Văn hóa Thủ đô tỏa sáng dưới ngọn đuốc dẫn đường của Đảng
Bài 2: Coi văn hóa là trọng tâm trong chiến lược phát triển
Liên tục có sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Trung ương, qua các nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đều xây dựng chương trình trọng tâm công tác về phát triển văn hóa và con người.
Từ đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong chăm lo phát triển văn hóa, coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô bền vững.
Nhất quán đường lối, chính sách phát triển văn hóa
Trong những năm qua, Đảng bộ TP Hà Nội đã quán triệt, vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng trên lĩnh vực văn hóa vào thực tiễn của Thủ đô để đề ra các chủ trương, quyết sách lãnh đạo toàn diện, đúng đắn. Việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc kể từ Đề cương văn hóa năm 1943 đến nay có nhiều chuyển biến tích cực. Văn hóa trở thành một nội dung quan trọng trong hoạt động của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, từng bước gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách về văn hóa và đời sống tinh thần cho nhân dân Thủ đô.
Khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng |
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, việc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được triển khai trên cơ sở kế thừa, bổ sung và hoàn thiện liên tục qua từng giai đoạn, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay Thủ đô ngày càng được quan tâm, coi đây là nhiệm vụ căn bản, nền tảng quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Thủ đô.
Với phương châm kiên trì, bền bỉ, hiệu quả lâu dài, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chủ động, sáng tạo, liên tục trong nhiều nhiệm kỳ đều xây dựng và ban hành các chương trình công tác lớn toàn khóa về văn hóa. Đặc biệt, sau khi mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), sự hòa nhập giữa văn hóa Thăng Long - Hà Nội với một số vùng văn hóa, như văn hóa xứ Đoài, văn hóa Sơn Nam Thượng... tạo nên sự đặc sắc, phong phú của văn hóa Thủ đô; đồng thời thu hút tài năng, tâm huyết của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đến từ mọi miền Tổ quốc.
“Trải qua 8 kỳ Đại hội, kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới (từ Đại hội X đến Đại hội XVII), tư duy lý luận về phát triển văn hóa, con người Thủ đô có bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 một lần nữa khẳng định tư duy và nhận thức về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội một cách toàn diện hơn, được nâng lên tầm cao mới, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong chiến lược xây dựng và phát triển Thủ đô theo hướng nhanh, bền vững”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định.
3 nhiệm kỳ gần đây nhất, Đảng bộ Hà Nội đều xây dựng chương trình trọng tâm công tác về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đó là Chương trình 04-CTr/TU ngày 18/10/2011 của Thành ủy khóa XV về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011-2015”; Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy khóa XVI về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020” và Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.
Đặc biệt, tại buổi làm việc chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 (ngày 19/9/2020), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở những nhiệm vụ trọng tâm và một lần nữa khẳng định: Hà Nội chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ, nhưng yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội cũng phải cao hơn với các địa phương khác. Đảng bộ Hà Nội cần phải có tầm nhìn không chỉ là một hay vài nhiệm kỳ, mà phải nhìn xa hơn nữa, với những cách làm, bước đi phù hợp, tận dụng tối đa những thời cơ, vận hội, huy động được nguồn lực tổng hợp để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Thấm nhuần tư tưởng, quan điểm, định hướng của Đảng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển văn hóa, từ thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa của Thủ đô, bằng việc vận dụng sáng tạo các quan điểm phát triển văn hóa của Đảng, Nhà nước, cụ thể hóa những định hướng chỉ đạo cụ thể của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua các thời kỳ, Đảng bộ TP Hà Nội đã liên tục xây dựng và phát triển Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa.
Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” do Thành ủy Hà Nội tổ chức tháng 3/2023. Ảnh: An Chi |
Hà Nội đang trở thành một thành phố năng động, phát triển, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thủ đô được nâng cao. Việc gắn kết hài hòa giữa phát triển văn hóa với kinh tế, từng bước phát huy những tiềm năng, thế mạnh văn hóa để chuyển hóa thành nguồn lực nội sinh cho sự phát triển của Thủ đô đã bắt kịp xu hướng phát triển kinh tế mới của nhiều quốc gia trên thế giới.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư
Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội (nhiệm kỳ 2020-2025) khẳng định quyết tâm: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô”. Trong đó, nêu rõ mục tiêu “phát triển văn hóa là vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa” từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội của thành phố. Có thể thấy, nội hàm nhiệm vụ phát triển văn hóa đã cho thấy tầm mức quan trọng và tính quyết định của nó tới các nhiệm vụ khác.
Trong lĩnh vực văn hóa ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, trong thời gian qua, đã có nhiều cơ chế, chính sách mới góp phần hình thành nên môi trường để phát huy có hiệu quả các nguồn lực văn hóa, qua đó phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, nền tảng đầu tiên là Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 được ban hành năm 2009 và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành năm 2016.
Trên cơ sở khung chính sách của quốc gia, Hà Nội đã ban hành các Chương trình công tác của Thành ủy, Nghị quyết của HĐND TP và Quyết định của UBND TP với việc ưu tiên tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có phát triển văn hóa, con người, phát triển du lịch, bảo tồn nghề thủ công truyền thống và di sản văn hóa... hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Hà Nội là Thủ đô, mà Thủ đô là đô thị đứng đầu, chỉ có một, Hà Nội là trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa của cả nước. Do đó, người Hà Nội làm sao phải phát huy được truyền thống hào hoa, thanh lịch, văn hiến và anh hùng, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; tập trung xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định là chức năng rất cơ bản của Thủ đô. Mỗi tỉnh, thành phố có một đặc thù riêng nhưng Hà Nội chỉ có một, vẻ đẹp không nơi nào có được. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa (tháng 7/2023) |
Từ nhận thức tới hành động, nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển văn hóa, con người Thủ đô được quan tâm tăng lên qua từng giai đoạn. Trong nhiều năm, mức đầu tư cho văn hóa tăng dần theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Giai đoạn 2021-2025, dự kiến mức đầu tư cho văn hóa chiếm 2% tổng thu ngân sách thành phố để thực hiện hoạt động phát triển văn hóa, mua sắm trang thiết bị, sửa chữa, chống xuống cấp các thiết chế văn hóa.
Bên cạnh nguồn kinh phí chi thường xuyên và đầu tư công hàng năm, thành phố đã quan tâm có cơ chế hỗ trợ đầu tư cho các nhà văn hóa thôn, làng và các di tích trên địa bàn thành phố. Trong 2 năm 2020 và 2021, thành phố đã hỗ trợ 317,5 tỷ đồng cho 127 nhà văn hóa thôn, làng. Mức hỗ trợ đầu tư cho các nhà văn hóa thôn, làng là 2,5 tỷ đồng/nhà văn hóa. Đồng thời, thành phố có cơ chế các quận hỗ trợ cho các huyện để xây dựng 19 nhà văn hóa thôn, làng 74,9 tỷ đồng (năm 2020: 14 nhà văn hóa, 65,5 tỷ đồng; năm 2021: 5 nhà văn hóa, 9,4 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, trong những năm qua, Trung ương và thành phố đã thường xuyên quan tâm đến việc hỗ trợ đầu tư cho các di tích trên địa bàn do cấp huyện quản lý. Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 20/3/2013 của UBND TP giai đoạn 2013-2015, tổng số di tích đầu tư tu bổ và hỗ trợ chống xuống cấp là 68 di tích đã xuống cấp nguy hiểm, tổng kinh phí là 304,5 tỷ đồng.
Thành phố đã có cơ chế hỗ trợ tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp cho các di tích do cấp huyện quản lý năm 2016-2022: 216 di tích với tổng kinh phí 260 tỷ đồng. Đặc biệt trong năm 2022, thành phố đã quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn thành phố và ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 với tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 2021-2025 và sau năm 2025 là 14.029 tỷ đồng, 579 dự án (gồm 58 dự án cấp thành phố và 521 dự án ngân sách thành phố hỗ trợ huyện).
Theo Giám đốc Ban Quản lý di tích, danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn, Hà Nội đã giải quyết cơ bản hài hòa, hợp lý giữa công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội trong không gian đô thị với việc áp dụng một số mô hình hiệu quả, tham khảo ý kiến tư vấn của các nhà khoa học, lắng nghe ý kiến dư luận nhiều chiều, giải quyết những vi phạm trong quản lý, bảo tồn các di sản văn hóa.
Một số quận nội thành làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển được nhiều hộ dân ra khỏi khu vực bảo vệ di tích, như tại đình Kim Ngân, đền Quan Đế, Bích Câu đạo quán, chùa Hòe Nhai, đền Đông Hạ, đền Hai Bà Trưng... Không ít vụ việc xâm phạm di sản văn hóa được phát hiện và giải quyết kịp thời; giải quyết các nút giao thông trên đường Văn Cao, Đào Tấn, Cầu Giấy, Đội Cấn với việc thực hiện đầy đủ, chi tiết hoạt động tư liệu hóa các hố khai quật khảo cổ, đưa toàn bộ tài liệu, hiện vật về lưu trữ, bảo quản tại bảo tàng để phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa.
Bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thành phố, công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích được đẩy mạnh nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng, nâng cao ý thức bảo vệ di sản. Việc xã hội hóa trong công tác tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ đã được phát huy mang lại nhiều chuyển biến tích cực cho việc phát triển văn hóa Thủ đô. Nhiều sản phẩm văn hóa mới ra đời, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân như các không gian công cộng, phố đi bộ...
Hà Nội đã phát huy tốt vai trò của văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô. Đây là nguồn lực quan trọng góp phần phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật chất lượng cao trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân Hà Nội. Hàng năm, thành phố luôn có những chính sách, chế độ đãi ngộ, quan tâm đến đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô, ban hành nhiều văn bản, có cơ chế chính sách riêng nhằm động viên về cả vật chất và tinh thần khuyến khích họ tiếp tục cống hiến.
Xây dựng chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Những năm qua, công tác xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển được triển khai bài bản, có trọng tâm, trọng điểm; công tác xây dựng đạo đức, lối sống văn minh, hiện đại được quan tâm. Hà Nội xác định nhiệm vụ cốt lõi là tập trung xây dựng thành phố tiêu biểu về lối sống, phong cách ứng xử có văn hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Cùng với đó, Hà Nội cũng là địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia như: chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững... đã góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn thành phố.
Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU ngày 3/10/2012 của Thành ủy về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, nhìn chung trên địa bàn thành phố đã có sự chuyển biến rõ nét. Đã có nhiều mô hình cưới mới như tổ chức tiệc trà, lễ trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND phường, xã; không thách cưới bằng tiền mặt, lễ vật không cầu kỳ, đám cưới chỉ diễn ra một ngày, không mời tràn lan... đang được nhiều gia đình trên địa bàn thực hiện nghiêm túc, sáng tạo và dần duy trì thành nếp.
Tại quận Hà Đông, sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, năm 2008, Hà Đông chuyển thành quận nội thành. Trước đây, việc tổ chức cưới xa hoa, lãng phí diễn ra khá phổ biến, thuê nhạc sống, tổ chức hát múa quá giờ quy định; có đám cưới ăn uống linh đình từ 2-3 ngày với 150-200 mâm cỗ, bắc rạp ngoài đường quá lớn gây cản trở giao thông. Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hà Đông Nguyễn Văn Trường, sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU đã mang lại hiệu quả rõ nét, đến nay, việc thực hiện tiêu chí cưới văn minh trên địa bàn quận đạt 98,4%.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến luôn là nơi cả nước hướng về, với niềm tin và hy vọng. Sự tin yêu đặc biệt đó mang đến cho người Hà Nội niềm tự hào, đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao với người Hà Nội hôm nay. Nhận thức được điều đó, trong nhiều năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã triển khai chương trình xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Những quy định từ việc cưới, việc tang đến bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, xây dựng văn hóa công sở... góp phần thiết thực vào việc giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình và xây dựng chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong điều kiện mới.
Bằng thiện chí hợp tác chân thành, TP Hà Nội và người dân Thủ đô luôn chào đón, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu thị trường, đầu tư trên địa bàn, khuyến khích và tích cực hỗ trợ các hoạt động giao lưu văn hóa, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa... Thực tế hợp tác quốc tế thời gian qua giúp Hà Nội có nhiều bài học kinh nghiệm phong phú trong các lĩnh vực bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, di sản vật thể; bảo tồn di sản phi vật thể, di sản tư liệu; ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực... Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn |