Tin Thị trường: Giá dầu thế giới ổn định ngày đầu tuần
(PetroTimes) - Giá dầu thế giới không có nhiều biến động phiên đầu tuần; Thị trường hoá dầu Ấn Độ trên đà bùng nổ...
Ảnh: Internet |
Giá dầu ổn định phiên đầu tuần
Tính đến đầu giờ chiều nay 21/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 69,38 USD/thùng - tăng 0,23%, trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 73,21 USD/thùng - tăng 0,21%.
Giá xăng dầu thế giới ổn định trong phiên giao dịch đầu tuần, sau khi giảm hơn 7% vào tuần trước do lo ngại về nhu cầu tại Trung Quốc, trong khi lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông giảm bớt.
Xung đột ở Trung Đông leo thang vào cuối tuần vừa qua khi Israel tuyên bố vào ngày 20/10 rằng sẽ chuẩn bị tấn công các địa điểm tại thủ đô Beirut của Lebanon, nơi có liên quan đến hoạt động tài chính của Hezbollah.
Trong khi đó, Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn như dự đoán của các chuyên gia. Động thái này là một phần của gói biện pháp kích thích rộng hơn nhằm phục hồi nền kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ đầu năm 2023 trong Quý III, làm gia tăng lo ngại về nhu cầu dầu mỏ.
Theo báo cáo của công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes vào ngày 18/10, các công ty năng lượng Mỹ đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên đang hoạt động lần thứ tư trong 5 tuần, xuống còn 585.
Giá khí đốt nhích tăng nhẹ
Trên thị trường thế giới, giá khí tự nhiên tăng 0,04% lên mức 2,259 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 11/2024.
Châu Âu vẫn tiếp tục nhập khẩu khối lượng lớn khí đốt của Nga, mặc dù cuộc xung đột tại Ukraine vẫn tiếp diễn.
Để tìm ra giải pháp cho vấn đề này, các Bộ trưởng Châu Âu mới đây đã tổ chức một cuộc họp tại Luxembourg để đánh giá tình hình khí đốt mùa đông sắp tới của liên minh, đặc biệt là trong bối cảnh thỏa thuận vận chuyển khí đốt quan trọng giữa Ukraine và Nga hết hạn vào ngày 31/12 tới.
An ninh năng lượng hiện không bị đe dọa, nhưng các yếu tố cơ bản không lường trước của thị trường vẫn có thể gây ra nguy cơ thiếu hụt. Các cuộc đối đầu đang diễn ra giữa Israel-Hezbollah-Iran và phản ứng quân sự dự kiến của Israel đối với cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran trong những tuần gần đây đang gây áp lực lên nguồn cung LNG.
Thị trường hoá dầu Ấn Độ trên đà bùng nổ
Ấn Độ đang tự định vị cho một sự bùng nổ hóa dầu, với 87 tỷ USD dự kiến trong thập kỷ tới để đáp ứng nhu cầu tăng vọt. Khi ngày càng nhiều công dân của nước này vươn lên tầng lớp trung lưu, nhu cầu về các sản phẩm từ hóa dầu - từ nhựa đến phân bón - sẽ tăng vọt.
Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ, Hardeep Singh Puri, nhu cầu ngày càng tăng này mở ra cơ hội cho các khoản đầu tư đáng kể vì mức tiêu thụ hóa dầu bình quân đầu người của Ấn Độ vẫn tiếp tục tụt hậu so với các quốc gia phát triển.
Ấn Độ hiện tiêu thụ từ 25 đến 30 triệu tấn sản phẩm hóa dầu hàng năm và ngành này - trị giá 220 tỷ USD, được dự báo sẽ tăng lên 300 tỷ USD vào năm 2025. Bộ trưởng Puri nhấn mạnh rằng khi nền kinh tế Ấn Độ mở rộng, quốc gia này sẽ cần phải tăng cường sản xuất hóa dầu trong nước để theo kịp nhu cầu. Sự mở rộng này cũng sẽ phù hợp với mục tiêu lớn hơn của Ấn Độ là chuyển sang nền kinh tế carbon thấp hơn trong khi vẫn duy trì an ninh năng lượng.
Các công ty dầu khí như Nayara Energy, Haldia Petrochemicals và ONGC, đã và đang tăng tốc. Các công ty này cùng nhau cam kết 45 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất, với nhiều khoản đầu tư hơn dự kiến.
Sản lượng hóa dầu trong nước của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng từ 29,6 triệu tấn hiện nay lên 46 triệu tấn vào năm 2030.
Bình An