Chứng khoán tuần mới (từ 21 đến 25/10): Chờ đợi là… hạnh phúc?
(PetroTimes) - Tuần giao dịch từ 14 đến 18/10 chứng kiến thị trường điều chỉnh nhẹ khi chỉ giảm 2,93 điểm, tương đương 0,23%. Dù vậy theo các chuyên gia, nhà đầu tư sẽ vẫn phải chờ đợi một “cú hích" khiến dòng tiền lớn nhập cuộc để đẩy thị trường bùng nổ...
Bank giữ nhịp
Quá trình đi ngang trên vùng cao vẫn được giữ vững, VNIndex kết tuần tại 1285,46 điểm, “rút chân" sau khi chạm vào MA20 tuần. Điểm sáng vẫn là dòng cổ phiếu ngân hàng, khi giữ nhịp để thị trường không bị giảm sâu. Mặc dù một số cổ phiếu bất động sản có một phiên “bùng nổ", song tính chung một tuần nhóm này vẫn gây sức ép lớn cho thị trường.
Nổi bật trong tuần là STB khi tăng hơn 5%, tiệm cận đỉnh lịch sử mọi thời đại. Bên cạnh đó, BID, VCB, VIB, TPB tăng từ 1-2% cũng góp phần giữ nhịp cho chỉ số.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán chủ yếu đi ngang, hoặc giảm nhẹ khi SSI -0,36%, BSI +0,39%; các cổ phiếu chứng khoán top đầu như VND, HCM, VCI chỉnh trong biên độ 2%.
Nhóm thép có HPG, HSG, NKG đều chỉnh từ 1-3%. Riêng cổ phiếu SMC dù phiên cuối tuần bật tăng kịch trần, trắng bảng bên bán song tính chung một tuần vẫn giảm hơn 7%.
Nhóm bất động sản tiếp tục gây thất vọng khi NVL đã có lúc chạm đáy lịch sử mọi thời đại với thị giá 10 ngàn 200 đồng/cp, trước khi kết tuần tại 10 ngàn 300 đồng/cp. Các cổ phiếu CEO, DIG, PDR, NLG… đều giảm. Sắc xanh chỉ còn le lói tại một số cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp như SZC, IDC, LHG.
Nhóm đầu tư công tiếp tục bị dòng tiền bỏ rơi, khi đa phần đều giảm. Chỉ còn FCN và CII tăng hơn 2%.
Trao đổi với PetroTimes, bà Nguyễn Thị Bích Tuyền Chuyên gia tư vấn thuộc Công ty CK VietCap cho biết. Có thể thấy tuần qua tiếp tục là tuần không có quá nhiều biến động, thị trường vẫn đi trong một biên độ hẹp quanh 127x - 129x, là tuần đi ngang thứ tư liên tiếp và giữ được MA10, MA20 tuần. Giai đoạn này khá khó chịu khi hầu hết các nhóm ngành đều đi ngang, chỉ có nhóm bank duy trì và củng cố đà tăng cho chỉ số chung.
Về tin tức, Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) cắt giảm 25 điểm cơ bản, đây là lần cắt giảm lãi suất thứ 2 liên tiếp và là lần thứ 3 của năm nay. Động thái này gửi đi tín hiệu là ngân hàng này đã tự tin hơn trong việc kiểm soát lạm phát trong khu vực, đồng thời cũng cho thấy những khó khăn trong triển vọng kinh tế của khu vực đồng tiền chung Châu Âu.
Bên cạnh đó giới chức Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục mở rộng gói kích thích cho thị trường BĐS. Dự kiến, sẽ mở rộng chương trình hỗ trợ tài chính cho các dự án thuộc danh sách trắng vốn được chính phủ ưu tiên giải cứu, quy mô tín dụng sẽ tăng từ mức 2.23 nghìn tỷ NDT lên 4 nghìn tỷ NDT vào cuối năm nay.
Trong nước, tổng kim ngạch nhập khẩu trong 9 tháng đạt 278.84 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu đến từ doanh nghiệp tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất đơn hàng cho cuối năm.
Giá bán lẻ điện bình quân tăng 4.8% được áp dụng từ ngày 11/10/2024, từ mức 2.006 đồng/KWH lên mức 2.103,11 đồng/KWH. Việc tăng giá điện kỳ vọng là tính đúng, tính đủ để phát triển ngành điện tránh tình trạng lỗ ròng liên tục như các năm
Ngoài ra chỉ số DXY tiếp tục xu hướng hồi phục, dẫn đến sức ép lên tỷ giá USD/VND, kèm theo đó nhập khẩu có xu hướng tăng đáng kể cũng phần nào gây sức ép lên cán cân tổng thể. Do đó nhà đầu tư cần quan sát thêm các động thái của nhà nước để đưa ra các nhận định. Tuy nhiên, sắp tới kỳ vọng FED tiếp tục hạ lãi suất thì sức ép tỷ giá này cũng không phải là quá lớn trong ngắn hạn.
Kiên nhẫn "rình mồi"
Có thể thấy thời gian qua kết quả kinh doanh quý 3/2024 dồn dập xuất hiện nhưng diễn biến thị trường lại không cho thấy những phản ứng tương xứng. VN-Index giảm liên tục 3 phiên đầu tiên, phục hồi vào ngày thứ Năm nhưng lại “hụt hơi” trong phiên cuối cùng. Chỉ số cũng một lần nữa thoái lui sau khi tiến sát vùng 1300 điểm. Thanh khoản khớp lệnh trung bình sàn HoSE cũng không cho thấy sự tiến triển, thậm chí còn giảm nhẹ.
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng, về mặt kỹ thuật, dao động của VN-Index đang tạo nên dạng mẫu hình VCP thu hẹp dần biến động, thông thường là dạng mẫu hình mang tính tích cực, cho cơ hội có thể mở một nhịp tăng mới nếu bứt phá qua 1.300 điểm.
Tuy nhiên cần lưu ý mẫu hình nào cũng có xác suất thành công nhất định. Trong vòng 1-2 tuần qua, tôi nhận thấy thị trường có một vài cơ hội để lực cầu có thể tham gia giúp hoàn thành mẫu hình, nhưng vẫn chưa thấy được điều đó. Nếu lực cầu vẫn không có chuyển biến tích cực hơn trong tuần này, tôi nghĩ cần có sự thận trọng ở đây.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS chia sẻ: Các cổ phiếu có kết quả kinh doanh khả quan có thể diễn biến giá tốt trong một số giai đoạn hoặc có thể không biến động nhiều, điều này không chỉ đến từ việc đánh giá triển vọng của doanh nghiệp mà còn phản ánh tâm lý nhà đầu tư khi giao dịch giai đoạn hiện nay.
Nếu diễn biến tích lũy càng lâu với khả năng dự báo việc vượt đỉnh càng cao thì việc kiên trì đợi chờ sẽ lại càng cần thiết. Giai đoạn này nếu nắm đúng cổ phiếu có thể có mức sinh lời tốt nhưng nếu không như nhiều cổ phiếu không diễn biến thuận lợi thì nhà đầu tư vẫn tiếp tục nắm giữ cho dù có thể chưa mua thêm và đợi cơ hội giải ngân thêm một khi diễn biến thị trường tốt hơn hoặc diễn biến tăng giá trở lại trong giai đoạn cuối tháng.
Các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn cần kiên nhẫn, chưa nên "manh động" giải ngân hoặc bán tháo cổ phiếu. Nhà đầu tư dài hạn canh nhịp chỉnh của thị trường để gom dần với các nhóm cổ phiếu ngân hàng, thép, xuất khẩu... hoặc các cổ phiếu thuộc nhóm VN30.
Minh Khang