Giá dầu hôm nay (25/9): Dầu thô tăng trở lại
(PetroTimes) - Giá dầu thế giới hôm nay (25/9) tăng so với thời điểm ngày 24/9 khi thị trường đón nhận một số tin tức gợi mở về các biện pháp kích thích tiền tệ từ Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới. Cùng với đó, những lo ngại rằng căng thẳng xung đột ở Trung Đông tiếp tục leo thang, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung trong khu vực.
Giàn khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ. Nguồn: Tư liệu |
Ghi nhận lúc 7 giờ 15 phút sáng ngày 25/9/2024 theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao dịch ở mức 71,57 USD/thùng, tăng 0,01 USD (tương đương 0,01%) trong phiên và tăng 0,97 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 24/9.
Giá dầu Brent giao dịch ở mức 75,19 USD/thùng, tăng 0,02 USD (tương đương 0,03%) trong phiên và tăng 1,12 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 24/9.
Giá dầu thế giới hôm nay (25/9) tăng khi thị trường đón nhận một số tin tức gợi mở về các biện pháp kích thích tiền tệ từ Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới. Cùng với đó, những lo ngại rằng căng thẳng xung đột ở Trung Đông tiếp tục leo thang, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung trong khu vực.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã công bố gói kích thích kinh tế lớn nhất kể từ đại dịch COVID-19 nhằm đưa nền kinh tế nước này thoát khỏi tình trạng giảm phát và quay trở lại mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ. Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu rằng, để đạt được các mục tiêu này cần có thêm sự hỗ trợ tài chính.
Tại Trung Đông, một cuộc không kích của Israel vào Beirut đã khiến một chỉ huy cấp cao của Hezbollah thiệt mạng trong bối cảnh các cuộc tấn công bằng tên lửa xuyên biên giới của cả hai bên làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực.
Các cuộc tấn công có nguy cơ kéo Iran, một thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, tiến gần hơn đến một cuộc xung đột với Israel vì Iran ủng hộ nhóm chiến binh Lebanon.
Claudio Galimberti, Giám đốc phân tích thị trường toàn cầu tại Rystad Energy, cho biết: "Việc chính phủ Trung Quốc công bố gói kích thích kinh tế lớn nhất kể từ khi xảy ra đại dịch, kết hợp với căng thẳng địa chính trị gia tăng đột ngột ở Trung Đông... đã giáng một đòn mạnh vào tâm lý bi quan vốn thống trị thị trường dầu mỏ trong ba tuần qua".
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nâng dự báo về nhu cầu dầu thế giới trong trung và dài hạn trong triển vọng hàng năm, với nguyên nhân là do sự tăng trưởng của Ấn Độ, Châu Phi và Trung Đông và việc chuyển dịch sang xe điện, nhiên liệu sạch đang diễn ra chậm hơn.
Tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ và sản xuất dầu lớn nhất thế giới, một số công ty năng lượng đã tạm dừng một số hoạt động sản xuất mặc dù Bão nhiệt đới Helene hiện được dự báo sẽ không ảnh hưởng đến hầu hết các khu vực sản xuất ở phía tây và trung tâm Vịnh Mexico và đổ bộ vào Florida Panhandle như một cơn bão lớn vào cuối ngày thứ Năm (26/9).
Một số công ty như Shell đã bắt đầu quá trình khôi phục sản xuất dầu khi dự báo bão không còn tác động đến các giàn khoan ngoài khơi của họ.
Đà tăng của dầu đã được hạn chế khi tin tức về mức giảm niềm tin của người tiêu dùng Mỹ mạnh nhất trong ba năm vào tháng 9 được công bố trong bối cảnh lo ngại gia tăng về thị trường lao động.
Hiện, thị trường đang chờ đợi dữ liệu dữ trữ dầu hàng tuần của Mỹ được Viện Dầu khí Mỹ (API) và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố.
Các nhà phân tích dự đoán các công ty năng lượng Mỹ đã rút khoảng 1,2 triệu thùng dầu thô ra khỏi kho trong tuần kết thúc vào ngày 20/9. Nếu đúng như vậy, đây sẽ là lần thứ năm trong sáu tuần lượng dự trữ dầu thô của nước này giảm.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 18.941 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 19.762 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 17.043 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 17.551 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 14.826 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 26/9.
Minh Đức