11 tỉnh, thành phố miền Trung phối hợp quản lý tàu cá, chống khai thác IUU
Ngày 9/8 tại TP Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp giữa 11 tỉnh/thành phố trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển.
Bình Định sẽ thu hồi giấy phép tàu cá không lắp thiết bị giám sát hành trình |
Khắc phục các tồn tại, hạn chế của hệ thống giám sát hành trình tàu cá |
Hội nghị sơ kết công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển - Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Các địa phương chia sẻ thông tin về quản lý hoạt động tàu cá
Báo cáo tại hội nghị, ông Phan Văn Mỹ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng cho hay, sau gần 1 năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa UBND các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa và TP. Đà Nẵng trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển đến nay đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Một số địa phương đã phối hợp tốt trong công tác chia sẻ thông tin về quản lý hoạt động tàu cá như định kỳ lập và gửi danh sách tàu cá nguy cơ cao vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), tàu cá đăng ký tại địa phương đã mua bán, chuyển nhượng sang tỉnh khác; trao đổi thông tin tàu cá hoạt động tỉnh ngoài mất kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên biển trên 10 ngày, kết quả xử lý vi phạm hành chính đối với tàu cá địa phương khác; kết quả xử lý các vụ việc có liên quan đến tàu cá vi phạm khai thác IUU của địa phương, xác minh thông tin tàu cá của địa phương neo đậu dài ngày tại tỉnh khác…
Tính đến nay, tàu cá có chiều dài lớn từ 15 m trở lên của 11 tỉnh, thành phố đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 11.990/12.209 tàu cá (đạt tỉ lệ 98%).
Các địa phương đã xây dựng quy trình tiếp nhận xử lý thông tin tàu cá bị mất tín hiệu kết nối, vượt ranh giới cho phép trên biển. Thực hiện phân quyền sử dụng hệ thống giám sát tàu cá và tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá.
Ban Quản lý cảng cá các địa phương đã ban hành quy trình kiểm soát tàu cập cảng, rời cảng và giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; giám sát sản lượng đối với 100% tàu cá, thu nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải.
Từ tháng 10/2023 đến tháng 7/2024 đã thực hiện cấp 1.075 giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác với tổng sản lượng 28.009 tấn và 826 chứng nhận thủy sản khai thác với tổng sản lượng hơn 20.043 tấn; chưa phát hiện các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu vi phạm khai thác IUU.
Cũng theo ông Phan Văn Mỹ, hiện vẫn còn xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài tại một số địa phương. Các địa phương đã xử phạt 639 lượt tàu cá với tổng số tiền trên 22 tỷ đồng.
Đến nay, các địa phương vẫn chưa hoàn thành được việc cấp đăng ký tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đăng kiểm tàu cá và thực hiện lắp thiết bị giám sát hành trình cho 100% tàu cá vùng khơi. Còn 219 tàu cá chưa lắp VMS.
Việc kiểm soát tình trạng tàu cá của địa phương đến hoạt động khai thác thủy sản tại địa bàn tỉnh bạn còn thiếu thông tin, gặp khó khăn trong công tác quản lý, đặc biệt là tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 15 m và tàu cá từ 15 m trở lên.
Tàu cá ngư dân cập cảng sau chuyến đánh bắt dài ngày trên biển - Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Kiến nghị thí điểm lắp đặt VMS đối với nhóm tàu cá có chiều dài từ 12 m đến dưới 15m hoạt động nghề câu mực
Thời gian tới, các địa phương miền Trung sẽ tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ các tàu cá không đủ điều kiện hoạt động; ngăn chặn kịp thời các tàu cá có biểu hiện nghi vấn tổ chức đi khai thác hải sản và xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá cố tình đi khai thác khi chưa có đầy đủ giấy tờ theo quy định.
Tập trung làm việc với từng chủ tàu để hỗ trợ thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá, lắp đặt VMS, đảm bảo 100% tàu cá tham gia hoạt động đánh bắt thủy sản phải được đăng ký, đăng kiểm và có giấy phép khai thác thủy sản. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng cá, không để xảy ra các vụ việc vi phạm hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Để thực hiện có hiệu quả công tác chống khai thác IUU, đặc biệt là ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, các địa phương cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT cho chủ trương thí điểm lắp đặt VMS đối với nhóm tàu cá có chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m hoạt động nghề câu mực để giám sát, kịp thời ngăn chặn tình trạng ngư dân đưa tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Đồng thời chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm đối với các tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển tại các vùng biển giáp ranh để kịp thời bảo vệ, ngăn chặn và xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục Trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Phú Quốc nhấn mạnh, công tác chống khai thác IUU, gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) là nhiệm vụ cần sự chung tay, phối hợp của bộ, ngành, đơn vị, các địa phương và ngư dân cả nước.
"Về tàu cá 3 không, nếu có một đơn vị, một địa phương nào không làm quyết liệt thì những địa phương khác làm quyết liệt cũng trở thành bằng không. Do đó có chủ trương quán triệt thì tất cả các địa phương cần phải quyết tâm, cương quyết như nhau, không để xảy ra tình trạng tỉnh này không cho tàu vào cảng thì sẽ sang tỉnh khác hoạt động", ông Nguyễn Phú Quốc nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Phú Quốc cũng đề nghị các địa phương xem xét, có kiến nghị với Bộ NN&PTNT về việc phối hợp tuần tra chung ở vùng lộng; đánh giá toàn bộ tỉ lệ mất kết nối VMS của các nhà cung cấp để có cơ sở xác minh, xử lý đúng đối tượng…