WorldBank nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 từ 5,5% lên 6,1%
(PetroTimes) - Với nhiều động lực tăng trưởng tuy chưa đạt mức khôi phục trước đại dịch COVID, nhưng WorldBank nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,1% trong năm 2024, khẳng định thu hút FDI sẽ tiếp tục tích cực.
Lễ công bố Báo cáo “Vươn tới tầm cao mới trên thị trường vốn” ngày 26/8 |
Ngân hàng Thế giới (WorldBank) công bố Báo cáo Điểm lại - cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam với chủ đề “Vươn tới tầm cao mới trên thị trường vốn” tại Hà Nội, ngày 26/8.
Các chuyên gia dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,1% trong năm 2024 và 6,5% trong hai năm 2025 và 2026, cao hơn so với mức 5% của năm 2023. Mức dự báo này cũng cao hơn mức WorldBank đưa ra hồi tháng 4/2024 là 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6% vào năm 2025).
Các động lực tăng trưởng vững vàng
Theo WorldBank, động lực để tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao hơn các dự báo cũ nhờ xuất khẩu mặt hàng chế tạo chế biến được phục hồi và mức đầu tư và tiêu dùng cao hơn.
Cùng với đó, xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn hơn so với dự báo cho nửa đầu năm 2024, nhờ sức cầu bên ngoài mạnh hơn, trong đó xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 16,9% và 17% (so cùng kỳ năm trước).
Mặc dù đóng góp ròng của xuất khẩu (chênh lệch xuất nhập khẩu) cho GDP vẫn ở mức khiêm tốn, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng tăng trưởng thương mại đã góp phần giúp cho nhu cầu trong nước từng bước phục hồi. Trong đó, tăng trưởng đầu tư và tiêu dùng đạt lần lượt 6,7% và 5,8% so cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2024.
Dịch vụ tiếp tục đóng góp trên một nửa cho tăng trưởng GDP, tăng đến 7,4% so cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2024. Các dịch vụ liên quan đến xuất khẩu (vận tải và kho bãi) được hưởng lợi do xuất khẩu hàng hóa phục hồi. Đồng thời, lĩnh vực nhà hàng khách sạn cũng tăng trở lại, khi số lượt du khách quốc tế đạt 8,8 triệu lượt trong tháng 6/2024, cao hơn lượng du khách ghi nhận trước đại dịch COVID-19.
Nguồn: Báo cáo Điểm lại - cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam với chủ đề “Vươn tới tầm cao mới trên thị trường vốn” |
Đóng góp của nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định ở mức 0,4 điểm phần trăm. Tuy vẫn đang hồi phục, nhưng chi tiêu của người tiêu dùng vẫn dừng ở mức thấp hơn so với trước đại dịch.
Doanh số bán lẻ tăng 8,8% trong nửa đầu năm 2024, nhờ doanh số bán hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định kể từ cuối năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn bình quân ghi nhận trước đại dịch (11,6%).
Đặc biệt, nhu cầu đối với các dịch vụ và mặt hàng không thiết yếu, như xe ô tô, thiết bị gia dụng, du lịch hay nâng cấp nhà ở vẫn ở mức thấp, cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vẫn duy trì ở mức thấp.
Tăng trưởng thu nhập thực vẫn yếu ở mức 2,5% so cùng kỳ năm trước vào tháng 6/2024, tương đương với tốc độ tăng bình quân hàng năm ở mức 2,7% kể từ năm 2022, nhưng thấp hơn xu hướng trước đại dịch (8,4%).
Tương tự, việc làm trong khu vực chính thức vẫn tương đối ổn định, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 4/2024. Tăng trưởng đầu tư của khu vực tư nhân có cải thiện trong nửa đầu năm 2024, nhưng vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng trước đại dịch COVID-19. Xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến phục hồi đã góp phần khiến cho đầu tư tăng lên.
Chuyên gia kinh tế cấp cao của WorldBank tại Việt Nam Dorsati Madani cho rằng dự báo tăng trưởng 6,1% là rất tích cực, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn chưa quay về quỹ đạo tiềm năng đầy đủ. Sau thời kỳ phục hồi mạnh trong nửa đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại trong thời gian tới, do chịu ảnh hưởng từ xu hướng tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. |
Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn thu hút FDI
Báo cáo của WorldBank cho biết, tổng vốn đầu tư nửa đầu năm 2024 đã tăng 6,7% (theo giá so sánh) so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2024, từ mức 4,1% năm 2023, nhưng thấp hơn so với bình quân trước đại dịch COVID-19 là 7,1%.
Tương tự, đầu tư của khu vực tư nhân trong nước đóng góp gần 60% cho tổng vốn đầu tư, đóng góp 3,9% so với cùng kỳ năm trước cho tăng trưởng trong nửa đầu năm 2024, thấp hơn mức bình quân hàng năm là 4,7% trong giai đoạn 2017 - 2019.
Đầu tư nước ngoài có mức tăng trưởng mạnh nhất trong nửa đầu năm 2024, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, mức tăng của đầu tư công chững lại còn 4% trong nửa đầu năm 2024, so với mức 20,5% trong nửa đầu năm 2023, cũng là giai đoạn đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế năm 2023.
Tại buổi công bố báo cáo, bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cấp cao của WorldBank tại Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, về mặt thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), các nhà đầu tư sẽ quan sát nền kinh tế Việt Nam để đưa ra quyết định đầu tư.
Bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cấp cao của WorldBank tại Việt Nam |
“Theo quan sát, chúng tôi không thấy nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ bị suy giảm, tuy có một số nhà đầu tư muốn rút đi nhưng tinh thần nhất quán trong trung hạn vẫn là triển vọng tích cực”, bà Dorsati Madani nói.
Bà Dorsati Madani cũng phân tích, mặc dù Việt Nam bị Hoa Kỳ dán nhãn là nền kinh tế phi thị trường nhưng hàng hóa Việt Nam vẫn được xuất khẩu tăng trưởng tốt sang thị trường Hoa Kỳ. Sự dịch chuyển chuỗi giá trị từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng đang được quan sát thấy rõ, đây là một trong những yếu tố thu hút FDI tới Việt Nam tiếp tục tăng trong thời gian tới.
“Việc hội nhập khu vực trong bối cảnh toàn cầu hướng về châu Á khiến châu lục này càng trở nên thu hút sự chú ý với tầng lớp trung lưu tăng lên. Việt Nam cần tận dụng cơ hội tăng cường hội nhập thương mại khu vực và chinh phuc các hàng rào phi thuế quan để tận dụng lợi thế”, chuyên gia WorldBank khuyến nghị.
Bà Dorsati Madani khuyến nghị Việt Nam đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công để kích cầu ngắn hạn, góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt hạ tầng trong lĩnh vực lượng, giao thông và logistics vốn đang là nút thắt cản trở tăng trưởng. Cùng với đó, khuyến khích các ngân hàng cải thiện hệ số an toàn vốn, đồng thời cải thiện xây dựng hạ tầng, đa dạng hóa thương mại và hội nhập thương mại khu vực để tiếp tục thu hút đầu tư và thúc đẩy nền kinh tế.
Phương Thảo