Di tích Hải Vân Quan và An Lăng sẽ mở cửa đón khách tham quan từ tháng 8/2024
(PetroTimes) - Ngày 29/7, theo thông tin từ lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, 2 di tích Hải Vân Quan và An Lăng sẽ bắt đầu mở cửa đón khách tham quan từ tháng 8/2024 sau thời gian dài trùng tu.
Theo đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng đã thống nhất phương án mở cửa đón khách tham quan miễn phí đối với di tích Hải Vân Quan từ ngày 1/8/2024 cho đến khi thống nhất được việc xây dựng bảng giá vé phù hợp cho di tích này.
Di tích Hải Vân Quan. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) |
Di tích Hải Vân Quan được xây dựng từ đời nhà Trần và được trùng tu dưới thời vua Minh Mạng (1826) dưới dạng cửa ải phòng thủ. Công trình nằm ở độ cao 490 m so với mực nước biển trên vùng giáp ranh giữa thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
Đây là di tích có nhiều giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, không chỉ là vị trí phòng thủ quan trọng của cửa ngõ phía Nam Kinh thành Huế mà còn là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam. Ngày 14/4/2017, di tích Hải Vân Quan đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia (loại hình di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật).
Trước đó, vào tháng 12/2021, dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan được khởi công nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng.
Dự án do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Đà Nẵng là 50% và ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế là 50% trên tổng mức đầu tư. Đến nay, việc tu bổ di tích Hải Vân Quan đã hoàn thành và sẵn sàng mở cửa đón khách tham quan.
Cũng theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, từ ngày 1/8/2024, đơn vị sẽ mở cửa đón khách đối với di tích An Lăng. Tọa lạc ở phường An Cựu, TP Huế, di tích An Lăng được xây dựng vào năm 1889, hiện là nơi an táng của 3 vị vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân.
So với lăng tẩm khác của các vua nhà Nguyễn, An Lăng có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn. Tuy nhiên, nơi đây vẫn mang trong mình nét đặc trưng của kiến trúc nhà Nguyễn. Công trình này đã được công nhận là Di tích cấp Quốc gia (loại hình kiến trúc nghệ thuật) theo Quyết định số 2890-VH/QĐ ngày 27/9/1997 của Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Vào năm 2019, toàn bộ hệ thống kiến trúc của di tích này đã được tiến hành trùng tu với tổng vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng.
T.T