MBBank "đổ" gần 37.000 tỷ đồng vào chứng khoán đầu tư
(PetroTimes) - Trong 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận sau thuế tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank, mã CK: MBB) đạt hơn 10.726 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, ngân hàng "rót" gần 37.000 tỷ đồng vào chứng khoán đầu tư.
MBBank "đổ" gần 37.000 tỷ đồng vào chứng khoán đầu tư (Ảnh minh họa) |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, MBBank ghi nhận hơn 10.531 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 11% so với cùng kỳ.
Trong quý II/2024, các nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng tốt gồm: Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.354 tỷ đồng, tăng 57%; Mua bán chứng khoán kinh doanh lãi 447 tỷ đồng, cao gấp 3,6 lần so với quý II/2023; Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư và góp vốn đạt hơn 346 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ; Lãi từ hoạt động kinh doanh khác cũng tăng mạnh 65% so với cùng kỳ, lên mức hơn 1.035 tỷ đồng; Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt hơn 393 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong khi đó, các khoản chi phí tại MBBank tăng so với cùng kỳ như chi phí hoạt động hơn 4.490 tỷ đồng, tăng gần 9%; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng đến 67% lên gần 2.006 tỷ đồng.
Dù chi phí tăng cao song MBBank vẫn báo lãi sau thuế quý II/2024 gần 6.102 tỷ đồng, tăng 22%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, thu nhập lãi thuần tại MBBank đạt 19.593 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 19.708 tỷ đồng trong quý II/2023. Trong cơ cấu thu nhập lãi thuần, thu nhập lãi và các khoản tương tự đạt 33.213 tỷ đồng, giảm 4,7% so với cùng kỳ; chi phí lãi và các khoản tương tự cũng giảm 9,9% xuống còn 13.620 tỷ đồng.
Tổng thu nhập lãi của MBBank giảm gần 5% trong bối cảnh tổng dư nợ cho vay khách hàng đến 30/6/2024 đạt 673.799 tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm đầu năm. Chi phí lãi cũng giảm 10% trong bối cảnh tổng tiền gửi khách hàng tính đến 30/6/2024 tăng 9% lên mức 618.617 tỷ đồng.
Có thể thấy, việc hạ lãi suất huy động đã kéo lãi suất cho vay giảm theo khiến hoạt động kinh doanh cốt lõi tại MBBank bị ảnh hưởng. Do đó, thu nhập lãi thuần giảm nhẹ trong 6 tháng đầu năm.
Trong 6 tháng đầu năm, MBBank cũng đã phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 4.700 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 10.726 tỷ đồng, chỉ tăng trưởng nhẹ 5% so với cùng kỳ.
Về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm 2024, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 13.500 tỷ đồng, con số này đã có cải thiện so với mức âm hơn 23.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý II/2024 tại MBBank. |
Đáng chú ý, tính đến 30/6/2024, MBBank còn “đổ” gần 167.200 tỷ đồng vào chứng khoán đầu tư, tăng 13% so với đầu năm. Trong đó, có hơn 5.013 tỷ đồng chứng khoán đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn và 162.163 tỷ đồng chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán.
Trong cơ cấu chứng khoán đầu tư, MBBank có hơn 36.913 tỷ đồng chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành, giảm 4% so với đầu năm. Theo thuyết minh, chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành bao gồm các trái phiếu có kỳ hạn từ 3 đến 16 năm và có lãi suất từ 6,1%/năm đến 11,6%/năm.
Tại Hội nghị nhà đầu tư cập nhật kết quả kinh doanh và triển vọng tăng trưởng 2024 của MBBank diễn ra ngày 5/8 vừa qua, bà Phạm Thị Trung Hà - Phó Tổng Giám đốc MBBank cho biết, nợ cơ cấu theo Thông tư 02 của MBBank chiếm 0.59% dư nợ cho vay và trái phiếu của MBBank. Dự thu rất nhỏ, không ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng. Quy mô cơ cấu nợ theo Thông tư 02 khá nhỏ. Nợ xấu MBBank đến 30/06/2024 đến từ nhiều khách hàng, bình quân khoản vay nợ xấu khá nhỏ, đến từ KHCN là chính chiếm khoảng 80%, còn 20% đến từ KHDN (dàn trải ở nhiều khách hàng SME). |
Huy Tùng - Hoàng Trang