Văn hóa Thủ đô tỏa sáng dưới ngọn đuốc dẫn đường của Đảng
Bài 3: Đưa văn hóa Hà Nội hội nhập, vươn xa
Tiếp nối mạch nguồn từ các nhiệm kỳ trước, Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) của Đảng bộ TP Hà Nội đã xác định, Hà Nội đặt mục tiêu hội nhập, cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Đến năm 2030, mục tiêu là ngang tầm các quốc gia châu Á và đến năm 2045 hướng tới hội nhập cạnh tranh toàn cầu, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Từ Nghị quyết đến hành động, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đột phá, tăng cường mạnh mẽ hội nhập quốc tế, khẳng định vị thế Thủ đô, nỗ lực trở thành điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.
Tầm nhìn xa, quyết tâm lớn
Mùa Thu năm Canh Tuất 1010, tiếp nối sự nghiệp dựng nước của các Vua Hùng, các bậc tiên liệt, Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn với tầm nhìn chiến lược, đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của nước Đại Việt. 1014 năm đã đi qua, Thăng Long - Hà Nội vẫn luôn khẳng định là một vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài bốn phương, lắng đọng hồn núi sông nghìn năm, là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của nền văn hóa dân tộc, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô anh hùng”.
Diễu hành “Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội năm 2024”. Ảnh: Hải Linh |
PGS.TS Phạm Quang Long - nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, Hà Nội từ khi hình thành cho tới nay, luôn là một vùng văn hóa tiêu biểu, có khả năng dẫn dắt, hướng đạo cho văn hóa Đại Việt, văn hóa thời chuyển giao giữa Nho giáo đóng kín sang xu hướng văn hóa đô thị, hướng tới văn minh, hiện đại, văn hóa thời đại Hồ Chí Minh và thời mở cửa, hội nhập theo xu hướng toàn cầu hóa. Cái điềm tĩnh trong tiếp nhận, cái vững vàng vượt qua thử thách, cách chọn lọc cái hay để học theo và đặc biệt là sự từng trải và vững vàng trước các giông bão là một phẩm chất rất đặc biệt của sức sống văn hóa Hà Nội.
“Văn hóa Hà Nội luôn đan xen giữa cái truyền thống với cái hiện tại, những yếu tố mới, năng động, cập nhật, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Từ căn cốt, Hà Nội nói chung, văn hóa Hà Nội nói riêng luôn mở cửa, khai phóng để tiếp nhận những yếu tố ngoại lai nhưng cũng luôn có sự “phòng vệ” trong các tiếp biến văn hóa, vì điều này cần cho chính nó, trở thành một “tố chất trội” trong quá trình phát triển”, PGS.TS Phạm Quang Long nhận định.
Hà Nội đã trải qua ba lần quy hoạch trước khi mở rộng địa giới hành chính từ ngày 1/8/2008 theo Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII và thực hiện quy hoạch theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Những điều chỉnh này cần thiết trong quá trình phát triển. Hà Nội hiện nay có địa bàn rất thuận lợi cho sự phát triển trong tương lai bởi tính chất địa kinh tế, địa văn hóa đã thay đổi. Đặc biệt, hòa vào dòng chảy chung của thời đại, Hà Nội đã không ngừng bồi đắp nét đặc sắc văn hóa để hội nhập, nắm bắt cơ hội đi lên từ đổi mới, sáng tạo.
Phát huy truyền thống lịch sử văn hiến và anh hùng; với vị trí, vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế của cả nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hà Nội đã, đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện, hoàn thành sứ mệnh của Thủ đô với “Tầm vóc mới - Vị thế mới”; xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; Thành phố kết nối toàn cầu; điểm đến “An toàn - Thân thiện - Hấp dẫn” với bạn bè quốc tế. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh |
Công tác đối ngoại của thành phố đã có những bước chuyển mình tích cực. Đến nay, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với hơn 60 Thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ... Để thúc đẩy hội nhập trên lĩnh vực văn hóa, Hà Nội đã tham gia và có mối quan hệ hợp tác bền chặt với nhiều tổ chức quốc tế, địa phương của các nước trên thế giới. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến hợp tác với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) trong công tác bảo tồn di sản.
Theo TS. Bùi Thị Thu Phương - Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, đến nay sau 14 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (1/8/2010), với mục tiêu đưa di sản trở thành một điểm đến hấp dẫn và quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam cũng như trong tuyến du lịch tại Hà Nội, Trung tâm xác định ngoài việc đưa ra các hoạt động về quản lý, bảo tồn, tôn tạo, còn đề ra các kế hoạch phát huy giá trị của khu di sản. Trong đó, tổ chức các sự kiện thường niên gắn với kết quả nghiên cứu giá trị văn hóa phi vật thể tạo thành hoạt động, sự kiện mang thương hiệu để công chúng biết và tham dự như: Lễ khai xuân dịp Tết Nguyên đán, lễ hội Trung thu, lễ hội Đoan Ngọ...
Đáng chú ý, ngày 24/7/2024, tại Trung tâm Hội nghị Bharat Mandapam ở Thủ đô New Delhi, Ấn Độ, tại Kỳ họp lần thứ 46, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới Vishal V. Sharma đã gõ búa thông qua Quyết định số 46 COM 7B.43, chính thức đồng thuận với các nội dung đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo khẳng định, hồ sơ có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Việt Nam mà còn với thế giới, gắn với những vấn đề mới liên quan tiến trình phát triển của di sản; coi đây là hình mẫu hợp tác giữa quốc gia thành viên với UNESCO và cơ quan tư vấn, đồng thời cũng là điển hình của việc bảo tồn di sản thế giới.
Đoàn thanh niên xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội vẽ tranh bích họa làm đẹp đường phố. Ảnh: Hữu Thu |
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đẩy mạnh phối hợp với vùng Wallonie (Vương quốc Bỉ), vùng Ile de France (Pháp), Nhật Bản... trong bảo tồn và phát huy các di sản, giá trị văn hóa. Trong đó, hợp tác giữa Hà Nội và Ile-de-France tiêu biểu như: Dự án bảo tồn Biệt thự 49 Trần Hưng Đạo; nghiên cứu, mở rộng không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; quy hoạch, bảo tồn làng cổ Đường Lâm... đã góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển của Thủ đô.
Từ một đô thị có quy mô dân số khoảng 43,7 vạn người những ngày đầu giải phóng, đến nay, Hà Nội có quy mô dân số hơn 8 triệu người và không ngừng phát triển. Hà Nội cũng là một trong số ít những Thủ đô trên thế giới có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn nghìn năm tuổi và được biết đến là “Thành phố di sản”, là nơi hội tụ và lan tỏa văn hóa, văn minh, nơi có bề dày trầm tích văn hóa với số lượng di sản lớn nhất cả nước, với hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử phong phú, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc với 5.922 di tích được kiểm kê; 1.350 làng nghề, gần 1.700 lễ hội dân gian, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Với những chính sách đối ngoại và nỗ lực tăng cường hội nhập trong thời gian qua, Hà Nội khẳng định vị thế xứng tầm là Thủ đô nghìn năm văn hiến, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của cả nước.
Hà Nội truyền cảm hứng vì hòa bình
Ngày 16/7/1999, Hà Nội là thành phố châu Á đầu tiên được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” - sự kiện có ý nghĩa chính trị sâu sắc, thể hiện niềm tin, khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam nói chung, của nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Danh hiệu này là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những đóng góp tích cực của Thủ đô Hà Nội trong công cuộc đấu tranh vì hòa bình cũng như trong sự nghiệp phát triển, xây dựng một thành phố hòa bình, một thành phố năng động nhưng vẫn giữ những nét truyền thống Việt Nam, vươn lên với sức bật mạnh mẽ xứng đáng là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trở thành trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. 25 năm qua, Hà Nội đã có nhiều thay đổi tích cực, toàn diện, trở thành điểm đến “an toàn - thân thiện”, ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Theo đại biện lâm thời Đại sứ quán Indonesia Jane Runkat, di sản lịch sử phong phú của Hà Nội đã góp phần củng cố vị thế Thủ đô trở thành một “Thành phố Vì hòa bình”. Mặt khác, Hà Nội đã biến những khó khăn trong lịch sử trở thành khả năng cạnh tranh của ngày hôm nay, trở thành một trung tâm giáo dục, khoa học, công nghệ và văn hóa trong khu vực. Những nỗ lực về phát triển bền vững của Hà Nội cũng minh chứng Thủ đô rất xứng đáng với danh hiệu, với nhiều sáng kiến giải quyết các thách thức vì môi trường.
“Việc công nhận Hà Nội là Thành phố Vì hòa bình của UNESCO có thể truyền cảm hứng cho các thành phố khác theo đuổi con đường vì hòa bình và phát triển”, bà Jane Runkat nói.
Trong khi đó, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) Đào Quyền Trưởng nhận định, việc sở hữu danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” của UNESCO không chỉ là sự công nhận về giá trị văn hóa, lịch sử và tự nhiên của một địa phương hay quốc gia, mà còn là cấu phần quan trọng hình thành nên thương hiệu mỗi quốc gia, địa phương; từ đó có sự đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội thông qua thu hút khách du lịch, chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế, thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh, bền vững.
Hình ảnh Hà Nội là một điểm đến “an toàn - thân thiện”, ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Hình ảnh Thủ tướng Australia John Howard thong thả chạy bộ buổi sáng ở hồ Hoàn Kiếm, Tổng thống Pháp Francois Hollande tản bộ trong khu phố cổ, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngồi ăn bún chả trên phố Lê Văn Hưu, Tổng thống Argentina Mauricio Macri ngồi thưởng thức cà phê vỉa hè... với người dân Hà Nội càng thể hiện rõ tinh thần hòa bình, thân thiện có sẵn trong mảnh đất này. Đặc biệt, tháng 2/2019, Hà Nội đã được Mỹ và Triều Tiên chọn là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 giữa hai bên. Tất cả khẳng định, sức hấp dẫn từ sự phát triển ổn định, khẳng định niềm tin vào Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình.
Phát biểu tại “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” tổ chức ở khu vực hồ Hoàn Kiếm sáng 6/10, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc, Trưởng đại diện các tổ chức của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, khẳng định Hà Nội với hơn 1.000 năm văn hóa và lịch sử, luôn thể hiện tinh thần kiên cường và tái sinh. Sau ngày giải phóng lịch sử, lãnh đạo và người dân Thủ đô đã hồi sinh, xây dựng nên một thành phố tràn đầy sự đổi mới, hòa nhập và thịnh vượng. Danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” do UNESCO trao tặng năm 1999 và việc UNESCO công nhận Hà Nội là Thành phố sáng tạo vào năm 2019 đã nhấn mạnh nỗ lực của thành phố trong việc tái tạo chính mình qua từng năm.
Phát huy sức mạnh mềm văn hóa
Với hệ thống di sản văn hóa phong phú, đặc sắc, môi trường hòa bình, thân thiện, Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Trong thời gian qua, Đảng bộ Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là gắn kết hiệu quả, hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch văn hóa. Năm 2012, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4597/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, khẳng định quan điểm phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; phát triển du lịch Thủ đô có trọng tâm, trọng điểm, trong đó đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác.
Ngày 26/6/2016, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU “Về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” với mục tiêu trọng tâm là phát triển kinh tế thông qua du lịch văn hóa. Trong đó, tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác; xác định mục tiêu phát triển toàn diện du lịch Thủ đô Hà Nội cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, bảo đảm tính bền vững; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; thân thiện với môi trường.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để tập trung phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch góp phần tăng trưởng kinh tế Thủ đô, xác lập vị trí mũi nhọn của “ngành công nghiệp không khói”, là nền tảng để đưa Hà Nội giữ vững vị trí trung tâm du lịch lớn của cả nước. Trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, ngành du lịch Thủ đô vẫn có sự phục hồi ấn tượng, đạt được kết quả tích cực và thu hút lượng lớn du khách đến tham quan.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Thủ đô ước đạt 24 triệu lượt, tăng 27% so với năm 2022 (tăng 9,1% so với kế hoạch, tương đương 83% kết quả năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87.650 tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022. 9 tháng năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 21,12 triệu lượt, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 81.932 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Có thể nhìn thấy, dấu ấn rõ nét tạo nên sức hút của du lịch Thủ đô là những thành công trong hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong khâu quản lý, xây dựng sản phẩm mới. Trong đó, có thể kể đến như đã triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu của toàn ngành du lịch (dulich.myhanoi.vn) và đưa vào khai thác từ đầu năm 2023; hình thành bản đồ số du lịch (bằng nhiều thứ tiếng) thể hiện các thông tin thu hút du khách phục vụ phát triển du lịch thông minh của Hà Nội (đã thí điểm tại Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Thạch Thất). Ngành du lịch Hà Nội cũng đã xây dựng nhiều tour, sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm gắn với du lịch đêm trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống. Riêng năm 2023, Sở Du lịch cho ra mắt 15 sản phẩm du lịch đêm hấp dẫn, tạo ấn tượng tốt đối với du khách.
Nhờ đó, trong những năm qua, Hà Nội liên tiếp góp mặt trong nhiều cuộc bình chọn về điểm đến được yêu thích như: điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á, điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày, cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á...
Các hoạt động tôn vinh danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” của Hà Nội thời gian tới cần có sự tiếp nối, gắn kết và đổi mới, góp phần định vị thương hiệu, danh hiệu Thủ đô là điểm đến an toàn, hòa bình, là nơi ký kết, hòa giải, kết nối khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, cần gia tăng kết nối chia sẻ giữa các tầng lớp nhân dân Thủ đô bằng các hoạt động giao lưu hữu nghị quốc tế, các hoạt động cộng đồng bền vững, hoạt động bảo vệ môi trường sống... Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Nội Trần Nghĩa Hòa |