Ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch HĐTV TKV (giai đoạn 2011 - 2023)
Chúng ta có quyền tự hào bởi sự phát triển mạnh mẽ của Tập đoàn trong 30 năm qua
(PetroTimes) - Năm tháng đã lùi xa, nhưng với tôi, những ký ức về cuộc đời làm thợ lò, rồi sau này là lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn nguyên vẹn như thuở nào.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất, tôi về ở Công ty Than Uông Bí và làm việc ở mỏ than Vàng Danh, khởi đầu là làm công nhân trực tiếp đứng gương ở trong hầm lò của mỏ than Vàng Danh. Và tôi đã trưởng thành từ công nhân của mỏ lên cánbộ cao cấp của TKV.
Tôi có 3 năm làm Phó Tổng Giám đốc TKV và Giám đốc Trung tâm điều hành ở QuảngNinh. 3 năm làm Tổng Giám đốc, 8 năm làm Chủ tịch HĐTV TKV.
Thời điểm mà tôi làm thì phải nói là có rất nhiều những khó khăn, khách thức. Tôi không thể nào quên được một kỷ niệm buồn, đó là vào tháng 8/2015 xảy ra sự cố ngập mỏ than Mông Dương. Chúng tôi đã phải huy động Công ty Than Hà Lầm, Công ty Than Dương Huy, rồi những công ty hầm lò có kinh nghiệm khác để đến xử lý giúp Công ty Than Mông Dương. Những người thợ lò luôn có truyền thống cực kỳ quý báu đó là sự “đồng tâm”. Khi có tin anh em bị hoạn nạn, là tất cả đều sẵn sàng ứng cứu với trách nhiệm và quyết tâm cao nhất.
Đoàn kết, đó là một nguồn lực tiềm tàng và phong phú của TKV.
***
Khi thành lập Tổng công ty Than và sau này là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thì mục tiêu chiến lược xuyên suốt là “từ tài nguyên khoáng sản và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh”.
Để thực hiện chiến lược này, trong 30 năm qua cán bộ, công nhân ngành Than phải thực hiện một số nhiệm vụ cốt lõi.
Thứ nhất, về nguồn nhân lực với sự bất cập là Đảng bộ không đồng cấp giữa Đảng bộ Tập đoàn và Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh. Chúng tôi đã phải phối hợp rất chặt chẽ về công tác xây dựng đảng, công tác cán bộ, nguồn nhân lực. Chính như vậy, trong 30 năm qua cán bộ, công nhân ngành Than từ quản lý công nhân kỹ thuật không chỉ biết làm than, mà đã biết sản xuất điện bằng nhiệt điện than rồi thủy điện, rồi công nghệ về khai thác khoáng sản, luyện kim. Đặc biệt là công nghệ chế biến alumin ở Tây Nguyên. Chỉ sau một thời gian rất ngắn, cán bộ, công nhân ngành Than đã làm chủ được công nghệ này và đã mang lại hiệu quả cho hai dự án ở Tây Nguyên. Rồi công nghệ luyện đồng ở Lào Cai giúp chúng ta tiết kiệm được những nguồn tài nguyên quý để nâng cao giá trị khoáng sản. Rồi công nghiệp vật liệu nổ công nghiệp. Đây là một trong những nhiệm vụ rất căn bản của chiến lược phát triển ngành Than.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với TKV ngày 6/4/2013 |
Thứ hai, là phát triển tài nguyên. Từ bể than Quảng Ninh, chúng tôi đã mở rộng để thăm dò và định dạng lại tài nguyên khác được Đảng, Nhà nước giao cho. Ví dụ như bauxite Tây Nguyên. Rồi titan ở Bình Thuận, rồi các nguồn kim loại cho luyện đồng ở Lào Cai. Mặc dù không được cung cấp nguồn ngân sách để thăm dò tài nguyên, nhưng chúng tôi tự trích ở trong kinh phí của mình hằng năm với nhiều tỷ đồng và xin cơ chế Nhà nước để thăm dò và hiện nay chúng tôi đã định dạng làm tường minh được tài nguyên ngành Than.
Thứ ba, là phát triển khối kinh doanh. Vì là tập đoàn kinh tế nhà nước, để tương xứng với vị trí, vai trò của nó thì phải có những khối kinh doanh mạnh. Sau 30 năm, nhiệm vụ này đã được TKV hoàn thành rất xuất sắc. Chúng ta hình thành nên khối kinh doanh than và hiện naythan không chỉ phục vụ cho sản xuất mà đã làm thương mại. Rồi lĩnh vực sản xuất điện và hiện nay có nhiệt điện than; và thủy điện. Sản xuất alumin, luyện đồng, kẽm, các kim loại quý. Titan cũng đã thăm dò xong, đất hiếm thì đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Đối với lĩnh vực cơ khí, vật liệu nổ công nghiệp, nguồn nitrat trước kia phải nhập từ Trung Quốc, bây giờ TKV đã tự chủ được trong sản xuất, không những đáp ứng được nhu cầu ở trong ngành mà đã cung cấp cho các thành phần kinh tế khác. Có thể nói, về doanh thu và cơ cấu của TKV hiện nay không chỉ ở khối than. Ban đầu ở khối than nhưng là bây giờ các khối khoáng sản, điện và vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí đã góp phần tạo nên doanh thu, cũng như cơ cấu như hiện nay.
TKV tích cực thúc đẩy hợp tác phát triển quốc tế |
Tiếp nữa là vấn đề môi trường và quản lý bể than Quảng Ninh.
Song song xây dựng với chiến lược của ngành thì chúng tôi đặt mục tiêu đến 2025 phải cơ bản giải quyết xong tồn đọng do khai thác than hàng trăm năm để lại trên bể than Quảng Ninh. Và để thực hiện đề án này có 4 cái nhiệm vụ rất quan trọng.
Đầu tiên, phải sắp xếp lại những hệ thống cảng than, nhà máy tuyển, hệ thống vận chuyển chuyên dùng.
Đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã cơ bản vượt trước tiến độ, đó là đã băng tải hóa toàn bộ vận chuyển than trong vùng. Đã đưa than vào đường chuyên dùng và sắp xếp lại từ lúc hơn 100 cảng than trên bờ biển Quảng Ninh thì hiện nay chỉ còn 4-5 cảng. Rồi nhà máy tuyển đã không thải ra ngoài môi trường. Chính nội dung này đã góp phần giúp TKV quản lý tốt lượng than trong quá trình sản xuất và tiêu thụ.
Nhiệm vụ căn bản thứ hai của đề án môi trường, đó là hạ thấp các bãi thải. Từ bãi thải cao thì TKV đã hạ thấp bãi thải xuống và tránh được việc sạt lở bãi thải. Qua nhiều đợt mưa gió nhưng việc sạt lở bãi thải của TKV hầu như không có.
Nhiệm vụ thứ ba trong đề án này là phục hồi môi trường. TKV đã phủ xanh những bãi thải bằng những thảm thực vật và thảm cây rừng.Điển hình là ở bãi thải Tây Nam Đèo Nai, bãi thải Nam Lộ Phong, bãithải Núi Béo.
Nhiệm vụ thứ tư đó là xử lý nước thải. Hiện nay, 100% nước thải hầm lò TKV đã xử lý trước khi thải ra môi trường, đạt tiêu chuẩn B và đã xử lý nước thải ở lộ thiên.
Có thể nói rằng, những nhiệm vụ cơ bản trong chiến lược phát triển TKV sau 30 năm đã được thực hiện rất thành công. Tất nhiên, trong quá trình thực hiện có những chỗ chưa đạt được như mong muốn do khách quan và chủ quan.
Ngành Than sẽ bước vào chặng đường tiếp theo với độ mở rất lớn, có sự du nhập của kinh tế thế giới.
Đối với thế hệ đi sau, hãy làm tốt những kết quả mà thế hệ đi trước đã đạt được trong 30 năm qua. Đồng thời tiếp tục hoàn chỉnh, hoàn thiện những nội dung trong chiến lược, trong giai đoạn trước mình chưa làm được, còn hạn chế, phù hợp với tình hình kinh tế thế giới và đòi hỏi của Đảng, Chính phủ trong giai đoạn mới. Và phát huy tốt tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” của ngành, huy động sức mạnh của tập thể người lao động thông qua tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên và tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp ủy đảng, địa phương và các bạn hàng quốc tế. Chắc chắn TKV sẽ xứng đáng là một trong những trụ cột năng lượng.
Về cơ chế chính sách của nhà nước, hiện nay đã có Luật Doanh nghiệp mới. Và Luật Doanh nghiệp mới có thể cởi trói những bất cập mà doanh nghiệp nhà nước trước kia đang vướng, nhất là cơ chế đấu thầu.
Bây giờ vấn đề khó khăn của ngành là khai thác tài nguyên để phục vụ cho nền kinh tế, nhất là tài nguyên về than. Bể than Quảng Ninh với trữ lượng hiện nay không còn lớn. Rồi bể than Đồng bằng sông Hồng đã tường minh. Nhưng khi khai thác than sẽ tác động lớn đến môi trường và an sinh xã hội. Nếu chúng ta không giải quyết tốt vấn đề môi trường và an sinh xã hội thì chúng ta sẽ không thực hiện được những dự án phát triển tài nguyên than. Đây là một thách thức, mâu thuẫn giữa phát triển nền công nghiệp than với môi trường.
Để giải quyết vấn đề này, trong chiến lược ngành Than 30 năm qua TKV đã cơ bản giải quyết được vấn đề mâu thuẫn này. Trong thời gian tới, tôi cho rằng để phát triển ngành Than thì phải tập trung vấn đề môi trường và đây là công việc thường xuyên. Với chủ trương của ngành là đưa công viên vào trong nhà máy, đưa công viên vào trong mỏ. Hiện nay các mỏ than của ngành Than ở Quảng Ninh đang dần được xanh hóa. Chỉ có xanh hóa thì chúng ta mới phát triển bền vững cùng với phát triển của kinh tế địa phương và hài hòa với cộng đồng dân cư.
Kỷ niệm 30 năm thành lập TKV, chúng ta có quyền tự hào bởi sự phát triển mạnh mẽ của Tập đoàn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của nhân dân.
Chúng ta tự hào về truyền thống văn hóa tốt đẹp của những người thợ là “Kỷ luật và Đồng tâm”. Đó chính là sức mạnh để TKV thân yêu của chúng ta phát triển nhanh, vững chắc.