Tin tức kinh tế ngày 22/9: Giá đường tăng mạnh nhất trong gần 2 thập kỷ
(PetroTimes) - Giá đường tăng mạnh nhất trong gần 2 thập kỷ; Xuất khẩu rau quả tăng cao chưa từng thấy; Đồng USD đồng loạt giảm sâu… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 22/9.
Giá đường tăng mạnh nhất trong gần 2 thập kỷ (Ảnh minh họa) |
Giá vàng kết thúc tuần tăng giá
Giá vàng thế giới trong tuần (16/9-22/9) tăng trong phiên giao dịch đầu tuần. Tại phiên giao dịch giữa tuần, giá vàng bất ngờ giảm mạnh. Thời điểm cuối tuần, giá vàng tăng mạnh sau khi Fed cắt giảm lãi suất, đồng thời ghi nhận tuần tăng giá.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 22/9, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 80-82 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 21/9.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 80-82 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 21/9.
Trong khi tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 80-82 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 21/9.
Đồng USD đồng loạt giảm sâu
Sáng nay 22/9/2024, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố hiện đang ở mức 24.148 đồng - giảm 24 đồng. Trên thị trường Mỹ, chỉ số USD Index (DXY) hiện ở mức 100,72 điểm, giảm 0,02 điểm.
Đồng USD trượt dốc trong phiên giao dịch đầy biến động vừa qua, khi thị trường đang vật lộn với đợt cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cũng như việc Fed chuyển sang lập trường nới lỏng chính sách tiền tệ.
Xuất khẩu rau quả tăng cao chưa từng thấy
Theo báo cáo sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính tới ngày 20/9, xuất khẩu rau quả tháng 9/2024 đạt trên 920 triệu USD, tăng hơn 9% so với tháng trước và tăng gần 38% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu rau quả đã đạt hơn 5,6 tỉ USD, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2023.
Theo đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đây là mức tăng cao chưa từng thấy trong ngành rau quả xuất khẩu của Việt Nam và động lực chính của tăng trưởng là nhờ vào sầu riêng, nhất là vụ mùa của Tây Nguyên.
Gần 170 tỷ đồng hỗ trợ ngành thủy sản sau bão
Bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là hai lĩnh vực có tăng trưởng cao nhất trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp.
Tính toán sơ bộ ban đầu, ngành thủy sản thiệt hại khoảng 2.500 tỷ đồng, ngành chăn nuôi cũng khoảng 2.000 tỷ đồng. Tính đến sáng ngày 21/9, các doanh nghiệp đã đăng ký hỗ trợ gần 170 tỷ đồng tiền mặt, thức ăn, con giống, chất cải tạo môi trường, nguyên vật liệu... để phục hồi ngành chăn nuôi và thuỷ sản ở khu vực phía Bắc.
Ngân hàng cấp tập rao bán tài sản để xử lý nợ xấu
Tại thời điểm này, các ngân hàng đang cấp tập rao bán tài sản thế chấp để xử lý, thu hồi nợ. Tài sản được rao bán không chỉ là đất nền, nhà phố, căn hộ, ô tô, máy móc, thiết bị, mà còn có cả cổ phiếu, tài sản hình thành trong tương lai. Đáng chú ý là, sau bão số 3, nợ xấu ngành ngân hàng được cho là còn tăng, do khách hàng bị mất trắng tài sản, nhất là đối với thủy sản…
Báo cáo tài chính bán niên của 29 ngân hàng cho thấy, tính tới cuối tháng 6/2024, có tới 24/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng so với cuối năm 2023. Số dư nợ xấu tuyệt đối của các ngân hàng tăng hơn 20% so với cuối năm ngoái.
Phó thống đốc trường trực Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho biết, nợ xấu đang có xu hướng tăng là một vấn đề cần lưu ý, mức độ tăng cũng khá cao. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên gần 5%. Nếu bao gồm nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC..., thì lệ nợ xấu khoảng 6,9%.
Giá đường tăng mạnh nhất trong gần 2 thập kỷ
Theo Bloomberg, giá đường thô đang trải qua mức tăng kỷ lục trong vòng 16 năm. Đây là hệ quả của tình trạng mất mùa do cháy rừng và đợt nắng nóng khốc liệt tại Brazil.
Bang Sao Paulo, một trong những vùng trồng mía lớn nhất của Brazil, ghi nhận số vụ cháy rừng kỷ lục trong mùa hè này do thiếu độ ẩm. Điều này phá hủy phần lớn rễ mía và có thể buộc các nhà sản xuất phải trồng lại hoặc thu hẹp quy mô thu hoạch mùa tới.
Tình trạng này tiếp tục kéo dài sau đợt hạn liên tục từ tháng 10 năm ngoái, gây sụt giảm năng suất nghiêm trọng.
P.V (t/h)