Hội vật cầu nước làng Vân
(PetroTimes) - Tự xưa, vật cầu nước được tổ chức tại đền Hạ ở làng Vân, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là một môn thể thao dân gian có sức cuốn hút người dân vùng Kinh Bắc không kém môn bóng đá ngày nay.
Hội vật cầu nước làng Vân |
Lễ hội vật cầu nước làng Vân có từ lâu đời, gắn liền với đời sống văn hóa, tín ngưỡng dân gian của nhân dân địa phương từ bao đời nay. Tục truyền rằng: Trước đây, hai anh em Trương Hống và Trương Hát phò Triệu Quang Phục đánh giặc Lương, khi đánh thắng quân Lương ở đàm Dạ Trạch thì bị bọn quỷ đen ở đầm quấy quả, chúng xông ra chống lại quân nhà Thánh. Hai bên xung trận, bọn quỷ đen ra điều kiện rằng: Nếu thắng, chúng phải được thưởng lớn, còn nếu thua, chúng sẽ quy phục theo hầu nhà Thánh. Chiến trận xảy ra, cuối cùng bọn quỷ đen thua trận đã phải quy phục Đức thánh Tam Giang ở đây.
Các giáp làng Vân làm lễ Thánh ở sân cầu trước khi thi đấu |
Khi thắng trận, dân mở hội ăn mừng, trong đó có các quân cầu là biểu trưng cho lũ quỷ đầm. Hội vật cầu nước có ý nghĩa là hội mừng chiến thắng. Đồng thời cũng thể hiện mong muốn của cư dân trồng lúa nước, đó là tín ngưỡng thờ thần Mặt Trời, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Màn tranh cướp cầu quyết liệt giữa quân cầu 2 đội |
Theo thông lệ xưa, hội vật cầu nước làng Vân được tổ chức thường xuyên theo điều lệ và quy ước của làng. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1945-1954, Lễ hội vật cầu nước ít được tổ chức. Hòa bình lập lại đến năm 1973, nhân dân địa phương khôi phục và duy trì trở lại. Hương ước của làng Vân hiện nay quy định, 4 năm sẽ tổ chức Lễ hội vật cầu nước một lần.
Quả cầu trong lễ hội được làm từ gỗ, có trọng lượng gần 20kg, tượng trưng cho thần Mặt Trời |
Công việc cần chuẩn bị đầu tiên cho hội vật cầu là chọn người trong ban tế. Những người này phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể do làng định như phu phụ song toàn, bản thân có uy tín với dân làng, được mọi người yêu mến, kính nể. Cùng với việc chọn người vào ban tế thì việc tuyển chọn quân cầu cũng hết sức cẩn trọng.
Lễ hội vật cầu nước làng Vân mang đậm những nét tâm linh của cư dân trồng lúa nước định canh, mang nhiều yếu tố về phồn thực, rèn luyện sức khỏe, thỏa mãn tâm linh. |
Trước đây, quân cầu do các giáp cử ra. Làng Vân xưa gồm 4 giáp, mỗi giáp được cử 4 người, tổng cộng 16 người. Nay làng được chia thành 5 xóm nhưng số người ở các xóm cũng vẫn giữ nguyên để bảo đảm công bằng, với 4 người dự phòng. Tiêu chuẩn để làm quân cầu là những trai làng chưa vợ, khỏe mạnh, không có vận áo xám, bệnh tật, không có can phạm, can án. Làng cử ra một ban huấn luyện để dạy cho các quân cầu cách đi đứng, cách để tay, cách ngồi, cách chơi cầu…
Mặc dù thi đấu quyết liệt nhưng để đúng nghĩa đây là trò chơi mang tính cầu mùa, cầu hòa thuận, ban tổ chức đã quán triệt các quân cầu không được xích mích, va chạm thái quá |
Tham gia điều khiển hội vật cầu còn có bộ phận trống lễ và trống trận. Những người này đều đã qua ban khánh tiết, có độ tuổi từ 50 trở lên, được các cụ trong hội đồng bô lão cử ra. Đến giờ quy định, các quân cầu được người luyện quân đưa ra sân hội. Sân cầu phía trước đền Hạ, hình chữ nhật dài 18m, rộng 14m, hố cầu rộng 60cm. Các quân cầu cởi trần đóng khố, ngoài khoác áo dài the xếp thành 4 hàng dọc đứng trước sân quay mặt vào đền lễ Thánh. Lễ xong, tất cả quân cầu được lên sân đền Hạ để uống rượu trận. Họ ngồi xếp bằng trong 4 hàng, hai bên quay mặt vào nhau, cỗ trận để ở giữa. Cỗ trận là các loại hoa quả như dưa hấu, vải và rượu bày trong 4 mâm, mỗi mâm 4 bát, 4 đĩa. Tất cả đều dùng que tre vót nhọn để ăn.
Khi cướp được cầu, các đội phải nhanh chóng phản công, cùng với đó là sự truy cản quyết liệt của đối thủ, tạo nên một trận đấu gay cấn, kịch tính |
Sau lễ vật thờ, các quân cầu làm lễ Thánh. Họ trong các tư thế hai tay đan vào nhau đặt trước bụng, giơ ngang tầm mắt, rồi đặt trước trán, cúi sát đất, quỳ gối, phủ phục. Sau đó, các quân cầu chuyển thành vòng tròn, tay trái giữ bụng, tay phải giơ cao đi vòng quanh sân cầu 5 lần vừa đi vừa hô vang “hí hạ, hứ hẹ” tỏ rõ sự vui mừng khôn xiết. Từ vòng tròn, quân cầu lại chia thành 2 hàng, mỗi hàng có 1 người đứng ra khoác tay, giáp vai nhau thể hiện sự đoàn kết rồi bắt đầu vào lễ vật cầu nước.
Nhiều pha giao tranh quyết liệt khiến cho lễ hội trở thành độc nhất vô nh |
Sau khi có hiệu lệnh của ông Cai đám, các quân cầu hai đội xô vào tranh cầu bỏ vào lỗ cầu của đối phương, nếu bỏ được là thắng. Cướp được cầu cũng có nghĩa là cướp được mặt trời, cướp ánh nắng cho lúa khoai… Trận đua cướp cầu diễn ra sôi nổi trong tiếng hò reo của dân làng. Trong hội vật cầu, vì đền Thánh quay mặt về hướng Tây nên hai hướng cầu ở phía Bắc và Nam. Trong khi chơi, nếu bên phía Nam thắng là điều tốt lành cho làng. Năm đó, sẽ mưa thuận gió hòa, phong đăng hòa cốc. Cuộc tranh đua rất khó vì khi vào lỗ cầu, bên bị tấn công cho người ngồi vào giữ lỗ cầu. Lỗ chỉ vừa lọt quả cầu mà lại có thêm người giữ lỗ, bởi thế nếu găng, vật cầu nước có thể diễn ra tới 2-3 ngày. Thường mỗi bên thắng một trận và một trận hòa.
Theo quan niệm của người làng Vân, quân cầu trong thi đấu mà giành được quả cầu là giành được năng lượng của mặt trời |
Kết thúc cuộc chơi, xóm đăng cai rửa sạch cầu, đặt lên đẳng để làm lễ tạ Thánh. Quân cầu lại xếp thành 4 hàng dọc trước sân cầu để tạ Thánh rồi tất cả chạy ùa ra sông Cầu tắm rửa, kết thúc một ngày trong hội vật cầu.
Trong trận cầu, các quân cầu đều mặc khố để thi đấu |
Cũng như một số lễ hội dân gian truyền thống khác, Lễ hội vật cầu nước làng Vân mang đậm những nét tâm linh của cư dân trồng lúa nước định canh, mang nhiều yếu tố về phồn thực, rèn luyện sức khỏe, thỏa mãn tâm linh. Quả cầu tròn là dương tượng trưng cho mặt trời, còn lỗ cầu tượng trưng cho âm, âm dương hòa hợp là mọi người làm ăn phát đạt, vạn sự bình yên và đó cũng là mong muốn của cộng đồng, mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Mặc dù bùn đất khắp người, đây vẫn là nghi lễ thiêng. Những quân cầu càng bị bùn bắn vào nhiều càng có được may mắn |
Với những giá trị đặc sắc, gọi là “độc nhất vô nhị”, Lễ hội vật cầu nước làng Vân đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 2022.
Quân cầu dùng nước thiêng rửa bùn sau khi trận đấu kết thúc |
Cuộc tranh đua rất khó vì khi vào lỗ cầu, bên bị tấn công cho người ngồi vào giữ lỗ cầu. Lỗ chỉ vừa lọt quả cầu mà lại có thêm người giữ lỗ, bởi thế nếu găng, vật cầu nước có thể diễn ra tới 2-3 ngày. Thường mỗi bên thắng một trận và một trận hòa. |
Trịnh Thông Thiện