BRICS "nhấn ga" tái thiết tài chính toàn cầu, đẩy nhanh phi USD hóa, SWIFT lung lay, giá vàng lên 150.000 USD/ounce
Một cuộc tái thiết tài chính toàn cầu đang đến gần và theo một hệ thống mới, vàng có thể được định giá lại lên tới 150.000 USD/ounce, Andy Schectman, Chủ tịch kiêm Chủ sở hữu của Miles Franklin Precious Metals nhận định, đồng thời cho rằng Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024 có thể là một động thái tiềm năng.
Tin tức kinh tế ngày 22/10: Nhập khẩu sắt thép của Việt Nam tăng mạnh |
Giá vàng hôm nay (23/10): Đồng loạt tăng |
Hội nghị thượng đỉnh BRICS có thể ‘"nhấn ga" tái thiết tài chính toàn cầu, khi đó "chiến dịch trường kỳ" phi USD hóa được đẩy nhanh, hệ thống SWIFT lung lay... (Nguồn: The Globaleconomics) |
Một kết quả tất yếu của xu hướng phi USD hóa đang gia tăng là một hệ thống tài chính toàn cầu mới, trong đó một tài sản được coi là “nơi lưu trữ giá trị an toàn” như vàng sẽ được định giá lại. Đồng thời kế hoạch mở rộng thành viên của BRICS thúc đẩy hệ thống tài chính toàn cầu mới, hướng đến các giải pháp thay thế SWIFT và phi USD hóa.
Mọi sự chú ý đều đổ dồn vào Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024 đã khai mạc tại Kazan, miền Trung nước Nga và diễn ra từ 22-24/10. Các quốc gia thành viên BRICS dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận về việc tạo ra một loại tiền tệ có khả năng được hỗ trợ bằng vàng như một giải pháp thay thế cho đồng USD, nhằm mục đích tăng cường chủ quyền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào đồng tiền của Mỹ.
Vài tuần trước, Tổng thống Putin công khai thảo luận về khả năng một đồng tiền BRICS có thể cạnh tranh trên toàn cầu với đồng USD. Một số báo cáo đã gợi ý rằng, đồng tiền này sẽ được hỗ trợ một phần bởi vàng và các đồng tiền của các quốc gia thành viên BRICS.
Dữ liệu gần đây cho thấy các quốc gia BRICS hiện nắm giữ 20% dự trữ vàng toàn cầu. Những điều này làm gia tăng suy đoán các quốc gia BRICS có thể đang tìm cách tạo ra một đồng tiền có thể cạnh tranh với đồng USD và được đảm bảo bằng vàng.
Với sự mở rộng mới nhất, BRICS chiếm khoảng 30% diện tích đất liền của thế giới, 45% dân số thế giới và 20% thương mại toàn cầu. Các nhà quan sát lưu ý rằng, với những thế mạnh của mình, nhóm này đã bước vào kỷ nguyên mới của sự hợp tác BRICS rộng lớn hơn.
Tổng biên tập Lance Witten của tờ IOL của Nam Phi, lưu ý: "Điều quan trọng là chúng ta phải có một cơ chế thanh toán cho phép giao dịch dễ dàng giữa các quốc gia trong khối BRICS. Điều này sẽ hỗ trợ thêm cho quyền tự chủ của khối trong thương mại quốc tế". Ý tưởng về một loại tiền tệ BRICS đã được thảo luận từ lâu, có khả năng là một rổ tiền tệ được hỗ trợ bởi các nguồn tài nguyên thiên nhiên như vàng, dầu và khí đốt. Ngoài ra, trên thực tế, các quốc gia BRICS còn sở hữu dự trữ vàng và tiền tệ nhiều hơn IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu cộng lại.
Tờ Sputnik Agency của Nga chỉ ra rằng, "Để loại tiền tệ này hoạt động bình thường, chúng ta cần một hệ thống nhắn tin tài chính thay thế, giống như SWIFT và các loại tiền kỹ thuật số cho các giao dịch xuyên biên giới".
Ngoài ra, trọng tâm của các cuộc thảo luận lần này còn là vấn đề rộng hơn về sự mở rộng của BRICS, đặc biệt là với sự tham gia của các thành viên mới như Iran, Saudi Arabia, UAE, Ethiopia và Ai Cập. Sự mở rộng này của BRICS cũng đã làm tăng đáng kể ảnh hưởng của BRICS, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và tài nguyên thiên nhiên.
Đồng tiền BRICS tiềm năng sẽ cho phép các quốc gia này khẳng định sự độc lập về kinh tế của mình trong khi cạnh tranh với hệ thống tài chính quốc tế hiện tại. Hệ thống hiện tại do đồng USD thống trị, chiếm khoảng 90 phần trăm tổng số giao dịch tiền tệ. Cho đến gần đây, gần 100% giao dịch dầu khí được thực hiện bằng đồng USD; tuy nhiên, vào năm 2023, 1/5 giao dịch dầu khí theo báo cáo là đã được thực hiện bằng các loại tiền tệ không phải đồng USD của Mỹ.
Trên thực tế, việc vũ khí hóa đồng USD và hệ thống SWIFT cũng đã làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc về an ninh của trật tự tài chính toàn cầu lấy nước Mỹ làm trung tâm. Khi các lệnh trừng phạt ngày càng nhắm vào các quốc gia như Nga, Iran, việc loại trừ khỏi SWIFT có những tác động kinh tế nghiêm trọng, không chỉ đối với các quốc gia bị nhắm mục tiêu, mà còn đối với thương mại toàn cầu nói chung.
Chẳng hạn, Ethiopia có chế độ thị thực thân thiện với Nga, nhưng để xin thị thực, bạn cần phải thanh toán bằng thẻ ngân hàng. Với việc Nga bị cắt khỏi SWIFT, các nhiệm vụ đơn giản như thanh toán thị thực cũng trở nên khó khăn. Tình hình này làm nổi bật nhu cầu cấp thiết về các giải pháp thay thế cho SWIFT và một hệ thống tài chính ít phụ thuộc vào đồng USD hơn để giảm thiểu những rủi ro như vậy.
Trong khi đó, một diễn biến nổi bật trên thị trường thế giới hiện nay là cuộc chiến thương mại của Mỹ với Trung Quốc, cũng như hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Trung Quốc, Nga…. Nếu các quốc gia BRICS thiết lập một loại tiền tệ dự trữ mới, điều này có khả năng sẽ tác động đáng kể đến đồng USD, có thể dẫn đến sự suy giảm nhu cầu hay vẫn thường được gọi là phi USD hóa. Nhưng đổi lại, xu thế này sẽ không chỉ có tác động đến Mỹ, mà cả các nền kinh tế trên toàn cầu.
Tất nhiên, có thể còn quá sớm để dự đoán khi nào một loại tiền tệ BRICS sẽ được phát hành, nhưng đây là thời điểm tốt để xem xét tiềm năng của một loại tiền tệ chung BRICS và những tác động có thể có của nó đối với các nhà đầu tư.