Nông thôn vẫn “khát” nước sạch
(PetroTimes) - Mùa hè năm nay câu chuyện người dân nông thôn “khát nước sạch” xảy ra khá phổ biến. Đây không phải chuyện mới mà nó diễn ra khá thường xuyên trong những năm qua. Vì sao vấn đề liên quan đến đời sống, sức khỏe con người lại chậm được khắc phục?
Ảnh minh họa. |
Khi hỏi chuyện các cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương thì thấy kế hoạch rất bài bản. Rằng, theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, các xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có tỉ lệ số hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt từ 45% trở lên. Trong số này, có từ 20% trở lên số hộ được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.
Những thông tin từ cơ quan có trách nhiệm cho hay, đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 97% người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, (57% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn). Còn Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính đến cuối năm 2023 cả nước có khoảng 18 nghìn công trình cấp nước nông thôn tập trung, cấp nước cho khoảng 32 triệu người dân.
Đấy là tiêu chí, đấy là kết quả, là mục tiêu phấn đấu. Tốt thôi! Được biết từ năm 2010 hầu hết các địa phương trong cả nước đều có chủ trương xã hội hoá việc cung cấp nước sạch bảo đảm sinh hoạt cho người dân nông thôn. Công việc này thường do các doanh nghiệp, các công ty cổ phần và tư nhân đảm nhiệm. Người dân ở nhiều nơi thâm sơn cùng cốc, biên giới phía Bắc, Tây nguyên cũng được dùng nguồn nước máy. Điện và nước đem văn minh về làng, điều đó ai cũng thừa nhận.
Nhưng trong thực tế thì, người dân ở một số nơi vẫn “bỏ tiền mua nước sạch để mang về... nước bẩn”. Mới đây chúng tôi về một xã nông thôn mới ở Bình Lục, Hà Nam, tận mắt chứng kiến thau nước lấy từ bể chứa nước “sạch” đen ngòm, có mùi tanh tưởi. Chủ nhà bảo rằng, dân ở đây đã kiện công ty nước sạch lâu rồi mà đâu vẫn hoàn đấy. Là vì công ty này lấy nước nguồn ở sông Châu, nước đã quá ô nhiễm. Chúng tôi ra bờ sông thì thấy mặt nước sông đục ngầu, những bè rác, xác động vật chết ùn ứ trên một khúc sông dài.
Tình hình nước bẩn ở nhiều nơi khác cũng “nóng” không kém. Người dân đang kêu cứu khắp nơi, như ở các xã Trà Giang, Quang Bình (huyện Kiến Xương, Thái Bình). Ông Nhà máy nước ở đây cho rằng, do nguồn nước thô bị ảnh hưởng, nhiễm mặn. Nguyên nhân khác là do... bồn chứa, téc nước nhà dân bị hỏng, bị han rỉ. Trong khi đó người tiêu dùng thì than trời, rằng họ đều mới mua bồn chứa bằng inox mới tinh. Lấy nước ra thau để khoảng 10 phút, cặn đã lắng nửa đốt ngón tay, kinh khiếp! Vậy thì đâu phải do... bồn.
Trong hai năm qua, không chỉ có một số xã ở Hà Nam, Thái Bình, mà nhiều nơi trong cả nước cũng trong tình trạng phải dùng nước bẩn. Xin dẫn ra một vài nơi: Hàng nghìn hộ dân ở thị trấn Kép (Lạng Giang, Bắc Giang); hơn 5.000 hộ dân các xã Cẩm Mỹ, Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh); hàng trăm hộ dân ở thị trấn Yên Thế (Lục Yên, Yên Bái)... đều cùng chung cảnh “vừa dùng nước bẩn vừa lo”. Dùng nước để tắm rửa cũng không yên tâm nói chi chuyện dùng để nấu cơm, chế biến thức ăn. Ai cũng lo nguy cơ phát sinh bệnh tật và lây nhiễm trong cộng đồng. Bà con đành phải tạm thời đào giếng khoan, hứng mưa theo cách truyền thống để lấy nước dùng.
Không chỉ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ngay tại các huyện ngoại thành Hà Nội cũng đang thiếu nước sạch, hoặc phải dùng nguồn nước không bảo đảm. Theo thống kê mới nhất, hiện còn 139 xã khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội chưa có nước sạch sinh hoạt. Khắc phục tình trạng này, Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới cấp nước, dự kiến 100% người dân sẽ có nước sạch sử dụng vào năm 2025.
Vậy là đang có khoảng cách giữa nói và làm, giữa báo cáo và thực tế. Tình trạng thả nổi việc kinh doanh, quản lý hệ thống nước sạch cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc một số đối tượng “nhờn luật”, coi thường pháp luật, hoặc có tâm lý làm ẩu, làm liều để trục lợi.
Cần có cuộc thanh tra toàn diện, đưa việc mua bán nước sạch vào nền nếp, xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp không trung thực, thậm chí lừa đảo khách hàng, không để lặp lại tình trạng nước sinh hoạt không bảo đảm vệ sinh kéo dài.
Chúng ta đã quan tâm kiểm tra, bảo đảm chất lượng nguồn thực phẩm thì không lẽ gì lại để tình trạng nguồn nước trở thành chất độc hại đầu tiên cho con người. Theo khuyến cáo của ngành y tế, dùng nước bẩn thường xuyên có rất nhiều tác hại, như nước có kim loại nặng dễ hình thành sỏi trong mật, thận. Hệ thần kinh trung ương bị nhiễm độc, tủy xương rối loạn hoạt động, gây tai biến não, cao huyết áp khi sử dụng nguồn nước nhiễm chì trong ăn uống. Nước chứa crom gây ung thư phổi, viêm gan, viêm thận. Nước bẩn chứa mangan làm hại thận, hệ thống tuần hoàn bị thương tổn, nhiễm độc nặng dẫn đến tử vong...
Có người nói mộc mạc, sử dụng nước bẩn sẽ dẫn tới “những cái chết được báo trước”. Đủ thấy tình hình không hề đơn giản như lời chối bỏ trách nhiệm của một số người kinh doanh nước sạch.
Hải Đường