Tăng cường phối hợp bảo đảm nhiên liệu cho sản xuất điện
(PetroTimes) - Trao đổi với PetroTimes, ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, để bảo đảm sử dụng điện an toàn, hiệu quả, EVN sẽ huy động tối ưu các nguồn điện, tăng cường phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nhằm bảo đảm cung ứng nhiên liệu cho sản xuất điện trong mùa nắng nóng năm 2024.
Ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam |
PV: Ông nhận định thế nào về nhu cầu sử dụng điện trong mùa nắng nóng năm 2024?
Ông Trần Viết Nguyên: Như chúng ta biết, vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng sử dụng điện cho các thiết bị làm mát, điều hòa không khí thường tăng cao. Tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc tháng 5-2024 tăng 13,78% so với cùng kỳ (tháng 5-2023). Lũy kế 5 tháng, điện tiêu thụ toàn quốc tăng 14,18% so cùng kỳ (5 tháng đầu năm 2023), trong đó điện tiêu thụ khu vực miền Bắc tăng 15,28%, miền Trung tăng 17,21% và miền Nam tăng 12,91%.
Dự báo các tháng tiếp theo (tháng 6 và tháng 7) nền nhiệt vẫn tiếp tục tăng cao và kéo dài nhiều ngày, điều này dẫn tới nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao. Dự báo nhu cầu điện toàn quốc có thể tăng trên 13% so với cùng kỳ, riêng khu vực miền Bắc có thể tăng trên 17%.
PV: Trước những nhận định trên, EVN đã có giải pháp vận hành hệ thống điện như thế nào để cung cấp điện an toàn, ổn định, thưa ông?
Ông Trần Viết Nguyên: Để chủ động trong việc bảo đảm cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt tại khu vực miền Bắc trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024, EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia tính toán lập phương thức, điều hành hệ thống điện và thị trường điện tối ưu; xây dựng các kịch bản cung ứng điện, cập nhật các yếu tố về sản xuất điện, nhu cầu phụ tải, diễn biến thủy văn để chủ động lập và điều chỉnh kế hoạch vận hành hệ thống điện.
Bên cạnh đó, huy động tối ưu các nguồn điện, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc và điều tiết giữ nước các hồ thủy điện ở mức nước cao để chuẩn bị cung ứng điện cho cả mùa khô năm 2024.
Chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, các tổng công ty điện lực (TCTĐL) vận hành an toàn, tin cậy hệ thống lưới điện; chuẩn bị đủ vật tư thiết bị dự phòng. Chủ động phát hiện, khắc phục, ngăn ngừa sự cố, nâng cao độ tin cậy và giảm tổn thất điện năng; tăng cường giám sát và tuân thủ kỷ luật vận hành.
Các TCTĐL, công ty điện lực (CTĐL) chủ động theo dõi diễn biến, bám sát phát triển kinh tế xã hội địa phương, phân tích cơ cấu, tỷ trọng thành phần phụ tải, dự báo nhu cầu điện để xây dựng kịch bản cung cấp điện mùa khô, kế hoạch cung cấp điện hằng tháng/quý.
Đàm phán để tăng cường nhập khẩu điện từ các quốc gia lân cận, trong đó tiếp tục đàm phán với các đối tác tại Lào để tăng nhập khẩu điện về Việt Nam qua khu vực Nghệ An, Quảng Trị.
Ngoài ra, EVN phối hợp chặt chẽ với Petrovietnam, TKV để bảo đảm nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện.
EVN phối hợp với Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) để cung cấp khí hóa lỏng (LNG) cho Nhà máy điện Phú Mỹ 3 |
PV: Cụ thể, EVN đã phối hợp với Petrovietnam và TKV như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Viết Nguyên: EVN đã chỉ đạo các tổng công ty phát điện và các nhà máy điện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Petrovietnam, TKV, Tổng công ty Đông Bắc và chủ đầu tư các nguồn điện khác để bảo đảm cung ứng nhiên liệu cho sản xuất điện.
Trong bối cảnh nguồn khí tự nhiên trong nước suy giảm, EVN đã phối hợp với Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) để cung cấp khí hóa lỏng (LNG) cho Nhà máy điện Phú Mỹ 3 và đã vận hành từ ngày 11-4-2024.
PV: Vậy còn việc đầu tư xây dựng các dự án và tuyên truyền thực hiện tiết kiệm điện, điều chỉnh phụ tải, EVN thực hiện như thế nào?
Ông Trần Viết Nguyên: Về đầu tư xây dựng, EVN quyết liệt thực hiện đầu tư xây dựng các dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm tiến độ các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm, trong đó:
Hoàn thành dự án Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Ialy mở rộng vào cuối năm 2024, dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng trong năm 2025, NMNĐ Quảng Trạch I trong năm 2026. Khởi công dự án NMTĐ Trị An mở rộng, Thủy điện tích năng Bác Ái... cuối năm 2024.
Tập trung mọi nguồn lực để thi công đường dây 500kV mạch 3 (từ Quảng Trạch đến Phố Nối) với mục tiêu hoàn thành đúng tiến độ và các công trình lưới điện đồng bộ nguồn điện và cấp điện cho các khu vực phụ tải lớn…
Khẩn trương hoàn thành các công trình lưới điện để tăng cường nhập khẩu điện từ Lào (như dự án đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống và trạm cắt 220kV Đăk Ooc, đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ).
Về tuyên truyền thực hiện tiết kiệm điện, điều chỉnh phụ tải, EVN đang tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện, trong đó tập trung thực hiện các biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng nhóm khách hàng sử dụng điện. Các TCTĐL đã thực hiện: ký cam kết tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg được với 1.376.564 khách hàng (Hành chính sự nghiệp; chiếu sáng công cộng; sản xuất công nghiệp và Thương mại - Dịch vụ); ký kết thỏa thuận tham gia điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại - DR (theo Thông tư số 23/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương) với 17.383 khách hàng; ký cam kết với 13.360 khách hàng (có mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên) dịch chuyển phụ tải điện.
Phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan, công sở để thực hiện nghiêm và hiệu quả các chương trình, giải pháp tiết kiệm điện tối thiểu đạt mục tiêu theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8-6-2023 của Thủ tướng Chính phủ. Lãnh đạo Tập đoàn và lãnh đạo các TCTĐL/CTĐL đã trực tiếp làm việc, báo cáo với HĐND, UBND, sở ban ngành các tỉnh/thành phố về công tác bảo đảm cung ứng điện năm 2024 và kiến nghị các giải pháp tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg và các chương trình quản lý phía nhu cầu (điều chỉnh phụ tải điện DR, dịch chuyển phụ tải, huy động máy phát điện diesel).
Tập đoàn và các TCTĐL đã tổ chức các chương trình tuyên truyền sâu rộng về các chương trình tiết kiệm điện như: Tọa đàm về tiết kiệm điện mùa nắng nóng 2024 (khu vực miền Nam và miền Bắc), Hội nghị khách hàng trọng điểm 27 tỉnh miền Bắc; phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị toàn quốc về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn nhu cầu điện tăng cao 2024; phát động các cuộc thi về tiết kiệm điện với chủ đề “tiết kiệm điện thành thói quen”, “gia đình tiết kiệm điện”; phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ Công Thương tổ chức Giải báo chí tuyên truyền tiết kiệm điện năm 2024; làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước để thông tin về tình hình cung ứng điện và các giải pháp bảo đảm điện năm 2024.
PV: Để tiết kiệm điện hiệu quả trong mùa nắng nóng, EVN đã có khuyến cáo gì tới các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình?
Ông Trần Viết Nguyên: Thực hiện triệt để sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm theo Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 8-5-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025, trong đó lưu ý các giải pháp chính như:
Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thương mại - dịch vụ bố trí dây chuyền sản xuất hợp lý để hạn chế dùng điện nhiều vào giờ cao điểm của hệ thống điện, tranh thủ sản xuất vào các khung giờ thấp điểm để giảm chi phí tiền điện cũng như góp phần ổn định vận hành hệ thống điện, hạn chế các sự cố lưới điện; tham gia tích cực vào các chương trình quản lý phía nhu cầu điện do công ty điện lực phát động như: dịch chuyển phụ tải điện; điều chỉnh phụ tải điện, tiết kiệm điện…
Các hộ gia đình áp dụng triệt để các giải pháp sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm như: tắt khi không sử dụng; sử dụng các thiết bị điện có dán nhẵn năng lượng (càng nhiều sao càng tiết kiệm); đặt nhiệt độ điều hòa từ 26 độ C, vệ sinh định kỳ các thiết bị điện nhằm tăng hiệu suất, kéo dài tuổi thọ thiết bị và tiết kiệm điện; sử dụng điện theo 4 nguyên tắc: đúng chỗ, đúng cách, đúng lúc và đúng nhu cầu, biến tiết kiệm điện thành thói quen hằng ngày…
Ông Trần Viết Nguyên trình bày kế hoạch tiết kiệm điện giai đoạn 2023 -2025 |
PV: EVN đã rút ra các bài học kinh nghiệm gì sau những khó khăn về cung cấp điện của mùa khô năm 2023?
Ông Trần Viết Nguyên: Năm nay, EVN sẽ tập trung vào 3 giải pháp để cung cấp điện hiệu quả hơn. Thứ nhất, chuẩn bị tốt hơn nữa trong công tác vận hành: phối hợp chặt chẽ với TKV, Petrovietnam, Tổng công ty Đông Bắc trong bảo đảm nhiên liệu than, khí cho các nhà máy điện; hạn chế tối đa sự cố, tăng khả dụng của các nhà máy điện, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện, để huy động tối đa vào các tháng mùa khô, cao điểm nắng nóng.
Thứ hai, tăng cường hơn công tác thông tin, truyền thông cho khách hàng dùng điện về tình hình cung ứng điện, đặc biệt là những thời điểm khó khăn của hệ thống để khách hàng chủ động trong sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm. Thực tế, năm 2023, các giải pháp tiết kiệm điện phía khách hàng rất ý nghĩa, đóng góp phần lớn vào các giải pháp bảo đảm cung ứng điện, có những cơ quan, công sở đã thực hành tiết kiệm điện được 30-40% điện năng tiêu thụ.
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan, công sở để thực hiện nghiêm và hiệu quả các chương trình, giải pháp tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8-6-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025. Lãnh đạo Tập đoàn và lãnh đạo các TCTĐL, CTĐL đã trực tiếp báo cáo với HĐND, UBND, sở ban ngành các tỉnh, thành phố về công tác bảo đảm cung ứng điện nhằm tạo sự đồng thuận, hỗ trợ, chỉ đạo từ UBND tỉnh, thành phố trong công tác điều hành cung ứng điện trên địa bàn (đặc biệt trong tình huống nhiều khó khăn có thể xảy ra).
PV: Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều khuyến cáo, hướng dẫn về sử dụng điện an toàn, song việc quá tải, chập/cháy… dẫn đến tai nạn, cháy nhà, cháy xưởng sản xuất… vẫn còn. Vậy theo ông, những nguyên nhân này là do đâu và EVN có khuyến cáo gì tới khách hàng sử dụng điện?
Ông Trần Viết Nguyên: Như chúng ta biết, những năm gần đây, tình hình cháy, nổ trên cả nước diễn biến phức tạp, ngày càng gia tăng về số vụ cháy, số người chết, bị thương và tài sản thiệt hại. Trong đó, nguyên nhân phát sinh cháy, nổ do hệ thống điện gây ra chiếm hơn 50% tổng số vụ cháy.
Theo điều tra của lực lượng chức năng, tình trạng quá tải hệ thống khi sử dụng dây dẫn có tiết diện không phù hợp, không lắp thiết bị bảo vệ, mối nối, điểm tiếp xúc kém dẫn đến chạm chập điện… là những nguyên nhân gây ra nhiều sự cố cháy, nổ với hậu quả nghiêm trọng. Để chủ động ngăn ngừa các sự cố cháy, nổ do việc sử dụng điện và các loại thiết bị điện gây ra, chúng tôi khuyến cáo người dân cần chú ý thực hiện một số biện pháp sau:
Hệ thống điện, dây dẫn điện phải có tiết diện và cách điện phù hợp, đáp ứng được công suất của các thiết bị sử dụng điện; có thiết bị đóng, ngắt, bảo vệ cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng phòng, từng khu vực và các thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn; cầu dao, aptomat nên lắp đặt tại vị trí dễ thấy, thuận tiện cho việc ngắt điện; đường dây dẫn điện phải được đi trong ống gel bảo vệ.
Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng đối với hệ thống điện, khi phát hiện các điểm mất an toàn, các điểm bất thường (dây dẫn điện bị nứt, đổi màu, đứt gẫy; các thiết bị đóng cắt, bảo vệ hoạt động kém, thường xuyên xảy ra phóng điện tại các tiếp điểm; các ổ cắm, mối nối, các điểm tiếp xúc, công tắc điện bị oxy hóa gây ra hiện tượng phóng điện, dò điện…) phải kịp thời sửa chữa hoặc thay thế để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn về điện, phòng chống cháy nổ.
Hạn chế việc sử dụng các thiết bị điện có công suất cao trong cùng một thời điểm; đặc biệt, không cắm đồng thời nhiều thiết bị điện có mức tiêu thụ điện lớn trên cùng một ổ cắm; hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện trong giờ cao điểm; không sạc pin các thiết bị qua đêm; không nên vừa sạc, vừa sử dụng điện thoại, ipad…; tắt các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết khi không sử dụng. Ngoài ra, cần bố trí tách biệt hệ thống điện của khu vực sản xuất, kinh doanh với các khu vực khác của nhà ở, sinh hoạt và kiểm tra.
Mạnh Tưởng (thực hiện)