Khánh Hòa vẫn còn tàu cá "3 không"
Qua rà soát, tỉnh Khánh Hòa hiện còn 430 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm và không giấy phép khai thác thủy sản).
Khắc phục các tồn tại, hạn chế của hệ thống giám sát hành trình tàu cá |
11 tỉnh, thành phố miền Trung phối hợp quản lý tàu cá, chống khai thác IUU |
Tàu cá ngư dân tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết, toàn tỉnh hiện có 3.178 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên. Trong đó, 1.813 tàu cá có chiều dài từ 6 m đến dưới 12 m hoạt động vùng ven bờ, 715 tàu cá chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m hoạt động vùng lộng, 650 tàu cá chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động vùng khơi. Số tàu cá trên đã được đăng ký và cập nhật đầy đủ trên phần mềm cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia Vnfishbase.
Qua rà soát, toàn tỉnh hiện có 430 tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm và không giấy phép khai thác thủy sản). Trong đó, có 415 tàu cá có chiều dài từ 6 m đến dưới 12 m, 15 tàu cá chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m.
Sở NN&PTNT tỉnh đã đề nghị các địa phương ven biển phối hợp với các đồn, trạm biên phòng trên địa bàn quản lý số tàu cá chưa đăng ký; UBND xã, phường chịu trách nhiệm khi để tàu cá không rõ nguồn gốc xuất xứ, đóng mới không có văn bản chấp thuận, không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép khai thác thủy sản phát sinh tại địa bàn quản lý.
Vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã công bố danh sách tàu cá đã được đóng mới, cải hoán, mua bán đang hoạt động không đủ thành phần hồ sơ để được đăng ký theo quy định của Bộ NN&PTNT. Hiện các đơn vị tại địa phương đang khẩn trương phối hợp để thực hiện kiểm tra, đăng ký số tàu "3 không" trong danh sách đã được tỉnh công bố.
Ngư dân đánh bắt cá ngừ cập bờ - Ảnh:VGP/Lưu Hương |
Tăng cường giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng
Đối với tàu cá hoạt động vùng khơi, hiện toàn tỉnh Khánh Hòa có 647/650 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt 99,5%. Còn 3 tàu cá chưa lắp VMS gồm 1 tàu cá nằm bờ không hoạt động khai thác thủy sản, 2 tàu cá đang thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu.
Trung tâm giám sát tàu cá (Chi cục Thủy sản) tổ chức trực ban 24/7, theo dõi tín hiệu các tàu cá khi hoạt động trên biển; thường xuyên trao đổi thông tin với các đơn vị liên quan để giám sát, quản lý các tàu cá hoạt động trên các vùng biển, đặc biệt tại vùng biển giáp ranh, chồng lấn và chưa phân định với các nước trong khu vực.
Hiện Khánh Hòa có 4 cảng cá (Hòn Rớ, Đá Bạc, Vĩnh Lương, Đại Lãnh) và 1 khu neo đậu tránh trú bão Ninh Hải cho tàu cá hoạt động từ vùng khơi cập cảng. Từ đầu năm đến nay, tổng số tàu cá ra, vào cảng là 5.350 lượt, tổng sản lượng khai thác thủy sản qua các cảng được kiểm tra, kiểm soát đạt 9.940 tấn hải sản; trong đó các văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá đã kiểm tra tàu cá rời cảng, cập cảng lên cá cho 2.526 lượt/5.379 tấn hải sản.
Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát đối chiếu các hồ sơ xác nhận, chứng nhận và sắp xếp, lưu trữ hồ sơ đầy đủ; tăng cường công tác giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng, đặc biệt đối với cá cờ kiếm, cá ngừ vây vàng.
Từ đầu năm 2024 đến tháng 7/2024, đã kiểm tra cấp xác nhận nguyên liệu thủy sản: 137 giấy/ 4.393,678 tấn hải sản; cấp chứng nhận thủy sản khai thác: 157 lô hàng/2.133,003 tấn hải sản (trong đó thị trường EU 152 lô hàng, thị trường khác 5 lô hàng).
Để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ tàu, thuyền trưởng thực hiện thủ tục khai báo xuất nhập cảng, đã triển khai lắp đặt 4 máy tính bảng loại kiosk tự phục vụ tại 4 văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá.
Các lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp mở các đợt cao điểm để tuần tra, kiểm tra, xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) trên các vùng biển: Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa, Vạn Ninh đồng thời kịp thời xử lý những trường hợp tàu cá vi phạm.
Từ tháng 10/2023 đến tháng 7/2024, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính 141.550.000 đồng/12 trường hợp.
Ông Lê Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa cho hay, thời gian tới địa phương tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU liên quan đến các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 5.
Tiếp tục tăng cường tuyên truyền về chống khai thác IUU, trong đó tập trung tuyên truyền các quy định về xử lý hình sự liên quan đến hành vi vi phạm khai thác IUU tại Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để tạo sự chuyển biến về ý thức chấp hành pháp luật, răn đe, giáo dục; các điểm mới của Nghị định 37/2024/NĐ-CP; Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển và vùng nước tại các cảng cá, các khu neo đậu; xử phạt nghiêm 100% hành vi khai thác IUU, trong đó, lưu ý các trường hợp tàu cá (kể cả tàu cá tỉnh khác) kẻ số đăng ký, đánh dấu tàu cá không đúng quy định neo đậu tại vùng nước khu vực cảng cá, hành vi vi phạm về VMS,…