Trung Quốc tung gói kích thích kinh tế quy mô lớn
(PetroTimes) - Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tung ra một loạt chính sách hỗ trợ nền kinh tế khi các nhà hoạch định chính sách thực hiện động thái mạnh mẽ nhất từ trước đến nay để đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2024.
Trung Quốc đã cố gắng thúc đẩy nền kinh tế mà không cần dùng đến các gói kích thích toàn diện của những năm trước, nhưng cho đến nay, những nỗ lực vẫn chưa thể ngăn chặn được sự suy thoái. |
Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào thứ Ba (ngày 24/9), Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Pan Gongsheng đã công bố cắt giảm số tiền mà các ngân hàng phải dự trữ, đưa mức này xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020, cùng với đó là hạ lãi suất cơ bản. Đây là lần đầu tiên cả hai biện pháp đều bị cắt giảm trong cùng một ngày, trong ít nhất một thập kỷ qua, nhấn mạnh tính cấp bách về nhiệm vụ của ông Gongsheng.
Người đứng đầu ngân hàng trung ương cũng công bố một gói cứu trợ thị trường bất động sản đang gặp khó khăn của quốc gia này, bao gồm việc hạ lãi suất cho vay đối với các khoản thế chấp lên tới 5,3 nghìn tỷ USD và nới lỏng các quy định về mua nhà thứ hai. Ông Gongsheng cho biết thêm, Trung Quốc sẽ cho phép các quỹ và công ty môi giới tiếp cận các quỹ của PBOC để mua cổ phiếu.
Thị trường tài chính đã phản ứng thận trọng với gói kích thích này. Chỉ số CSI 300 tăng ngày thứ năm liên tiếp, tăng 0,5%, với khoảng 200 công ty trong nhóm chỉ số này tăng trong ngày. Thị trường hàng hóa tăng nhẹ và đồng nhân dân tệ không thay đổi nhiều so với đồng đô la Mỹ. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất là 2% lần đầu tiên trong lịch sử.
Trong khi các nhà kinh tế đồng tình rằng loạt chính sách của Pan đã vượt quá kỳ vọng, nhưng nhiều người lại đặt câu hỏi liệu các chính sách này có thể giải quyết được các vấn đề đang đeo bám nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này hay không, bao gồm nhu cầu tiêu dùng yếu đã thúc đẩy chuỗi giảm phát kéo dài nhất ở quốc gia này kể từ năm 1999.
"Thật khó để khẳng định giải pháp nào có thể giúp giải quyết mọi thứ", Ken Wong, chuyên gia đầu tư cổ phiếu châu Á tại Eastspring Investments Hong Kong cho biết. “Thật tốt khi có các biện pháp nới lỏng tiền tệ phù hợp, nhưng vẫn cần hành động nhiều hơn nữa để củng cố tăng trưởng quý IV”.
Trung Quốc đã cố gắng thúc đẩy nền kinh tế mà không cần dùng đến các gói kích thích bazooka (gói kích cầu quy mô lớn) của những năm trước, nhưng cho đến nay, những nỗ lực vẫn chưa ngăn chặn được sự suy thoái. Các nhà kinh tế tại các ngân hàng Phố Wall bao gồm JPMorgan Chase dự đoán Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.
Việc Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm 0,5% lớn hơn dự kiến vào tuần trước đã tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương khắp châu Á có thêm động lực để hành động. Động thái quyết đoán của ông Gongsheng nhằm tăng cường chính sách tiền tệ tạo tiền đề cho Bộ Tài chính công bố những nỗ lực của riêng mình nhằm thúc đẩy tăng trưởng, trong bối cảnh có những lời chỉ trích rằng hỗ trợ tài chính đang chậm lại.
"Còn quá xa mới trở thành một gói bazooka", nhà kinh tế trưởng của ANZ tại Trung Quốc Raymond Yeung nói về gói này. "Chúng tôi không chắc việc cắt giảm lãi suất thế chấp sẽ thúc đẩy sự phục hồi của bất động sản đến mức nào".
Gói cứu trợ bất động sản của Trung Quốc được công bố vào tháng 5 đã không thể đảo ngược tình trạng suy thoái bất động sản kéo dài nhiều năm đã gây thiệt hại khoảng 18 nghìn tỷ USD. Chỉ có 29 thành phố trong số 200 thành phố được yêu cầu hành động, hưởng ứng lời kêu gọi của Bắc Kinh nhằm giải cứu lượng bất động dư thừa. Giá nhà mới đã giảm mạnh nhất vào tháng trước kể từ tháng 7/2014.
Thống đốc ngân hàng trung ương đã đưa ra thông báo mới nhất tại cuộc họp báo cấp cao đầu tiên của ông kể từ tháng 3, ông bảo vệ mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% của chính phủ, cùng với các quan chức kinh tế hàng đầu khác.
Người đứng đầu PBOC đã thể hiện cách tiếp cận chính sách minh bạch hơn trong năm nay, nhằm ổn định tâm lý thị trường. Pan đã sử dụng một cuộc họp báo tương tự vào tháng 1 để thông báo cắt giảm số tiền mà các ngân hàng phải dự trữ trước 2 tuần, khi các nhà chức trách cố gắng ngăn chặn sự tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán trị giá 6 nghìn tỷ USD.
"Việc nới lỏng chính sách tiền tệ diễn ra mạnh mẽ hơn dự kiến", Becky Liu, Giám đốc chiến lược vĩ mô Trung Quốc tại Standard Chartered cho biết. "Chúng tôi nhìn thấy dư địa nới lỏng mạnh mẽ hơn trong các quý tới, sau khi Fed cắt giảm lãi suất quá mức".
D.Q