Giá dầu trong tuần (16/9-22/9): Ghi nhận tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp
(PetroTimes) - Giá dầu thế giới trong tuần (16/9-22/9) tăng trong phiên giao dịch đầu tuần. Tại phiên giao dịch giữa tuần, giá dầu tăng ở đầu phiên sau đó quay đầu giảm. Thời điểm cuối tuần, dầu thô tăng giá dầu phiên và giảm nhẹ cuối phiên, song vẫn ghi nhận tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp.
Ghi nhận lúc 8 giờ sáng ngày 22/9/2024 theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ giao dịch ở mức 71 USD/thùng, giảm 0,16 USD (tương đương 0,22%) và giảm 0,92 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 21/9.
Giá dầu Brent giao dịch ở mức 74,49 USD/thùng, giảm 0,39 USD (tương đương 0,52%) và giữ nguyên so với cùng thời điểm ngày 21/9.
Giá dầu thế giới trong tuần (16/9-22/9) tăng trong phiên giao dịch đầu tuần. Tại phiên giao dịch giữa tuần, giá dầu tăng ở đầu phiên sau đó quay đầu giảm. Thời điểm cuối tuần, dầu thô tăng giá dầu phiên và giảm nhẹ cuối phiên, song vẫn ghi nhận tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp.
Cụm Giàn CNTT số 2. Tác giả: Lê Anh Đức |
Đầu tuần (16/9-17/9) giá dầu thế giới tăng khi những tác động liên tục của cơn bão Francine đối với sản lượng tại Vịnh Mexico của Mỹ đã bù đắp cho những lo ngại dai dẳng về nhu cầu của Trung Quốc.
Mức cao nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2024 ở mức 70,46 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 11/2024 ở mức 72,93 USD/thùng.
Cục An toàn và Thực thi Môi trường Mỹ (BSEE) cho biết hôm thứ Hai (16/9) rằng hơn 12% sản lượng dầu thô và 16% sản lượng khí đốt tự nhiên tại Vịnh Mexico của Mỹ vẫn ngừng hoạt động sau cơn bão Francine.
Matt Smith, nhà phân tích dầu mỏ hàng đầu tại Kpler thông tin, những tàn dư của cơn bão vẫn còn và chủ yếu ảnh hưởng đến phía sản xuất hơn là phía lọc dầu. Do đó, giá dầu sẽ có xu hướng tăng một chút.
Hiện, thị trường đang thận trọng trước quyết định về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại cuộc họp chính sách vào thứ Tư (18/9).
Các nhà giao dịch ngày càng đặt cược vào việc Fed cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản (bps) thay vì 25 bps.
Lãi suất thấp hơn thường làm giảm chi phí vay, từ đó có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế và nâng cao nhu cầu về dầu.
Clay Seigle, chiến lược gia thị trường dầu mỏ, cho biết, việc Fed cắt giảm lãi suất 0,25 phần trăm có thể làm gia tăng mối lo ngại của các nhà giao dịch về tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ. Thị trường có thể chứng kiến những xu hướng trái ngược nhau nếu Fed cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn.
Chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong của IG cho rằng, dữ liệu kinh tế yếu hơn của Trung Quốc vào cuối tuần trước đã làm giảm tâm lý thị trường, làm gia tăng nghi ngờ về nhu cầu dầu.
Tăng trưởng sản lượng công nghiệp tại Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, đã chậm lại ở mức thấp nhất trong năm tháng vào tháng 8 trong khi doanh số bán lẻ và giá nhà mới tiếp tục suy yếu.
Sản lượng lọc dầu của Trung Quốc cũng giảm tháng thứ năm liên tiếp do nhu cầu nhiên liệu yếu và biên lợi nhuận xuất khẩu hạn chế sản lượng.
Ảnh minh họa |
Giữa tuần (18/9-19/9) giá dầu tăng ở đầu phiên sau đó quay đầu giảm.
Ngày 18/9, giá dầu tiếp đà tăng sau khi Israel tuyên bố mục tiêu chiến tranh chính thức khiến căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục leo thang.
Mức cao nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2024 ở mức 71,11 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 11/2024 ở mức 73,72 USD/thùng.
Cụ thể, Israel đã tuyên bố rằng việc ngăn chặn các cuộc tấn công của Hezbollah ở phía bắc để cho phép cư dân của mình trở về là mục tiêu chiến tranh chính thức, vì nước này đang cân nhắc một hoạt động quân sự rộng lớn hơn có thể gây ra một cuộc xung đột toàn diện. Căng thẳng ở Trung Đông đang khiến duy trì giá dầu trên thị trường khi nguồn cung có thể bị ảnh hưởng.
Hơn 12% sản lượng dầu thô tại vùng Vịnh Mexico của Mỹ vẫn chưa được khôi phục sau bão Francine khiến giá dầu tăng các phiên giao dịch gần đây.
Giá dầu cũng được hỗ trợ khi xuất khẩu dầu thô của Libya sụt giảm. Theo báo cáo tuần trước, xuất khẩu dầu nước này đã tăng lên khoảng 550.000 thùng/ngày nhưng con số này chỉ bằng khoảng 1/2 lượng dầu xuất khẩu của tháng trước (hơn 1 triệu thùng/ngày).
Suy nghĩ của thị trường đã thay đổi gần đây, hiện đang nghiêng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,5%, dù trước đó dự đoán rằng khả năng cắt giảm lãi suất 0,25% là cao nhất. Theo Công cụ FedWatch của CME hiện đang đưa ra xác suất 67% cho việc cắt giảm 50 điểm cơ bản, trong khi khả năng cắt giảm nhỏ hơn 25 điểm cơ bản đã giảm xuống còn 33%. Lãi suất thấp hơn thường làm giảm chi phí vay, từ đó có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế và nâng cao nhu cầu về dầu.
Ngân hàng Anh và Ngân hàng Nhật Bản sẽ tổ chức các cuộc họp chính sách tiền tệ thường kỳ vào Thứ Năm (19/9).
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng 0,1% trong tháng 8 sau khi tăng 1,1% trong tháng 7. Dữ liệu này tốt hơn dự kiến, vì các nhà kinh tế dự đoán mức giảm 0,2% trong số liệu chính. Báo cáo cũng cho thấy, trong 12 tháng qua, doanh số bán lẻ đã tăng 2,1%.
Doanh số cốt lõi, không tính doanh số bán xe, đã tăng 0,1% vào tháng trước, sau mức tăng 0,4% của tháng 7. Dữ liệu này không đạt kỳ vọng vì các nhà kinh tế đang dự đoán mức tăng 0,2%.
Cuối cùng, nhóm kiểm soát, đại diện cho hàng hóa được sử dụng trong ước tính GDP, đã tăng 0,3% vào tháng 8 và tăng trong tháng thứ hai liên tiếp.
Sang đến ngày 19/9, giá dầu quay đầu giảm khi thông báo cắt giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, trong khi các nhà đầu tư phần lớn không quan tâm đến sự sụt giảm dự trữ dầu thô và cho đó là do tác động của yếu tố thời tiết ngắn hạn.
Mức thấp nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2024 ở mức 70,72 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 11/2024 ở mức 73,5 USD/thùng.
Ngân hàng trung ương Mỹ đã cắt giảm lãi suất nửa phần trăm, mức giảm chi phí đi vay lớn hơn nhiều so với dự kiến ban đầu, làm dấy lên lo ngại về thị trường việc làm chậm lại. Việc cắt giảm lãi suất thường thúc đẩy hoạt động kinh tế và nhu cầu năng lượng, nhưng thị trường lao động yếu hơn có thể làm chậm nền kinh tế.
Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, lượng dầu thô tồn kho của Mỹ đã giảm 1,6 triệu thùng xuống còn 417,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 13/9. Việc giảm sản lượng dầu thô khiến lượng hàng tồn kho giảm xuống mức thấp nhất trong một năm đã giúp hạn chế đà giảm giá của dầu thô.
Bob Yawger, Giám đốc năng lượng tương lai tại ngân hàng Mizuho cho rằng giá dầu sụt giảm là do cơn bão Francine đã kết thúc và các cơ sở hạ tầng dầu mỏ đã hoạt động trở lại.
Ở một diễn biến khác, bạo lực gia tăng ở Trung Đông đang làm gián đoạn nguồn cung dầu sau khi Hezbollah cáo buộc Israel tấn công nhóm chiến binh này bằng chất nổ ở Lebanon. Hezbollah đã tuyên bố sẽ trả đũa Israel. Hiện, quân đội Israel đang từ chối bình luận về vụ nổ.
Mazen Salhab, Chiến lược gia thị trường trưởng MENA tại BDSwiss nhận định: "Việc kết thúc nhu cầu nhiên liệu cao điểm vào mùa hè và sự thay đổi tiêu cực trong tâm lý của các nhà giao dịch đã góp phần làm giá dầu giảm, mặc dù các xung đột tiềm tàng ở Trung Đông vẫn gây ra nguy cơ gián đoạn nguồn cung".
Ảnh minh họa |
Thời điểm cuối tuần (20/9-22/9) giá dầu tăng ở đầu phiên và giảm nhẹ ở cuối phiên.
Ngày 20/9, giá dầu tăng sau khi lãi suất tại Mỹ giảm mạnh và lượng dự trữ dầu toàn cầu giảm.
Mức cao nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao dịch ở mức 72,01 USD/thùng. Giá dầu Brent giao dịch ở mức 74,80 USD/thùng.
Dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy, lượng dự trữ dầu thô tại nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong một năm vào tuần trước.
Ngân hàng trung ương Mỹ đã cắt giảm lãi suất nửa phần trăm và việc cắt giảm lãi suất thường thúc đẩy hoạt động kinh tế và nhu cầu năng lượng, nhưng một số người cũng coi việc cắt giảm sâu này là dấu hiệu của thị trường lao động yếu kém tại Mỹ.
Các nhà phân tích của Citi cho biết, thị trường dầu mỏ thiếu hụt khoảng 400.000 thùng/ngày (bpd) và điều này sẽ hỗ trợ giá dầu thô Brent trong khoảng 70 USD đến 75 USD/thùng trong quý tới, nhưng giá cũng có thể giảm mạnh vào năm 2025.
Sang đến ngày 21/9 và 22/9, giá dầu giảm nhẹ.
Mức thấp nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao dịch ở mức 71,92 USD/thùng. Giá dầu Brent giao dịch ở mức 74,49 USD/thùng.
Giovanni Staunovo, nhà phân tích tại UBS cho biết: "Việc cắt giảm lãi suất của Mỹ đã hỗ trợ tâm lý rủi ro, làm suy yếu đồng đô la và hỗ trợ giá dầu thô trong tuần này. Tuy nhiên, phải mất thời gian thì việc cắt giảm lãi suất mới hỗ trợ được hoạt động kinh tế và tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào cuối năm nay, cắt giảm toàn bộ một phần trăm điểm vào năm tới và giảm thêm nửa phần trăm điểm vào năm 2026.
Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đang làm tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung, từ đó thúc đẩy thị trường dầu mỏ. Israel tuyên bố rằng họ đã khiến một chỉ huy cấp cao của Hezbollah và các nhân vật cấp cao khác trong phong trào Lebanon thiệt mạng sau một cuộc không kích vào Beirut. Tuyên bố này đang làm gia tăng nỗi lo về cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn.
Tuy nhiên, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza vẫn là điều thực tế.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 18.941 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 19.762 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 17.043 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 17.551 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 14.826 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều ngày 19/9. Trong đó, xăng E5 RON 92 tăng 51 đồng/lít, xăng RON 95-III tăng 127 đồng/lít, dầu diesel giảm 122 đồng/lít, dầu hỏa giảm 239 đồng/lít, dầu mazut tăng 359 đồng/kg.
Minh Đức