Chứng khoán tuần mới (từ 16 đến 20/9): Quyết định xu hướng
Tuần giao dịch từ 10 đến 14/9 tiếp tục chứng kiến thị trường điều chỉnh tuần thứ ba liên tiếp. Thanh khoản giảm ở mức kỷ lục, nhiều nhà đầu tư tỏ ra chán nản. Theo chuyên gia, tuần giao dịch từ 16 đến 20/9 có thể sẽ quyết định xu hướng cho VNIndex.
Những thiệt hại do bão Yagi gây ra góp phần khiến cho TTCK ảm đạm trong tuần giao dịch vừa qua. |
Ảm đạm “chợ chiều”
Sau một tuần giao dịch VNIndex giảm 22,25 điểm, tương đương -1,75%. Đây đã là tuần giảm liên tiếp thứ ba, tính từ cuối tháng 8/2024, cũng là tuần điều chỉnh khá mạnh của thị trường.
Về thanh khoản, đây cũng là tuần mà thanh khoản giảm mạnh. Tính trung bình, thanh khoản giảm tới 17% so với tuần liền trước đó. Còn nếu so với thời điểm sôi động vào tháng 4/2024 thì giảm đến 50%.
Đặc biệt phiên 12/9, lần đầu tiên kể từ tháng 5/2023, hai sàn niêm yết chứng kiến quy mô khớp lệnh dưới 10.000 tỷ đồng khi chỉ đạt 9.938 tỷ đồng. Theo đó, dòng tiền giảm về sát mức khớp lệnh thấp kỷ lục gần nhất là 8.547 tỷ đồng của phiên ngày 27/4/2023.
Trong 5 ngày giao dịch, có tới 4 ngày thị trường giảm, chỉ có một ngày tăng. Trong xu thế đó, hầu như các ngành, các nhóm cổ phiếu cũng trong trạng thái điều chỉnh. Thậm chí có những cổ phiếu điều chỉnh mạnh.
Nhóm ngân hàng gần như tất cả các cổ phiếu đều giảm. SSB gây chú ý khi giảm đến hơn 15%, phá sâu vùng đáy được thiết lập suốt 3 năm qua. Các cổ phiếu có mức giảm tiếp từ 1-3% có BID, TCB, BVB, LPB. Gần như duy nhất còn TPB giữ được sắc xanh với mức tăng hơn 2%.
Nhóm chứng khoán cũng không khá hơn, khi SSI, HCM, VCI, VND tiếp tục điều chỉnh. Chỉ còn le lói sắc xanh tại FTS.
Không nằm ngoài xu hướng, nhóm thép với những thông tin kém tích cực về cuộc chiến chống phá giá tiếp tục giao dịch không mấy khả quan. HPG -1,57%, HSG đi ngang, NKG +0,72%, SMC giảm đến 6,8%. Trong tuần SMC tưởng như giữ được vùng nền giá khoảng 10.000 đồng/cp thì đã lại “phá đáy” khi kết tuần tại mức 9.600đồng/cp.
Điểm nhấn trong tuần đến từ nhóm thực phẩm và xuất khẩu. Cổ phiếu PAN đã có mức tăng gần 4%; DBC tăng 5,56%, BAF tăng mạnh 12,7%; HAG tăng gần 2%...
Chuyên gia cho rằng tuần giao dịch từ 16 đến 20/9 sẽ quyết định xu hướng mới. |
Tuần quyết định xu hướng
Theo bà Bích Tuyền, Chuyên gia thuộc CTCK VietCap, hiện có một số thông tin đáng lưu ý như. Chỉ số CPI của Mỹ trong tháng 8/2024 tăng 2,5% thấp hơn so với dự báo và CPI lõi tăng 3.2% so với cùng kỳ cho thấy lạm phát tại Mỹ liên tục được kiềm chế. Đây là tin tích cực cho cả thị trường và FED. Mức tăng CPI theo năm là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2021. Tuy nhiên, có một điều vẫn đáng lo là chi phí nhà ở và vé máy bay tăng làm ảnh hưởng đến CPI lõi.
Bên cạnh đó, Chính phủ Anh tăng cường cắt giảm chi tiêu công do thâm hụt ngân sách hiện tại khoản 22 tỷ Bảng Anh, đang đứng ở mức 25%. Hiện tại Chính phủ Anh đặt mục tiêu tăng trưởng 2,5% mỗi năm. Để đạt mục tiêu này họ đặt ra lộ trình vừa cắt giảm an sinh xã hội vừa tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và vừa thu hút đầu tư tư nước ngoài.
Về các thông tin trong nước, bà Tuyền cho biết. Theo NHNN, gần 12.000 khách vàng vay vốn bị ảnh hưởng sau cơn bão Yagi. Phó thống đốc NHNN cho biết sẽ đề xuất rà soát thiệt hại của KH đang vay vốn đặt biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, có khả năng sẽ được đề xuất giảm lãi, hoãn lãi và cho vay mới để tái đầu tư, xoay vòng khoản nợ.
Theo điểm mới của điều 89, Luật Nhà ở năm 2023, có hiệu lực từ 01/08 vừa qua, khi chuyển nhượng chung cư, nhà ở xã hội sau 5 năm hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì người bán không cần phải đóng 50% tiền sử dụng đất như trước kia. Điều này giúp cho người dân tiết kiệm được chi phí khi chuyển nhượng nhà ở xã hội.
Cũng theo bà Tuyền, tuần qua sau phiên giảm mạnh và đóng dưới đường xu hướng tăng trung hạn thì VNindex đang “có vẻ” tạo điểm cân bằng quanh MA150 và MA50 ngày, tuy nhiên phiên thứ 6 với lực mua yếu đã làm thị trường đóng dưới MA150 ngày. Giai đoạn này, tuy lực bán không qúa lớn nhưng lực cầu vẫn thể hiện khá yếu. Vì thế, chiến lược tuần sau vẫn là ưu tiên nắm giữ, hạn chế mua mới và quản lý chặt stoploss cổ phiếu hiện có.
Còn theo Giáo sư Quách Mạnh Hào, Đại học Lincoln, Anh Quốc: Thời gian qua nền kinh tế Việt Nam có sự hồi phục ở khu vực sản xuất, mặc dù tốc độ tăng có chậm lại so với tháng trước. Điều này là bình thường sau quãng thời gian hồi phục nhanh ở. Đà tăng của khu vực bán lẻ thể hiện cầu của nền kinh tế chậm lại dẫn đến chỉ số CPI tháng 08 ổn định so với tháng trước, tăng 3,45% yoy. Bình quân tám tháng tăng 4,04% yoy. Lạm phát cơ bản tăng 2,71% yoy.
Các yếu tố trên dẫn đến hệ quả Chính phủ sẽ cần đẩy mạnh hỗ trợ khu vực bản lẻ, thúc đấy kinh tế. Ngân hàng Nhà nước có “room” để thực hiện việc hỗ trợ thanh khoản cho thị trường, ép tín dụng chạy nhanh hơn nữa. Từ đó sẽ giúp cho thị trường chứng khoán có cơ hội ở những tháng cuối năm.
Ngoài ra nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào khối FDI, các chính sách thúc đầy đầu tư công chưa hiệu quả. Điều này dẫn đến khả năng Chính phủ sẽ đấy mạnh đầu tư cũng cuối năm tạo kỳ vọng cho nhóm BĐS, Xây dựng tuy nhiên, thực tế kết quả vẫn là dấu hỏi lớn.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng chia sẻ: Trong tuần qua, mặc dù có một phiên giảm với biến động tăng lên nhưng nhìn chung cho cả nhịp chỉnh gần 3 tuần qua cho thấy tín hiệu điều chỉnh không đến mức quá xấu khi biến động nến kèm khối lượng sụt giảm dần, cho thấy áp lực bán suy yếu đi.
“Ở vùng này, tôi chờ đợi chỉ số điều chỉnh thêm một ít về vùng hỗ trợ 1220-1240 điểm và có cầu tham gia tốt trở lại thì khả năng có thể cho tín hiệu kết thúc nhịp chỉnh này, mở ra xu hướng ngắn hạn mới” - bà Liên khẳng định.
Minh Khang