Dự báo tiêu thụ xăng dầu đến 2030 tiếp tục tăng dù xe điện đang trở nên phổ biến
(PetroTimes) - Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo đến năm 2028, Việt Nam có khoảng 1 triệu xe điện, chỉ chiếm khoảng 8% tổng số phương tiện động cơ truyền thống, nên nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam tới 2030 vẫn sẽ tăng.
Theo Bộ Công Thương, trong 8 tháng đầu năm 2024, cả nước tiêu thụ khoảng 18 triệu m3/tấn (bình quân tiêu thụ khoảng 2,25 triệu m3/tấn/tháng xăng dầu các loại), tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Tồn kho thời điểm 8 tháng năm 2024 khoảng 1,95 triệu m3/tấn, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được Bộ Công Thương phân giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (36 thương nhân) thực hiện tổng cộng là 28.437.856 m3/tấn xăng dầu các loại.
Về sản xuất, theo báo cáo của 2 nhà máy, sản xuất 8 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 11,4 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2023. Đối với nhập khẩu, theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu các loại 8 tháng năm 2024 khoảng 8,256 triệu m3 tấn, giảm 4,3% so với cùng kỳ.
Tiêu thụ xăng dầu 8 tháng đầu năm tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023 |
Chứng khoán Vietcap cũng đưa ra dự báo tiêu thụ xăng dầu sẽ tiếp tục tăng mạnh tại Việt Nam, ngay cả khi xe điện ngày càng phổ biến.
Tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép là 4,1% trong giai đoạn 2023 - 2028. Con số này cao hơn gấp 10 lần so với dự báo tiêu thụ xăng dầu toàn cầu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 0,4% trong cùng kỳ.
Trong thập kỷ qua, tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam đã tăng trưởng với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 7,2%. Tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng lớn, khi mức tiêu thụ hiện chỉ đạt 353.000 thùng/ngày, tương đương 1/4 mức trung bình của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Xu hướng này sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi số lượng phương tiện tăng đáng kể, đặc biệt là ô tô, vốn tiêu thụ nhiều xăng dầu hơn xe máy. Số lượng phương tiện đang hoạt động tăng mạnh thúc đẩy nhu cầu xăng dầu từ năm 2017 - 2022, số lượng ô tô và xe máy tăng trưởng với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm lần lượt là 12% và 5%.
Xu hướng này sẽ tiếp tục, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm đạt 18% đối với ô tô và 6% đối với xe máy trong giai đoạn 2023 - 2028. Ngoài ra, sản xuất công nghiệp gia tăng cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu xăng dầu, đặc biệt là dầu nhiên liệu và dầu diesel sử dụng trong vận tải và máy móc.
Chuyển đổi từ xe máy sang ô tô tiếp tục thúc đẩy lượng tiêu thụ xăng dầu trên mỗi phương tiện bởi ô tô tiêu thụ nhiều xăng dầu hơn xe máy, với mức tiêu thụ xăng dầu trung bình của ô tô là khoảng 7,0-9,0 lít/100 km, trong khi xe máy chỉ tiêu thụ trung bình khoảng 1,5-2,0 lít/100 km.
Thị trường xe điện (EV) tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu và chưa ảnh hưởng đáng kể đối với tiêu thụ xăng dầu trong ngắn hạn. Theo các doanh nghiệp trong ngành, sự thống trị của các phương tiện chạy bằng xăng dầu dự kiến sẽ tiếp tục ít nhất đến năm 2030.
Vào năm 2023, ô tô điện chỉ chiếm 0,4% tổng số lượng ô tô (tương đương 20.065 xe). Ngoài ra, Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo rằng đến năm 2028, Việt Nam sẽ có 1 triệu xe điện, chủ yếu từ hãng xe taxi của VinFast, chỉ chiếm khoảng 8% tổng số lượng phương tiện, vẫn là một con số nhỏ so với xe chạy bằng xăng.
Giới chuyên gia nhận định xu thế phát triển xe điện là tất yếu trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau mà lượng lớn khách hàng Việt hiện vẫn còn tâm lý e dè, nhất là về mạng lưới hạ tầng trạm sạc nên tìm đến với xe động cơ đốt trong thay vì mua xe điện.
Quá trình chuyển đổi các xe từ nhiên liệu hoá thạch sang các dòng xe sử dụng năng lượng xanh ở Việt Nam sẽ trải qua một bước trung gian là loại xe hybrid (kết hợp sử dụng 2 bộ truyền động, một động cơ chạy xăng và một mô tơ chạy điện). Do đó, loại xe này vẫn có nhu cầu tiêu thụ xăng, đặc biệt khi việc “đổ xăng” dễ dàng hơn nhiều so với tiếp nhiên liệu bằng sạc điện.
Diệu Phương