Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả ở TKV
(PetroTimes) - Nhìn lại hành trình 30 năm thành lập Tổng công ty Than Việt Nam (TVN) nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV), ngày 10/10/1994 - 10/10/2024, trải qua rất nhiều gian nan, vất vả thăng trầm, nhưng các thế hệ thợ mỏ TKV hôm nay có thể tự hào về những thành tích và đóng góp của mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Hành trình 30 năm xây dựng và phát triển của Tập đoàn là hành trình không ngừng kiến tạo để bứt phá bằng nhiều giải pháp, trong đó phải nhắc đến những quyết sách táo bạo trong công tác quản lý, sắp xếp, đào tạo nhân lực và các chính sách chăm lo tốt nhất cho người lao động…
Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, đưa công tác quản lý nhân lực vào nền nếp
Những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ trước, trước yêu cầu thống nhất quản lý hoạt động khai thác than, tránh thất thoát tài nguyên của đất nước, huy động sức mạnh tổng hợp để đáp ứng nhu cầu than cho công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế đất nước, ngày 10/10/1994, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định số 563/QĐ-TTg thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước ngoặt trong tiến trình phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam.
Trong giai đoạn 1994 - 2004, được xem là giai đoạn 10 năm bản lề hình thành nên cơ cấu tổ chức vững mạnh của TKV. Nhờ những quyết sách táo bạo tách các đơn vị sản xuất than trực tiếp có quy mô lớn ra khỏi các công ty than theo khu vực để trở thành đơn vị thành viên của Tổng công ty Than Việt Nam (TVN - tiền thân TKV) đã góp phần giải phóng thêm năng lực sản xuất của các mỏ. Quyết sách này cũng nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của Tổng công ty đối với các đơn vị thành viên, góp phần quan trọng tạo ra và duy trì kỷ cương trong điều hành của TKV cho đến ngày nay.
Những người thợ mỏ luôn cùng chí hướng, cùng có chung sự quyết tâm để đạt được mục tiêu chung. |
Trong những năm đầu của giai đoạn này, ngoài những đơn vị sản xuất than chính quy của ngành Than thì trong cơ cấu tổ chức Tổng công ty có một số đơn vị thành viên sản xuất than ở quy mô nhỏ, phân tán, công nghệ lạc hậu cho nên những đơn vị này đã sử dụng lực lượng lao động có chất lượng thấp (không được đào tạo bài bản từ đầu, thiếu kỹ năng) thông qua các hình thức ký hợp đồng lao động thời vụ hoặc thuê mướn qua tổ chức trung gian.
Vì vậy trong quá trình sản xuất hay để xảy ra các vụ tai nạn lao động, có hiện tượng tiêu cực trong công tác trả lương, quyền lợi của người lao động không được đảm bảo (có tình trạng người lao động sử dụng bằng giả, “mượn” hồ sơ của người khác để đi học, đi làm, hậu quả là khi cần giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội thì không thực hiện được). Trước thực trạng đó, TVN đã quyết liệt thực hiện việc sắp xếp, hoàn thiện cơ cấu tổ chức sản xuất, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và thực hiện các giải pháp điều hành để đưa công tác quản lý nhân lực vào nề nếp.
Nhiều cơ chế, chính sách cho NLĐ mang đậm bản sắc ngành Than
Trong những năm đầu thành lập, ngoài việc chỉ đạo thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách đối với người lao động do Nhà nước quy định, TVN đã nghiên cứu, triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách đối với người lao động mang bản sắc riêng của ngành Than - mà đến nay một số cơ chế vẫn còn được duy trì, như: Để giúp thợ mỏ “an cư, lạc nghiệp”, các công ty than đã tập trung xây dựng nhà ở tập thể công nhân, đồng thời ưu tiên bố trí vợ thợ lò làm các công việc phục vụ trong mỏ. TVN phối hợp với đối tác thành lập các Công ty liên doanh may Bái Tử Long, liên doanh giày Sơn Long để giải quyết việc làm cho lao động nữ, tạo điều kiện cho thợ lò xây dựng gia đình riêng với lao động nữ trên địa bàn.
Nữ công nhân ngành Than. |
Chỉ đạo đưa đón cán bộ, công nhân đi làm bằng xe ca ghế mềm, có máy lạnh. Thợ lò sau ca làm việc được phục vụ giặt, sấy khô ủng và quần áo bảo hộ, tắm nước nóng, ăn định lượng bằng hình thức ăn tự chọn (thí điểm đầu tiên ở Công ty Than Mông Dương). Tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ chống giữ và khấu than trong hầm lò, phương tiện hỗ trợ người lao động đi lại và vận chuyển vật tư trong hầm mỏ (mono-ray, xe song-loan, tời hỗ trợ…) nhằm cải thiện điều kiện làm việc, đi lại của người thợ.
Bên cạnh đó, TVN đã phát triển hệ thống các nhà điều dưỡng công nhân mỏ ở những khu du lịch ven biển, ven hồ và ban hành chế độ điều dưỡng phục hồi chức năng cho người lao động yếu sức khỏe.Duy trì hệ thống y tế, trạm xá, tổ chức khám sức khỏe định kỳ. Đặc biệt là trong giai đoạn này, lần đầu tiên TVN đã thực hiện một chế độ ưu việt đối với những công nhân làm nghề mỏ của Ngành Than Việt Nam, đó là chế độ điều trị bệnh nghề nghiệp bụi phổi bằng công nghệ “rửa phổi”. Năm 2004, TVN đã đầu tư cơ sở rửa phổi tại Trung tâm Y tế lao động ngành Than trị giá trên 10 tỷ đồng nhằm tự chủ điều trị bệnh bụi phổi cho người lao động của mình, thay vì phải đưa người bệnh sang điều trị tại Bắc Đới Hà - Trung Quốc. Chế độ này đã được duy trì, phát triển từ năm 2004 cho đến nay.
Đối với chế độ ăn định lượng, TVN đã kiên trì báo cáo và được Nhà nước cho phép áp dụng đối với công nhân xây dựng mỏ hầm lò. Như vậy không chỉ thợ lò trong công đoạn khai thác được hưởng chế độ này, mà thợ lò làm công việc xây dựng cơ bản trong hầm lò cũng được thụ hưởng. Đồng thời trong giai đoạn này, TVN đã quyết định ngày Truyền thống công nhân vùng mỏ - Truyền thống ngành Than 12/11 hằng năm là ngày người lao động trong toàn Tổng công ty được nghỉ làm việc và vẫn được hưởng lương.
Đổi mới, nâng cao chất lượng lao động
Trong công tác quản lý lao động, TVN chỉ đạo các đơn vị thành viên từng bước hạn chế sử dụng lao động thời vụ, lao động thuê qua các tổ chức trung gian, mà chú trọng sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề tại các cơ sở đào tạo nghề mỏ trong Tổng công ty/Tập đoàn với mục tiêu nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp cho đội ngũ cán bộ, người lao động. Tỷ trọng công nhân kỹ thuật năm 1994 là 46,9%, năm 2004 tăng lên 66,5% so với tổng số lao động; Tỷ trọng lao động phổ thông giảm dần theo các năm từ 29% năm 1994 xuống còn 16,6% năm 2004 so với tổng số lao động toàn Tổng công ty.
Từ năm 1999, TVN chỉ đạo kiên quyết cắt giảm số lao động thời vụ từ tỉnh ngoài đến làm việc chủ yếu ở các đơn vị Công ty Than Đông Bắc, Công ty Than Quảng Ninh (nay là Than Hạ Long), Công ty Than Hòn Gai, Công ty Địa chất & Khai thác khoáng sản. Riêng trong năm 1999 đã giảm tuyệt đối trên 8.000 lao động, mặc dù vậy tổng số lao động trong danh sách có mặt đến cuối năm so với tổng số lao động tính theo định mức vẫn cao hơn khoảng 10.000 người (năm 1998 vào khoảng 14 ngàn người).
Sau một thời gian vận hành, nhận thấy lực lượng lao động của Tổng công ty tuy có số lượng đông nhưng mất cân đối về cơ cấu đo tỷ lệ lao động gián tiếp, phụ trợ, phục vụ cao hơn lực lượng lao động trực tiếp, TVN đã quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng lao động bằng cách đổi mới cơ cấu và chất lượng lao động thông qua việc sắp xếp những lao động dôi dư, lao động yếu sức khỏe.
Cũng trong năm này, lần đầu tiên TVN đã chủ trì xây dựng và ban hành tạm thời Hệ thống định mức lao động cho các ngành nghề sản xuất chính, chủ đạo để làm cơ sở giao khoán và trả lương cho người lao động (khai thác than hầm lò, khai thác than lộ thiên, sàng tuyển tiêu thụ than). Để ổn định tư tưởng, hỗ trợ khó khăn cho người lao động dôi dư, yếu sức khỏe khi phải nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc, năm 2001 TVN đã hình thành Quỹ sắp xếp, đổi mới lao động dôi dư để tái cơ cấu lực lượng lao động theo Quy chế số 971. TVN là doanh nghiệp nhà nước duy nhất của Việt Nam đề xuất với Nhà nước cho sử dụng cơ chế trích từ đầu nguồn quỹ tiền lương để hình thành quỹ sắp xếp lao động theo tinh thần người có việc làm hỗ trợ người mất việc làm. Trong giai đoạn này Tổng công ty đã triển khai sắp xếp, đổi mới cơ cấu lao động đối với: 9.253 người, trong đó nghỉ hưu trước tuổi: 4.539 người, nghỉ thôi việc hưởng trợ cấp 1 lần: 536 người, số tiền hỗ trợ từ Quỹ lên đến 94 tỷ đồng, mức hỗ trợ bình quân nghỉ hưu trước tuổi và nghỉ thôi việc hưởng trợ cấp 1 lần 17,0 triệu đồng/người.
Mặc dù đã rất tích cực trong việc thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng lao động, nhưng trong những năm đầu đi vào hoạt động TVN vẫn còn sử dụng nhiều lao động do phần lớn công nghệ khai thác có năng suất thấp và giải quyết nhu cầu việc làm của nhân dân trên địa bàn nhằm đảm bảo an sinh xã hội ở khu mỏ. Các đơn vị chưa chủ động trong điều hành để tiết kiệm chi phí, tinh gọn bộ máy và giảm lao động để nâng cao thu nhập cho người lao động (do TKV giao theo yếu tố chi phí).
Đặc biệt, trong giai đoạn 2014 - 2024, đây là giai đoạn TKV tái cơ cấu mạnh mẽ lực lượng lao động cả về lượng và chất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng lao động, tối đa hóa hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với sự tinh gọn về cơ cấu tổ chức các đơn vị trực thuộc Tập đoàn, TKV đã cơ bản thực hiện được mục tiêu “Lao động giảm, thu nhập tăng”, “Doanh nghiệp ít người, trả lương cao”. Tính đến năm 2023, tiền lương bình quân toàn Tập đoàn đã đạt 17,7 triệu đồng/người/tháng, trong đó tiền lương bình quân thợ mỏ hầm lò là lực lượng lao động của lĩnh vực kinh doanh cốt lõi đã đạt 25,1 triệu đồng/tháng, tương đương 1.000 USD (nếu tính cả các khoản có tính chất lương chi cho người lao động thì thu nhập thợ lò đạt trên 30 triệu đồng/tháng), đặc biệt năm 2023 có trên 9.000 thợ lò đạt thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, chiếm 38% tổng số thợ lò. Có nhiều thợ lò đã đạt được mức lương trên 500 triệu đồng/năm.
Có thế thấy rằng, trải qua rất nhiều gian nan, vất vả thăng trầm, hành trình 30 năm xây dựng và phát triển của Tập đoàn là hành trình không ngừng kiến tạo để bứt phá bằng nhiều giải pháp, trong đó phải nhắc đến những quyết sách táo bạo trong công tác quản lý, sắp xếp, đào tạo nhân lực và các chính sách chăm lo tốt nhất cho người lao động.
Minh Châu