Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024)
Nhớ một người trong rạo rực nghìn năm
(PetroTimes) - Nhắc đến Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, không thể không nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, tạo tiền đề cho việc ký Hiệp định Giơ-ne-vơ và hòa bình lập lại trên cả nước. Và cũng không thể không nhắc đến một người con của Hà Nội, người đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong vai trò Đại đoàn trưởng Đại đoàn Quân Tiên Phong và sau đó tiến vào tiếp quản Thủ đô, đó là tướng Vương Thừa Vũ.
Trung tướng Vương Thừa Vũ |
Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội đã trải qua hơn một nghìn năm kể từ khi được vua Lý Công Uẩn chính thức đặt là kinh đô của đất nước. Trong suốt chiều dài lịch sử đó có biết bao nhiêu bậc tiền nhân đã đóng góp tài năng, công sức, tiền bạc, thậm chí cả xương máu của mình để xây dựng và bảo vệ “đế đô của muôn đời” (“Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn”), để giờ đây chúng ta có được một Hà Nội đẹp lung linh và chứa đầy huyền thoại.
Những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội được gọi là “người Hà Nội” - cái danh từ không chỉ chứa đựng sự hào hoa, lịch lãm, tinh tế mà còn bao hàm phẩm chất anh hùng rất đáng tự hào. Trong suốt hơn nghìn năm lịch sử đó, những “người Hà Nội” chính là nhân tố chủ chốt tạo nên cái hồn cốt của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội còn lại đến ngày nay.
Và có một người Hà Nội đã in dấu sâu sắc, một vị danh tướng từng trấn thủ thành Hà Nội, tên ông đã trở thành tên của một con phố. Người con của Hà Nội đó chính là Trung tướng Vương Thừa Vũ - Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội 1946; Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy đầu tiên của Đại đoàn Quân Tiên Phong (nay là Sư đoàn 308); Chủ tịch Ủy ban Quân quản Thành phố Hà Nội (10/1954); nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN).
Trung tướng Vương Thừa Vũ tên thật là Nguyễn Văn Đồi sinh ngày 14/12/1910 tại làng Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Hà Nội hồi ấy là một đô thành Pháp thuộc nửa phong kiến, nửa thực dân. Người thanh niên Nguyễn Văn Đồi đã lớn lên trong sự cực khổ, chịu đựng và cảm nhận sâu sắc nỗi đau của một người dân mất nước. Ông giác ngộ cách mạng, tham gia kháng chiến sớm với tâm thế của một người trai gánh vác việc giang sơn, với nỗi lòng của một người trai Hà Nội, chứ không phải để trở thành một vị tướng.
Đánh giá công lao của ông, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân đã viết: “Gắn liền với quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của QĐNDVN là những danh tướng quân sự tài ba, tên tuổi của họ được ghi vào lịch sử nghệ thuật quân sự Việt Nam như những huyền thoại về những trận đánh và chiến công. Trung tướng Vương Thừa Vũ là một trong những danh tướng như vậy. Cuộc đời và sự nghiệp của ông đã gắn liền với lịch sử QĐNDVN anh hùng”.
Với Thủ đô Hà Nội, tên tuổi của ông đã gắn liền với hai sự kiện chính là cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội khi toàn quốc kháng chiến nổ ra (sau này được gọi là sự kiện Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa từ ngày 19/12/1946 đến 19/2/1947) và ngày trở về trong cờ, hoa và nước mắt khi tiếp quản Thủ đô vào thời khắc lịch sử - ngày 10/10/1954.
Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN Vương Thừa Vũ, đại diện cán bộ cao cấp toàn quân tặng hoa Bác Hồ nhân ngày sinh lần thứ 79 của người 19-5-1969 (ảnh: TTXVN) |
Để trở lại với những ngày tháng hào hùng ấy, để hiểu hết chất sử thi và anh dũng của những người con Hà Nội, chúng ta hãy cùng đọc lại những dòng hồi ức của ông được trích trong cuối hồi ký “Những chặng đường chiến đấu”:
“22/2/1947 tại đình làng Thượng Hội, huyện Đan Phượng, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Bộ Quốc phòng và Quân đội tuyên dương công trạng của Trung đoàn Thủ đô - đặc trưng cho một quân đội của một dân tộc nhỏ bé quyết không chịu làm nô lệ, đã hiên ngang chống lại quân đội của một nước đế quốc hùng mạnh - và trao tặng cho Trung đoàn lá cờ thêu tên “Trung đoàn Thủ đô”. Đêm đó, một đêm tưng bừng rộn rã, đêm mừng công của mặt trận Hà Nội. Tôi gặp nhiều đồng chí quen biết cũ, chuyện trò mãi không dứt. Một đồng chí đội mũ ca-lô gắn sao vàng vành trắng, cấp hiệu tiểu đội, chen đến gọi tôi: - Anh Vũ, bây giờ em mới biết tên anh. Anh còn nhớ không, em đã gặp anh ở cửa nhà tên Moóc-li-e đấy mà, hôm ấy anh mặc bộ quần áo nâu như bác nông dân ấy. Tôi nhớ ra ngay, đúng là đồng chí đội trưởng đội tự vệ phố Nhà Thờ giờ đây trông rắn rỏi ra nhiều quá, nhưng cái dáng học sinh thì vẫn còn nguyên. Đồng chí ấy mở bao thuốc Phi-líp Mo-rít mời tôi: - Anh hút với em một điếu! Rồi đồng chí ấy khoe với tôi: - Anh biết không, hôm đầu kháng chiến, em ở phố Nhà Thờ, sau nó đánh phải rút dần về phố Hàng Gai, mình lùi hơn 100m. Ấy thế rồi mà tiểu đội em cứ giữ địch được ở đấy cho đến khi có lệnh ra đấy. Tối hôm 17, em được chỉ huy một tổ nghi binh, ôi tha hồ mà đốt pháo. Nhưng lúc ra đi, nhớ thương Hà Nội quá, em cứ vừa đi vừa khóc đấy. Bao giờ lại trở về anh nhỉ? Nói đến đây, đồng chí ấy lại chảy nước mắt. Những đồng chí vây quanh tôi cùng có chung một câu hỏi: Bao giờ ta lại trở về anh Vũ ơi? Trong giây phút này, tôi vô cùng nghẹn ngào, biết nói thế nào đây, tôi hỏi lại:
- Thế các chú không nghe anh Giáp vừa nói lúc nãy à?
Tuy đã thông suốt và đang suy nghĩ cách lãnh đạo anh em chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của cấp trên nhưng chính lúc này đây tôi cũng sống trong tâm trạng thật xúc động - một tình cảm buồn vui rất khó mà diễn đạt. Nhìn những người lính trẻ Thủ đô đang đứng quanh tôi, đang đòi hỏi ở tôi một câu trả lời chính xác. Tôi rít một hơi dài điếu thuốc lá Phi-líp Mo-rít mà đồng chí tiểu đội trưởng tự vệ phố Nhà Thờ vừa cho, phà một làn khói khoan khoái rồi nói tiếp: “Ta thề Thủ đô chiến thắng quân thù. Ta không bao giờ quên lời thề đó. Nhưng để có chiến thắng thì ngay từ bây giờ chúng ta phải bắt tay vào xây dựng lực lượng, tiếp tục đánh, ta sẽ về Thủ đô trong ngày đại thắng”. Họ reo lên, phải nói rằng họ hét lên thì mới đúng: Ta thề Thủ đô chiến thắng quân thù… Thủ đô ta đã chiến thắng, sẽ chiến thắng… Ngày mai ta về giải phóng Thủ đô ta…! Rồi họ ôm nhau ca hát, họ hát những bài tôi chưa hề được nghe bao giờ, bởi đó là những bài hát sáng tác ngay trong chiến hào của Liên khu I, những bài hát họ tự làm ra, ca ngợi cuộc chiến đấu rất đáng tự hào của những người rất yêu đời nhưng không sợ chết, những chiến sĩ cảm tử của đất Thăng Long bất diệt”.
Suốt 9 năm ròng kháng chiến chống Pháp, khó khăn gian khổ đã vượt qua để giành thắng lợi sau cùng, giống như cái cây chịu đựng sương gió, nuôi dưỡng mầm chất để rồi nở tung một bông hoa Điện Biên Phủ rực rỡ.
“Chín năm làm một Điện Biên
Lên vành hoa đỏ, lên thiên sử vàng”
(Tố Hữu)
Thắng lợi lịch sử đó cũng báo hiệu một ngày về giải phóng Thủ đô, báo hiệu một sự hồi sinh của cả một dân tộc. Với cương vị Chủ tịch Ủy ban Quân quản Thành phố Hà Nội, ông có nhiệm vụ dẫn Đại đoàn Quân Tiên Phong (tức Sư đoàn 308) từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô, chính trên con đường lịch sử này, Bác Hồ đã có dịp gặp gỡ Đại đoàn tại Đền Hùng và để lại lời căn dặn mang tầm thời đại: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Trong hồi ký “Những chặng đường chiến đấu”, ông nhớ lại:
“Ngày 10/10/1954 - một ngày lịch sử. Năm giờ sáng hết giới nghiêm, cả Hà Nội nhộn nhịp, vừa có cái thiêng liêng của ngày Tết, vừa có cái tưng bừng rạo rực của ngày hội lớn - Hội chiến thắng - Thủ đô hoàn toàn giải phóng. Nhân dân quần áo chỉnh tề, cờ hoa rực rỡ từng đoàn, từng đoàn đông nghịt trên các hè phố, các con đường báo trước là có bộ đội đi qua… Hôm qua Hà Nội rợp bóng cờ. Hôm nay Hà Nội là rừng cờ và hoa. Càng tiến sâu vào trong lòng Hà Nội, càng khó nén nổi xúc động, mắt nhòa lệ vì niềm vui gặp mặt, niềm vui về lại Thủ đô. Nhất là những cán bộ, chiến sĩ năm xưa chiến đấu trên mảnh đất này khi được lệnh ra đi đã hứa với Hà Nội “sẽ trở về”, lời hứa đó hôm nay đã thành sự thật:
“Ra đi hẹn một ngày về
Ba Đình còn đó, người thề còn đây”
Từng đoàn thiếu nữ ôm hoa đổ ra đường tặng bộ đội, tung lên xe. Những tốp thiếu nhi tay vốc từng nắm hoa giấy tung lên như thả những đoàn bươm bướm muôn màu nhỏ li ti bay sà vào những chiếc xe trận đang từ từ lăn bánh đi qua. Nhân dân hò reo và phất cờ, vẫy hoa. Bộ đội đi giữa rừng cờ, rừng hoa, rừng người tươi như hoa…”.
Tại buổi lễ tổ chức tại sân Cột Cờ Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vương Thừa Vũ đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô với lời chúc “Chúng ta nhất định vượt mọi khó khăn để đạt mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”. Sau đó, khi đã ổn định tổ chức chính quyền, thay mặt Ủy ban Quân quản Hà Nội, ông ký Thông báo của Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Ủy ban hành chính Thành phố Hà Nội do bác sĩ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch, Trần Danh Tuyên làm Phó Chủ tịch và 4 ủy viên, rồi trở về công tác chính bên quân đội.
Cho đến khi đất nước thống nhất (30/4/1975) ông đã đảm đương xuất sắc trọng trách là Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN và góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả dân tộc.
Ông mất năm 1980 vì căn bệnh ung thư dạ dày.
Trong suốt 70 năm của cuộc đời mình, cố Trung tướng Vương Thừa Vũ, một người con của Thủ đô Hà Nội, đã trọn vẹn sống, chiến đấu và hy sinh vì đất nước, vì dân tộc, vì Thủ đô thân yêu của chúng ta.
Mi Lâm