Những kỷ niệm tác nghiệp ở Trường Sa
(PetroTimes) - Hải trình đến với các đảo trên quần đảo Trường Sa rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Chúng tôi đi qua nhiều đảo, từ các đảo chìm đến các đảo lớn để mục sở thị công việc của những người ngày đêm canh giữ biển trời cho Tổ quốc. Có những cung đường khó khăn như lên nhà giàn, cả phóng viên, biên tập viên và quay phim giữ gìn máy móc hơn cả bản thân mình.
Những ngày lênh đênh trên biển, nắng gắt đã mệt nhưng nếu gặp phải thời tiết xấu như mưa giông thì quả là một “cực hình” bởi nhiều đại biểu từ đất liền sẽ lử đử vì say sóng. Và có lẽ vì thế nhiều nhà báo khi lên đảo tác nghiệp vẫn nguyên cảm giác lắc lư như đang trên... tàu.
Vậy nhưng, với họ, để có thể truyền tải được những hình ảnh chân thực về cuộc sống của quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió đến với nhân dân cả nước thì những vất vả ấy chẳng thấm vào đâu. Dù đã đi 2 năm liền, nhưng với tôi, mỗi lần là một cảm giác khác nhau, đều hồi hộp, háo hức và tự hào.
Trong chuyến hải trình cùng Đoàn công tác số 18 tới quần đảo Trường Sa, đoàn công tác phóng viên, báo chí có những người lần đầu đi Trường Sa nên không tránh khỏi bị say tàu. Nhưng vượt lên tất cả, khi đáp vào các đảo, mọi người đều cố gắng với tinh thần cao nhất để tác nghiệp.
Phóng viên truyền hình Quân đội Nhân dân tác nghiệp tại Trường Sa. |
Các phóng viên truyền hình di chuyển vất vả với nhiều thiết bị khác nhau như máy quay, micro, gimbal,... Bởi thế, những biên tập viên nữ chân yếu tay mềm cũng phải gánh vác trách nhiệm khuân đồ cùng quay phim. Họ phải rất khẩn trương tác nghiệp để có nhiều khung hình đẹp và đầy đủ nhất, bởi thời gian trên đảo khá eo hẹp. Hay khi lên ca nô để di chuyển vào đảo và khi trở lại tàu sẽ rất vất vả, nguy hiểm với lỉnh kỉnh đồ đạc tác nghiệp mang theo, đặc biệt khi sóng to trào lên mạn tàu.
Nhà báo Nguyễn Hiển tác nghiệp trên hải trình đến với Trường Sa và nhà giàn DK1. |
Nhà báo Nguyễn Hiển - Tạp chí Năng Lượng Mới/PetroTimes cho hay, trong sự nghiệp làm báo, dù được đi tác nghiệp ở nhiều nơi, nhưng lần đầu được đi và đặt chân tới Trường Sa - nơi một phần máu thịt của Tổ quốc, anh lại tranh thủ tối đa thời gian trò chuyện cùng những người lính và người dân trên đảo để phản ánh đầy đủ cuộc sống ở đây tới độc giả.
Và riêng với bản thân tôi thì tác nghiệp ở Trường Sa - nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc đã để lại cảm xúc thiêng liêng đến lạ kỳ. Những người lính đảo có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên cường trước muôn trùng sóng gió để bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chính họ đã tạo động lực, là điểm tựa cho tất cả chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm, làm tốt công việc của mình để thấy trân trọng và yêu quý hơn công việc mình đã chọn.
Tôi đã được đặt chân đến nhiều nơi, nhưng hải trình đến với Trường Sa là một vinh dự, một niềm tự hào lớn, là chuyến đi của cuộc đời. Và đã hơn một lần được đặt chân tới Trường Sa, với cá nhân tôi, đó thực sự là may mắn, là nhân duyên.
Những kỷ niệm đã lắng đọng lại trong hải trình của tôi, đó là những cảm xúc rất đỗi chân thực và thiêng liêng khi tham dự lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988. Đây là lần thứ 2 dự lễ tưởng niệm, nhưng sự xúc động vẫn dâng trào trong tôi như lần đầu tham dự, tôi không sao kìm nén được những giọt nước mắt của mình...
Đó còn là tiếng hát thắm tình quân dân của đội văn công trường Đại học Văn hóa Hà Nội, của đội văn nghệ xung kích Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chúng tôi, của các chiến sĩ hải quân cứ vang vọng những nhạc phẩm đong đầy niềm tự hào, thắm thiết tình quân dân... Có không ít ca từ mà mỗi người đến với Trường Sa cũng đã thuộc nằm lòng “Tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình/Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa, dội vào ghềnh đá/Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả/Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới bủa vây... Sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc/Triệu triệu mỗi người thao thức tiếng Việt Nam”.
Hay khi chứng kiến chị đồng nghiệp mang vác nguyên một ba lô với máy chụp, máy in ảnh lên các điểm đảo và khi nhìn thấy sự ngạc nhiên và thích thú của các chiến sĩ khi xem lại các tấm hình của mình.
Chị Hương Giang đến từ Hà Nội chụp hình và in tặng các chiến sĩ trên các điểm đảo. |
Chị Hương Giang đến từ Hà Nội chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến với Trường Sa, trước khi đến với Trường sa tôi đã được xem rất nhiều bức ảnh chụp các chiến sĩ với nụ cười “tỏa nắng”. Tôi cảm thấy rất vui và lần này tôi mang theo một món quà nhỏ dành tặng bộ đội Trường Sa, đó là những tấm ảnh kỷ niệm chụp và in ngay tại đảo”.
Chị Hương Giang tặng ảnh cho các chiến sĩ KN-390 và đoàn nhà báo chúng tôi. |
Mỗi bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc sống hàng ngày của các chiến sĩ trên biển, ngắm những nụ cười trên khuôn mặt của những người lính khi nhận được những tấm ảnh là niềm hạnh phúc cho người cầm máy, chị Hương Giang chia sẻ thêm.
Đã hơn 1 tháng kể từ ngày rời tàu KN-390 (ngày 16/5/2024), tôi vẫn có cảm giác như mới ngày hôm qua. Mỗi sớm thức dậy, bên tai vẫn văng vẳng tiếng phát thanh: “Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu” như vẫn đều đặn vang lên vào lúc 5h30 phút trên tàu; rồi tiếng sóng biển, tiếng gió và cả nhạc hiệu đầy cảm xúc của ca khúc “Bâng khuâng Trường Sa” vang lên..., trái tim mỗi người trong Đoàn công tác chúng tôi đều xốn xang.
Tham gia vào hải trình đến với Trường Sa, tôi ấn tượng khi có một buổi họp báo lúc 14h chiều của Đoàn công tác số 18 trong ngày đầu tiên lên tàu KN-390. Giữa biển khơi, khi tàu mới đi được mấy tiếng đồng hồ, mọi người còn chưa quen với việc lênh đênh trên biển, cảm giác trong một phòng họp báo bồng bềnh theo sóng nước khiến hầu hết phóng viên đều cảm thấy lâng lâng.
Vượt ngàn hải lý đến với Trường Sa, mỗi ngày các phóng viên trong Đoàn công tác đều dậy từ 5h sáng, chuẩn bị thiết bị tác nghiệp. Họ là những người lên đảo sớm nhất và rời đảo sau cùng để có thể ghi lại trọn vẹn những khoảnh khắc quý giá về cuộc sống, tâm tư tình cảm của quân và dân nơi hải đảo xa xôi, tình cảm của đại biểu.
Là một người tham gia vào Đoàn công tác, tôi cảm nhận được tinh thần hối hả của các nhà báo khi đến với Trường Sa. Chúng tôi luôn tranh thủ từng phút để tác nghiệp, để đưa Trường Sa đến gần hơn với đất liền. Cánh nhà báo luôn nỗ lực để có những bài viết, những hình ảnh, thước phim chứa đầy cảm xúc, góp phần chia sẻ cho độc giả, khán giả bức tranh chân thật, sinh động về cuộc sống, chiến đấu và tình cảm quân và dân nơi đảo xa.
Sau mỗi chuyến lên đảo, về tàu, trong khi các đại biểu có thể nghỉ ngơi, giao lưu, thì các phóng viên lại tiếp tục công việc làm bản tin phát thanh trên tàu với những dữ liệu cập nhật về hành trình, tình cảm của thành viên Đoàn công tác với chiến sĩ, với biển đảo quê hương...
Nhiều chuyến tàu đến với Trường Sa do Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Quốc phòng tổ chức hiện nay thường có đội ngũ nhà báo, phóng viên tham gia cùng. Họ là những người đồng hành để cho ra những sản phẩm phản ánh sinh động thực tế, để Trường Sa gần hơn với đất liền, thông tin ngày ngày được đăng tải đều đặn bởi báo chí luôn là những nhịp cầu nối những bờ vui.
Các phóng viên và đại biểu chụp hình kỷ niệm cùng các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn Đông. |
Về tới đất liền với những bộn bề công việc nhưng chúng tôi vẫn lưu trong tim những tình cảm của Đoàn công tác suốt hải trình: “Toàn tàu chú ý, Toàn tàu chú ý đã đến giờ xuất phát lên đảo! Toàn tàu chú ý Thủ trưởng rời tàu... Mạn trái chào đảo,...”
Sẽ mãi là những kỷ niệm đáng nhớ khi được tác nghiệp tại Trường Sa. |
Sau chuyến đi đặc biệt này, được chứng kiến, ghi lại cảm xúc của các đại biểu trong Đoàn công tác mỗi khi lên thăm đảo, được sống trong những phút giây thiêng liêng, nghe chính những cán bộ, chiến sĩ của Hải quân Việt Nam đang canh giữ biển đảo Tổ quốc chia sẻ những tâm sự, những câu chuyện nơi đảo xa, mỗi chúng tôi luôn tự hứa sẽ tiếp tục rèn luyện và học tập để góp phần giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và sẽ tiếp tục làm nhịp cầu nối liền thông tin giữa đảo xa với đất liền để mỗi người Việt Nam thêm tự hào về biển đảo quê hương, chung sức, đồng lòng bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.
An Nhiên