Chuyện về một “gia đình đảng viên” Dầu khí đặc biệt - Kỳ 1
(PetroTimes) - Nguyễn Hùng Sơn, Phó Chánh văn phòng Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) được nhiều cán bộ trong và ngoài Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) biết đến là một cán bộ, một đảng viên xông pha, mẫn cán và có năng khiếu thơ văn. Tuy nhiên, ít người biết anh cũng là “trái ngọt” của một câu chuyện nhân văn, đẹp đẽ thời chiến.
Bài 1: Tôi có hai người bố
Chuyện về một “gia đình đảng viên” Dầu khí đặc biệt |
Tôi biết Nguyễn Hùng Sơn đã lâu và nhiều năm về trước lại có may mắn được gặp bà Lê Thị Hợp (bà nội của Sơn) - phu nhân Trung tướng Vương Thừa Vũ - khi bà vẫn còn mạnh khỏe. Lúc ấy, tôi rất ấn tượng với vẻ đẹp lão, đôi mắt tinh anh và phong thái giản dị của bà.
Đặc biệt, ở lần gặp gỡ đó tôi đã được nghe về một câu chuyện có thể nói là rất “lạ”, hy hữu, xảy ra cách đây đã hơn một nửa thế kỷ.
“Hồi tôi đang học lớp 1, lớp 2, cô giáo có lần hỏi rằng, trong số các em ngồi đây, ai có bố là liệt sĩ? Tôi lập tức giơ tay, vì trong tâm trí tôi lúc nào cũng có hai người bố, một là bố Căng và hai là bố Thủy. Bố Thủy hiện đang sống cùng tôi, còn bố Căng là liệt sĩ, có ảnh trên bàn thờ. Từ nhỏ đến lúc ấy tôi chưa bao giờ có một chút thắc mắc nào về điều này” - Sơn tâm sự.
Ngừng một chút, khuôn mặt của người đàn ông đã trải quá nửa đời người bỗng “chùng” lại, đôi mắt anh nhìn xa xăm. Qua lời kể của anh, câu chuyện về người ông, người cha đảng viên - liệt sĩ Vương Thiết Căng mà anh chỉ biết qua ảnh; về bố Thủy, mẹ Vân và về người bà vô cùng đáng kính của mình... được tái hiện trước mắt tôi như những thước phim quay chậm.
Từ nhỏ gia đình mẹ Vân và gia đình bố Căng (con trai Trung tướng Vương Thừa Vũ) là hàng xóm với nhau ở làng Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì, Hà Nội).
Mẹ Vân kém bố Căng 2 tuổi và thường bám đuôi các anh đi chơi. Khi mẹ vừa tròn đôi tám, còn bố đang theo học Trường Thiếu sinh quân thì mối tình giữa hai người nảy nở. Sau đám cưới giản dị năm 1969, mẹ Vân trở thành con dâu của gia đình Trung tướng Vương Thừa Vũ.
Vốn được sinh ra trong một gia đình “có điều kiện”, nhưng với bản tính hiền lành, thông minh, chịu khó, mẹ Vân nhanh chóng hòa nhập vào nếp sống của gia đình chồng. Còn bố Căng noi gương cha, quyết tâm theo đường binh nghiệp. Khi người vợ hiền vừa mang thai đứa con đầu lòng thì bố Căng lên đường sang Liên Xô học.
Trở về nước khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào giai đoạn khốc liệt nhất, bố Căng xung phong vào chiến trường Quảng Trị. Trước lúc đi, có lẽ đã dự cảm về một cuộc chia ly không hẹn ngày về, bố để lại cho mẹ một chiếc phong bì và nói: “Trong chiếc phong bì này có địa chỉ của Thủy, bạn thân nhất của anh. Những lúc anh vắng nhà, Thủy sẽ thay anh chăm sóc mẹ con em”.
Khi ấy, mẹ chẳng bao giờ biết đó là lần cuối cùng được gần gũi chồng và cũng không bao giờ biết lời dặn cuối cùng của bố trước lúc đi xa sau này sẽ trở thành định mệnh của đời mình.
2. Mẹ Vân vẫn còn nhớ như in một ngày mùa xuân năm 1972, trong khi mà những tin tức về cuộc chiến tại thành cổ Quảng Trị ngày một báo về dồn dập - thì cũng là khi mẹ nhận thấy vẻ mặt của người bố chồng trở nên ưu tư hơn mọi ngày. Và bà Hợp cũng có nhiều biểu hiện khác lạ.
Trong bữa cơm thường nhật, bà Hợp nhiều lúc đang bón cơm cho đứa cháu gái mới lên hai được vài miếng thì lại chạy ra ngoài. Sau này mẹ Vân mới biết, bà chạy ra ngoài để giấu những giọt nước mắt đang chực trào ra. Bà Hợp còn ép con dâu mỗi bữa phải ăn hết bát chè do chính tay bà nấu.
Vợ chồng Trung tướng Vương Thừa Vũ và cháu nội |
Sau này, có lần mẹ Vân kể lại với Sơn:
“Mẹ không hề biết bà chăm chút cho mẹ, để mẹ lấy sức chuẩn bị đón nhận nỗi đau sắp tới. Bà giấu mẹ cho đến khi không thể giấu được nữa. Trước ngày tổ chức lễ truy điệu cho bố Căng ở quê nhà, bà bảo mẹ về quê chơi, thăm gia đình. Thế rồi ngày hôm sau bà xuống nhà bà ngoại, nói: “Thằng Căng nó cướp công của chị em mình rồi”. Rồi bà quay sang ôm lấy mẹ và cứ thế khóc.
Bà nói rằng, đất nước có chiến tranh, gia đình nào cũng phải đóng góp. Đây là phần đóng góp của mẹ và con cho đất nước. Đó là phần mất mát của gia đình ta trong mất mát của cả dân tộc. Nó là chồng con, nhưng cũng là con trai mẹ. Mẹ và con cùng chịu chung nỗi đau này. Con có thể đau đớn, nhưng con phải tự hào vì nó đã hy sinh cuộc đời mình cho Tổ quốc”.
Trong lá thư cuối cùng bố Căng viết cho mẹ Vân từ chiến trường có đoạn: “Lúc bom đạn, khói lửa khốc liệt nhất, anh chỉ nghĩ đến hình ảnh mẹ con em. Đó là sức mạnh giúp anh tiến lên và chiến đấu, giúp anh không sợ hãi trước bom đạn quân thù. Em hãy yên lòng chờ đợi anh về. Tình yêu của em và con sẽ che chở cho anh trong mưa bom bão đạn. Và em ơi, em hãy đợi. Một tối thứ Bảy nào đó, anh sẽ trở về. Anh, em và con, gia đình ta sẽ được đoàn tụ…”. Mẹ đã làm như lời ba dặn. Mẹ đợi mỗi ngày, từ tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác. Nhưng tối thứ Bảy đó đã không bao giờ đến trong cuộc đời mẹ.
Ngày bố Căng vào chiến trường, bố để lại cho mẹ một lá thư ghi địa chỉ của Nguyễn Sinh Thủy, người bạn thân thiết của mình. Bố Căng và bố Thủy học với nhau từ Trường Thiếu sinh quân; cùng sang Liên Xô học tập và cũng cùng trở về Việt Nam, trực tiếp tham gia chiến đấu. Mẹ Vân không biết rằng, bố Căng cũng tình cờ gặp người bạn thân cùng trên chuyến tàu.
Trong lúc gặp nhau vội vã đó, bố Căng đã dặn: “Khi mình đi vắng, hãy thay mình chăm sóc mẹ con Vân”. Lời nhắn nhủ đó không ngờ lại thành sự thật. Nó đã đưa mẹ và bố Thủy đến với nhau, gắn kết cuộc đời hai người với nhau.
Sau ngày đất nước giải phóng, mẹ Vân mới gặp bố Thủy. Biết tin bạn đã hy sinh, giữ đúng lời hứa, Nguyễn Sinh Thủy thường qua lại nhà thăm hỏi. Ban đầu là tình bạn, sau là một thứ tình cảm đặc biệt hơn thế. Mặc dù đang là giai tân, song bố chẳng nề hà mà vẫn hy vọng một ngày nào đó mẹ sẽ mở lòng.
Những bức hình kỷ niệm của bố mẹ của anh Hùng Sơn (bà Nguyễn Thị Vân, ông Nguyễn Sinh Thủy) |
Rồi một ngày bố mạnh dạn viết thư ngỏ lời với mẹ: “Ngày xưa có lần Căng nhờ tôi chuyển quà về cho Vân. Lần đầu gặp Vân, tôi đã xao lòng trước người con gái xinh đẹp, hiền lành, có mái tóc dài chấm gót. Nhưng khi đó, biết Vân là người yêu bạn mình, tôi chỉ biết mỉm cười chúc phúc cho hai bạn. Giờ Căng đã hy sinh, liệu tôi có thể thay Căng chăm sóc Vân, yêu thương con gái của Vân và Căng? Liệu tôi có thể là chỗ dựa cho mẹ con Vân suốt cuộc đời sau này?”. Nhận được bức thư đó, mẹ Vân vô cùng xúc động nhưng cũng chưa dám nhận lời.
Ngoài 30 tuổi, mẹ vẫn gần như vẹn nguyên những nét đẹp từ thời con gái. Ngôi nhà trên phố Hoàng Diệu mà mẹ đang ở cùng bố mẹ chồng vẫn thỉnh thoảng có nhiều thanh niên, trung niên thập thò tìm cớ gặp. Song mẹ vẫn không mở lòng với bất cứ ai. Khi bố Căng mất, mẹ đinh ninh nghĩ rằng mình sẽ thờ chồng, nuôi con đến khi nhắm mắt như bà ngoại đã từng.
Thế nhưng, bà Hợp không nghĩ như vậy. Bà đã có những suy nghĩ thật cởi mở mà hiếm ai nghĩ được, nhất lại là vào thời kỳ bấy giờ. Con trai mất, bao nhiêu yêu thương bà dồn cả lại cho con dâu và cháu nội. Bà coi mẹ Vân như con đẻ của bà. Ngày gia đình đi sơ tán, cứ cuối tuần bà lại tất tả đạp xe hàng vài chục cây số đến chỉ để gửi cho mẹ Vân nào patê, nào quà bánh. Có bao nhiêu tem phiếu, bà đều dành mua đồ ăn, vật dụng sinh hoạt gửi lên cho mẹ. Và lần nào bà cũng gửi cho mẹ một lá thư đầy yêu thương.
Bà Hợp hiểu rằng, tình thương của bà dù lớn lao đến mấy cũng không thể đủ bù đắp những thiệt thòi cho mẹ Vân. Bà thương mẹ còn trẻ, còn đẹp, còn đang độ xuân sắc mà phải chịu cảnh sống cô đơn, góa bụa. Dù thương con trai đến cháy ruột cháy gan bà vẫn không muốn con dâu mình phải sống góa bụa suốt đời. Bà cũng trao đổi ý định của mình với chồng. Thật bất ngờ, Trung tướng Vương Thừa Vũ đồng lòng ủng hộ.
Rồi một ngày nọ, bà Hợp lựa lời nói với mẹ: “Bố mẹ coi con như con gái. Nhưng bố mẹ sẽ không sống bên con cả đời. Các anh chị em trong nhà có thương con thì chúng nó cũng chỉ dành cho con được những lời an ủi. Sau này bố mẹ mất đi, các anh chị mỗi người mỗi phận, chúng nó sẽ chẳng thể lo lắng cho con. Con phải tìm một người đàn ông tốt, để mẹ con con có thể nương tựa sau này”.
Khi biết bố Nguyễn Sinh Thủy, người bạn thân của con trai mình “có ý” với mẹ, bà Hợp đã ra sức vun vào cho tình cảm đó. Bà bảo với con dâu: “Thủy là quân nhân, là đảng viên. Nếp sống cũng giống với nếp sống của gia đình mình. Mẹ thấy nó tốt tính, thật thà. Nó sẽ là chỗ dựa cho con”.
Bà Hợp cũng biết bà thông gia không đồng ý để mẹ Vân đi bước nữa. Đó có lẽ là bức “tường rào” cuối cùng ngăn cản mẹ Vân kiếm tìm hạnh phúc. Vậy là bà về tận quê gặp bà ngoại để nói rằng: “Đời chị đã khổ, sao chị nỡ để cho con Vân khổ theo. Nó đi lấy chồng thì bà có thêm con rể, tôi có thêm các cháu. Như vậy thì bà phải tạo điều kiện, sao còn nỡ lòng nào ngăn cản”.
Bà thông gia, vốn có chồng là liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp (ông Nguyễn Vĩnh Tường - đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hy sinh năm 1950 khi đang là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến huyện Liên Nam, tỉnh Hà Đông - PV), một mình thờ chồng nuôi con, không còn cách nào khác phải thuận lòng theo.
3. Vì lời khuyên của mẹ chồng, vì những cảm tình với ba Thủy, cuối cùng mẹ Vân cũng gật đầu đồng ý “đi bước nữa”. Sau khi lấy nhau năm 1976, bố Thủy, mẹ Vân ra ở riêng tại căn nhà nhỏ 9m2 trong ngõ Linh Quang (Khâm Thiên, Hà Nội) mà mẹ được cơ quan cấp cho.
Lần lượt ba chị em Hùng Sơn ra đời, vào các năm 1976, 1977 và 1983. Trong một thời gian dài, chị Nga (con của mẹ Vân và bố Căng) vẫn luôn nghĩ bố Thủy là bố đẻ của mình. Mãi về sau, khi đã đủ nhận thức thì Nga hiểu mình là con của bố Căng. Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng gì đến tình cảm của chị với bố Thủy. Và, bố Thủy thậm chí còn yêu thương, chiều chuộng chị Nga nhiều hơn ba chị em Sơn.
“Thật ra, cho đến khi học cấp 2 tôi vẫn đinh ninh rằng, ông nội là Trung tướng Vương Thừa Vũ, bà nội là Lê Thị Hợp. Phải đến lúc một người bà con của bố Thủy lên đỡ đần gia đình một số công việc thì tôi mới biết rằng, mình còn có một “bên nội” nữa ở Phú Xuyên (Hà Tây cũ). Tuy nhiên, ông bà bên nhà bố Thủy đều đã mất sớm.
Có lần tôi ngây thơ hỏi bà nội rằng, tại sao ông nội là tướng mà lại để cho bố Căng và chú Bình hy sinh? Bà nội thoáng giật mình, rồi bà kể tường tận lại mọi chuyện cho tôi nghe. Bà cũng nói những điều mà phải đến mãi sau này tôi mới hiểu, rằng: Gia đình mình đều là đảng viên, không những phải liêm chính, gương mẫu đi đầu trong mọi việc mà còn phải coi hạnh phúc của nhân dân là điều cốt tử. Đồng thời, việc xây dựng bảo vệ hạnh phúc cho chính những người thân yêu nhất của mình cũng không bao giờ được xao nhãng…” - Sơn tâm sự.
“Chúng tôi đã học được rất nhiều từ phong cách, lối sống, cách suy nghĩ từ ông bà nội, từ bố mẹ... Họ đều là những đảng viên, là quân nhân có chút “vai vế” trong xã hội và quân đội. Song chưa bao giờ chúng tôi thấy ông bà, bố mẹ có ý định lợi dụng nó để làm lợi riêng cho mình. Ngược lại, nhân cách, lối sống của họ đã ảnh hưởng đến bốn chị em chúng tôi và cả các cháu, đó là tinh thần “Dĩ công vi thượng” của Bác Hồ và “Quân lệnh như sơn” như Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn thường nhắc đến ở vị tư lệnh Đại đoàn Quân Tiên phong (Tướng Vương Thừa Vũ là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 “Đại đoàn Quân Tiên phong” - Đại đoàn đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam - PV) trong Chiến dịch Điện Biên Phủ như một điển hình mẫu mực toàn quân...” - anh nói thêm.
Minh Tiến