Bà Rịa - Vũng Tàu:
Hội thảo phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các đảo và khu vực ven biển
(PetroTimes) - Ngày 11/10/2024, tại TP Vũng Tàu, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội thảo “Chính sách và mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các đảo và khu vực ven biển theo Luật Bảo vệ môi trường 2020”.
PGS.TS. Tạ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, TS. Nguyễn Song Tùng - Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn, ông Phạm Quốc Đăng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có hơn 150 đại biểu đến từ các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ/ngành, tổ chức chính trị - xã hội, Sở TN&MT các tỉnh/thành phố, đại diện các tổ chức quốc tế UNDP, WWF tại Việt Nam, Đại sứ quán Đan Mạch, đại diện huyện ủy/UBND các huyện đảo, cơ quan/viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các nhà khoa học... trong cả nước.
Quang cảnh chung của hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Việt Nam có lợi thế về bờ biển dài, nhiều bãi biển và đảo đẹp thu hút nhiều khách du lịch, kéo theo đó là sự gia găng đáng kể lượng chất thải sinh hoạt. Tuy nhiên, quản lý chất thải trên đảo vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như chưa quy định, phân luồng chất thải một cách thống nhất; chưa phân loại được chất thải tại nguồn, thiếu trang thiết bị, phương tiện thu gom... Ngoài ra, với đặc thù các đảo, việc áp dụng các giải pháp, mô hình thu gom gặp rất nhiều khó khăn do hạn chế về phương tiện, kỹ thuật, khoảng cách, hình thức thu gom, xử lý..
PGS.TS. Tạ Minh Tuấn cho rằng, để mục tiêu phân loại, xử lý chất thải sinh hoạt tại nguồn đi vào cuộc sống thiết thực, phải có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị và từng người dân. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã lần đầu tiên quy định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong bảo vệ môi trường. Với quy định này, sẽ góp phần phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng dân cư với bảo vệ môi trường. Cụ thể là phát huy tính đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau vì quyền lợi chung, sự sáng tạo và duy trì các sáng kiến gắn với địa bàn, lòng tự hào về truyền thống của làng xóm, quê hương của cộng đồng dân cư đối với môi trường. Qua đó sẽ hình thành, thúc đẩy và duy trì hiệu quả các mô hình chung tay bảo vệ môi trường ngay tại cơ sở như mô hình đường làng, ngõ xóm xanh-sạch-đẹp, phân loại rác tại nguồn...
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Quốc Đăng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để bảo đảm mục tiêu phát triển của tỉnh theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, để việc phân loại tại nguồn, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đi vào cuộc sống thiết thực đối với tổ chức, cá nhân, thì phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và từng người dân.
"Vì vậy, thông qua hội thảo, tôi mong muốn được tiếp thu, chia sẻ kinh nghiệm từ các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, nhà đầu tư trong việc thực hiện các nội dung, cách làm hay, bài học kinh nghiệm về phân loại rác tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt của các địa phương trong cả nước. Sự kiện càng có ý nghĩa hơn khi việc phân loại rác tại nguồn bắt buộc phải thực hiện từ ngày 01/01/2025" - ông Phạm Quốc Đăng nói.
Các doanh nghiệp và người dân thành phố Vũng Tàu tích cực tham gia nhặt rác và phân loại rác tại bờ biển. |
Tại hội thảo, đại diện các địa phương như Côn Đảo, Phú Quý, Phú Quốc đã chia sẻ, trao đổi về những mô hình, giải pháp cũng như những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý chất thải tại địa phương.
Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nghiệp tập trung thảo luận, chia sẻ về một số mô hình, giải pháp, kinh nghiệm của các địa phương trong thực hiện chính sách, quy định phân loại rác tại nguồn; đánh giá các kết quả, vấn đề còn tồn tại trong thực hiện các mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với các huyện đảo, xã đảo và vùng ven biển. Từ đó, đề xuất các giải pháp về chính sách quản lý, giải pháp xây dựng mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên đảo và vùng ven biển phù hợp với quy định.
Hồng Thắm