“Giờ cao su” đàn hồi mãi thế?
(PetroTimes) - “Giờ cao su” có lẽ là cụm từ có tuổi thọ kéo dài hàng thế kỷ. Nó có sức sống thật dai dẳng. Từ thời làm ăn manh mún đến nay công nghệ thông tin đã phát triển với tốc độ chóng mặt, tình trạng lề mề, đi làm, đi họp trễ giờ vẫn chưa chịu đầu hàng.
Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Ảnh minh họa |
Đấy là chuyện trong nhà mình. Còn thế giới, nhất là ở những nước phát triển thì thời giờ không thể co giãn, đàn hồi thế được. Thời gian như mũi tên bay, không thể nào lấy lại được. Vì thế, ai cũng phải tận dụng từng phút từng giờ để làm việc, đấy chính là là tác phong của người làm công nghiệp, làm khoa học.
Hôm vừa rồi, tôi đến dự một cuộc hội thảo văn nghệ. Biết trước là ở các cuộc họp bàn về văn hóa-văn nghệ thì thời gian thường bị trừ hao cả tiếng đồng hồ. Nhưng là khách mời, tôi vẫn đến chuẩn giờ khai mạc. Đúng là chỉ có ba người đúng giờ là ông Chủ tịch Hội, diễn giả và anh nhân viên phụ trách loa đài.
Ông Chủ tịch có vẻ ái ngại: “Nhà văn thông cảm. Ở thành phố này không vội được đâu. Có một ông lãnh đạo quanh năm đi muộn, chậm 30 phút, một giờ là chuyện... bình thường. Có một câu chuyện hài hước, rằng một lần ông lãnh đạo nọ đến đúng 8 giờ sáng. Nhiều người ngạc nhiên, nhưng sau cười ồ, vì cuộc họp được triệu tập từ 8 giờ của... ngày hôm trước”.
Lãnh đạo mà thế thì anh em cũng “học” theo. Cho nên cuộc họp nào cũng phải mời trừ hao sớm 30 phút. Muốn họp đúng 8 giờ thì phải triệu tập lúc 7 giờ 30 và phải liên tục đôn đốc vì buổi ấy có cấp trên đến dự. Có anh cán bộ trẻ trót đến muộn đã nghĩ ra mẹo, bôi đầy dầu mỡ vào tay: Thưa Sếp em bị hỏng xe máy (!).
Cố nhiên chuyện “giờ cao su” thường xảy ra ở các cơ quan hành chính sự nghiệp, hội hè. Còn trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài thì không thể có tình trạng đó. Trong nhiều áp lực công việc có áp lực về thời gian, làm hết việc chứ không chỉ làm hết giờ, và phải đúng đến từng phút.
Tôi đã có dịp hỏi chuyện các vị nhiều kinh nghiệm, chữ nghĩa, hiểu văn hóa Việt, vì sao dân mình lại hay trễ giờ? Có nhiều cách lý giải, nhưng căn nguyên sâu xa xuất phát từ nếp sản xuất nhỏ, nếp sản xuất của tập quán sản xuất nông nghiệp con trâu đi trước, cái cày đi sau. Cha ông ta từ ngàn xưa quen tính thời gian “đêm năm canh, ngày sáu khắc”. Nghe gà gáy biết canh ba, canh tư, nhìn bóng nắng cây cau biết đã non trưa. Tính ước lượng lâu dần thành thói quen bê trễ thời gian. Về sau này thì nếp làm việc, họp hành thời bao cấp, thời dong công phóng điểm ở nông thôn cũng không cần phải căn ke thời gian. Tất cả là tính công, là đếm người tham gia, rất khó lượng hóa công việc, chất lượng họp hành. Đã ra đồng muộn, nhưng lại nghỉ sớm, cho nên năng suất lao động, giá trị ngày công rất thấp. Trong các công sở, không ít nơi cán bộ, nhân viên có mặt đầu giờ nhưng giữa giờ thì vắng mặt. Họ đi cà phê, mua sắm, thăm thú..., thôi thì muôn kiểu tụ bạ.
Chúng tôi có dịp sang Nhật Bản công tác. Người dân “đất nước Mặt trời mọc” dậy rất sớm, đi làm sớm và 9 giờ tối mới trở về nhà. Trên xe điện hầu như ai cũng cầm theo một cuốn sách để đọc. Có người đi làm việc ở một nơi cách nhà hàng trăm cây số, do không mất nhiều thời gian di chuyển nhờ có tàu cao tốc. Các bạn khi đón khách thường đến sớm từ 5 đến 15 phút để chuẩn bị và để kiểm tra vì có thể phải giải quyết những vấn đề phát sinh ngoài ý muốn. Tiết kiệm thời gian từ việc giới thiệu đại biểu đến vỗ tay. Đánh giá một cán bộ, nhân viên có nhiều căn cứ, nhưng căn cứ vào ý thức làm việc đúng giờ là một đòi hỏi bắt buộc.
Việt Nam ta đang bước vào thời kỳ mới, thời kỳ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cần phải có nhiều cuộc cách mạng để thay đổi tư duy,tác phong, lề lối làm việc, trong đó không thể không chú ý một điều trì trệ nhất lâu nay: giờ cao su. Làm sao chống được tình trạng tắc đường đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, căn cơ. Nhưng đi họp ngay trong cơ quan mà cũng trễ giờ thì không thể đổ lỗi cho... tắc đường được nữa. Công việc giao cho hai ngày phải xong nhưng cả tuần vẫn không xong thì đâu phải tại tắc đường?
Chúng ta đang bắt tay xây dựng Đường sắt tốc độ cao, tốc độ khai thác lên tới 320 km/h, nếu đi Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh chỉ mất 5 giờ. Tuyến đường sắt tốc độ cao có tổng chiều dài 1.559km, chạy qua 20 địa phương với các trạm dừng dự kiến ở Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang và cuối cùng kết thúc ở Ga Sài Gòn. Đây sẽ là tuyến đường sắt hiện đại nhất và đầu tư nhất của Việt Nam từ trước đến nay.
Tốc độ và tốc độ. Đây là một cú hích rất quan trọng về tư duy phát triển, tư duy kinh tế. Hi vọng rằng, trong thời đại của tốc độ bứt phá, của những đột biến, thay đổi kỳ diệu, cụm từ “giờ cao su” sẽ biến mất trong đời sống xã hội.
Hải Đường