Bất chấp hạn hán, lợi nhuận của kênh đào Panama tăng mạnh
(PetroTimes) - Lợi nhuận của kênh đào Panama đã tăng khoảng 9,5% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9/2024 lên 3,45 tỷ USD mặc dù một đợt hạn hán nghiêm trọng làm giảm số lượng tàu thuyền đi qua tuyến đường thủy này, cơ quan quản lý kênh đào cho biết hôm thứ Sáu (25/10).
Tàu chở hàng đi qua kênh đào Panama. |
Năm khô hạn thứ ba trong lịch sử kênh đào đã làm giảm lượng nước vận hành, buộc cơ quan quản lý phải cắt giảm số lượng tàu được phép đi qua mỗi ngày từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, đồng thời hạn chế độ mớn nước tối đa cho phép.
Những biện pháp hạn chế này, khiến nhiều tàu thuyền phải chờ đợi, buộc một số tàu phải tìm tuyến đường thay thế, đã được dỡ bỏ vào cuối năm nay sau khi mưa xuống bổ sung nước cho các hồ chứa.
Tuyến đường thủy này đã xử lý 423 triệu tấn hàng hóa và ghi nhận trung bình 27,3 tàu qua lại mỗi ngày, giảm so với khoảng 36 tàu của năm trước. Nhưng việc giảm 5% chi phí hoạt động đã giúp giảm bớt tác động tài chính của hạn hán.
Phó Giám đốc tài chính của cơ quan quản lý kênh đào, Victor Vial, trích dẫn số liệu sơ bộ cho biết doanh thu của kênh đào tăng 18 triệu USD lên 4,99 tỷ USD.
Kênh đào này, với tỷ lệ lấp đầy chưa đến 36 lượt tàu qua lại mỗi ngày như hiện nay, đang tăng cường các biện pháp khuyến khích một số tàu quay trở lại, bao gồm tàu chở hàng rời và tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng, đồng thời thúc đẩy các dự án trị giá 8,5 tỷ USD trong 7 năm tới, bao gồm đầu tư các cơ sở hạ tầng mới.
"Hoạt động vận tải đang dần phục hồi", ông Vial cho biết.
Một hệ thống đặt chỗ dài hạn mới cho phép các hãng tàu tham gia đấu giá để đặt chỗ lên đến một năm trước khi đi qua. Các biện pháp khác bao gồm chiến lược bảo toàn giúp tiết kiệm 12% lượng nước sử dụng trong năm.
Panama đang đầu tư vào dự án trị giá 1,6 tỷ USD để ngăn sông Rio Indio như một giải pháp lâu dài để ứng phó với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Việc xây dựng hồ chứa mới dự kiến sẽ yêu cầu phải di dời hàng trăm hộ gia đình sống gần khu vực kênh đào.
D.Q