Nam.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia cũng cho rằng, khi chỉ số về đến vùng 1.23x, hoặc sâu nhất là 1.200 thì sẽ có sự bật hồi mạnh, và có thể sẽ tạo đáy đi lên. Chính vì thế, đó sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn, có lượng tỷ trọng tiền mặt cao. Cơ hội giải ngân vào những nhóm ngành hướng đến kết quả kinh doanh cuối năm tích cực như ngân hàng, bán lẻ, dầu khí, xuất khẩu...
Yên Chi