Đối diện “cơn gió ngược”, lợi nhuận của ông lớn kinh doanh vàng suy giảm
(PetroTimes) - “Ông lớn” kinh doanh vàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm tháng thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh “gió ngược” của thị trường.
Lợi nhuận “teo tóp”
Báo cáo tình hình hoạt động mới đây của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã: PNJ) cho biết, trong 8 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 26.866 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm trước, và hoàn thành được 72% kế hoạch cả năm.
Lợi nhuận sau thuế sau 8 tháng đạt 1.281 tỷ đồng, tăng gần 3% so với cùng kỳ, hoàn thành 61% mục tiêu đặt ra năm 2024.
Tháng 8/2024, lợi nhuận sau thuế của PNJ đạt khoảng 63 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. |
Tính riêng tháng 8, doanh thu PNJ ước đạt 2.245 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế PNJ đạt khoảng 63 tỷ đồng, tương ứng giảm 17% so với thực hiện tháng 8 năm ngoái. Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp PNJ ghi nhận tăng trưởng âm về mặt lợi nhuận so với cùng kỳ.
Trong cơ cấu doanh thu 8 tháng đầu năm của PNJ, doanh thu trang sức bán lẻ ghi nhận khoảng 14.239 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Mảng thu từ vàng 24K xếp thứ 2 trong cơ cấu doanh thu, ước đạt gần 9.914 tỷ đồng,
Mặt khác, nguồn thu từ trang sức bán sỉ ghi nhận khoảng 2.472 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước nhờ nhu cầu khách hàng sỉ dịch chuyển về các nhà sản xuất chính quy, bài bản.
8 tháng đầu năm, biên lợi nhuận gộp trung bình của PNJ đạt 16,6%, giảm so với mức 18,6% cùng kỳ năm 2023 do sự thay đổi cơ cấu doanh thu của từng mảng kinh doanh.
Công ty cho rằng, trong bối cảnh “gió ngược” của thị trường, biên lợi nhuận gộp trung bình vẫn được duy trì ở mức khá nhờ vào các yếu tố như mức biên lợi nhuận ổn định của kênh lẻ và sỉ. Bên cạnh đó, PNJ đã triển khai các biện pháp tối ưu nguồn lực và nâng cao năng lực vận hành trong sản xuất, bù trừ cho sự giảm lợi nhuận gộp do tăng tỷ trọng từ vàng 24K trong cơ cấu doanh thu.
Mất doanh thu từ mảng vàng miếng?
Theo cập nhật mới nhất của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), hiện tại trên toàn hệ thống PNJ không có (hoặc rất hiếm) hoạt động mua bán vàng miếng do thiếu hụt nguồn cung. Người dân chủ yếu mua, và hầu như không có hoặc rất hiếm khi bán lại vàng miếng.
VDSC cũng chưa nhận thấy sự thay đổi trong chủ trương quản lý từ các cơ quan chức năng, bởi mục tiêu quản lý xuyên suốt vẫn không thay đổi. Dự kiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung vàng miếng sẽ tiếp tục trong những năm tới. Điều này có nghĩa là từ năm 2025 trở đi, PNJ sẽ không có doanh thu từ mảng vàng miếng.
Trong năm 2023, mảng kinh doanh vàng miếng là mảng đóng góp doanh thu cao thứ hai của PNJ, đạt 31,5%. Biên lợi nhuận gộp mảng này rất thấp, chỉ vào khoảng 1,0%. Tuy nhiên, PNJ vẫn giữ mảng này vì đây là nhu cầu cơ bản của người Việt Nam và đây là cơ sở để khách hàng phát sinh nhu cầu với các sản phẩm khác của PNJ như nữ trang, đồng hồ…
"Ông lớn" kinh doanh vàng cho biết sẽ ưu tiên nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang thay vì tập trung vào kinh doanh vàng miếng.
Gần đây, Nhà nước siết chặt quản lý nguồn gốc vàng thông qua các biện pháp như: thanh tra, kiểm tra và tịch thu vàng tại các doanh nghiệp bán vàng không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Bắt đầu từ ngày 15/6/2024, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong hoạt động mua bán vàng sẽ bị rút giấy phép kinh doanh. Việc Nhà nước tăng cường quản lý và giá vàng liên tục tăng cao khiến nguồn vàng mua lại từ người dân và các nguồn khác ngày càng khan hiếm, gia tăng áp lực về nguồn cung vàng nguyên liệu. |
D.Q (t/h)