Doanh nghiệp sản xuất cần biến thách thức từ bất ổn năng lượng thành cơ hội
(PetroTimes) - Trong bối cảnh bất ổn năng lượng, các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam cần xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn, bao gồm đầu tư vào năng lượng tái tạo và chuyển đổi sang mô hình bền vững.
Trên thế giới và tại Việt Nam, ngành sản xuất là một lĩnh vực có ảnh hưởng sâu rộng đến môi trường và tiêu tốn nhiều tài nguyên. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2022 cho thấy, ngành sản xuất và chế tạo hiện chiếm 20% tổng lượng phát thải carbon toàn cầu và tiêu thụ tới 54% năng lượng thế giới. Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2023 cũng nhấn mạnh rằng, nhu cầu về tính bền vững trong ngành sản xuất đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết do ảnh hưởng đáng kể của ngành này đối với lượng CO2 toàn cầu.
Tiến sĩ Đào Lê Trang Anh, Giảng viên Kinh tế - Đại học RMIT Việt Nam. |
Trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với bất ổn năng lượng ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lẫn cơ hội.
“Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng trong bối cảnh bất ổn năng lượng, các doanh nghiệp sản xuất lớn tại nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào thiết bị mới, công nghệ và quy trình để đáp ứng các yêu cầu năng lượng mới, nhằm giảm tác động đến môi trường và nâng cao tính bền vững. Tương tự, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cũng cần có tầm nhìn dài hạn và chiến lược đầu tư phù hợp để duy trì sự ổn định và phát triển bền vững”, TS. Đào Lê Trang Anh - Đại học RMIT, nói.
Theo một nghiên cứu mới đây của nhóm nghiên cứu gồm: TS. Đào Lê Trang Anh, TS Nguyễn Thị Thiều Quang (Đại học Đà Nẵng) và TS Nguyễn Tuấn Anh (Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV), để ứng phó với tình hình bất ổn năng lượng và đồng thời nắm bắt cơ hội từ các xu hướng mới, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cần phát triển các chiến lược đầu tư dài hạn như:
Đầu tư vào năng lượng tái tạo: Một trong những giải pháp chính để giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống là đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo. Việt Nam có lợi thế về điều kiện tự nhiên như ánh sáng mặt trời và gió, vì vậy các doanh nghiệp sản xuất có thể xem xét việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà hoặc đầu tư vào các dự án năng lượng gió.
Các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam cần xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn, bao gồm đầu tư vào năng lượng tái tạo và chuyển đổi sang mô hình bền vững. |
Cải tiến công nghệ và tăng cường hiệu quả: Việc đầu tư vào công nghệ tiên tiến là rất quan trọng để nâng cao hiệu suất năng lượng. Các doanh nghiệp sản xuất nên cân nhắc áp dụng các hệ thống tự động hóa, máy móc tiết kiệm năng lượng và quy trình sản xuất xanh để giảm thiểu lượng năng lượng tiêu thụ và chi phí vận hành. Chuyển đổi số và công nghệ như IoT (internet vạn vật) có thể giúp theo dõi và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, từ đó giúp doanh nghiệp giảm thiểu lãng phí và tăng cường hiệu quả sản xuất.
Đa dạng hóa nguồn cung cấp: Để giảm thiểu rủi ro từ biến động về giá và nguồn cung năng lượng, doanh nghiệp nên xây dựng các phương án dự phòng và đa dạng hóa nguồn cung cấp. Điều này bao gồm việc hợp tác với nhiều nhà cung cấp năng lượng khác nhau và đầu tư vào các giải pháp lưu trữ năng lượng. Việc sử dụng pin lưu trữ năng lượng hoặc các công nghệ dự trữ khác có thể giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động liên tục ngay cả khi nguồn cung năng lượng gặp vấn đề.
Chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững: Một xu hướng ngày càng quan trọng là chuyển đổi sang các mô hình sản xuất bền vững và trách nhiệm xã hội. Các doanh nghiệp sản xuất cần tích hợp các yếu tố bảo vệ môi trường vào chiến lược kinh doanh của mình, bao gồm việc giảm lượng khí thải, tối ưu hóa quy trình sản xuất và sử dụng nguyên liệu tái chế.
“Tuy việc đầu tư vào năng lượng tái tạo và chuyển đổi sang mô hình bền vững có thể tạo ra chi phí cao và hiệu quả chưa ngay lập tức, các doanh nghiệp sẽ gặt hái được những lợi ích lớn và lợi thế cạnh tranh trong tương lai. Với tầm nhìn chiến lược và sự linh hoạt trong đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất có thể vượt qua khó khăn và phát triển mạnh mẽ trong một thế giới có nhiều biến động về năng lượng”, TS Đào Lê Trang Anh nói thêm.
Từ góc độ của Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước, cần xây dựng và củng cố các quy định pháp lý rõ ràng và minh bạch liên quan đến các tiêu chuẩn môi trường và bền vững. Điều này bao gồm việc ban hành các quy định về tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Các quy định này giúp doanh nghiệp hiểu rõ yêu cầu và dễ dàng thực hiện các cam kết bền vững.
Cuối cùng, Chính phủ có thể thúc đẩy đổi mới công nghệ bằng cách hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghệ xanh. Việc tạo ra các quỹ nghiên cứu và các trung tâm đổi mới sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận công nghệ tiên tiến và cải thiện hiệu suất sản xuất theo hướng bền vững hơn.
Phương Ngân