Gói trừng phạt thứ 14 đối với Nga chính thức được phê duyệt vào ngày 24/6
(PetroTimes) - Các nước thuộc Liên minh Châu Âu đã đồng ý về gói trừng phạt thứ 14 chống lại Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, lần đầu áp đặt những hạn chế đối với khí đốt của Nga, các nhà ngoại giao cho biết hôm thứ Năm 20/6.
Anh có thể bơm dầu và khí đốt nhiều hơn gần 30% so với dự kiến |
Năm động lực đang tác động đến thị trường khí đốt châu Âu |
Các đường ống dẫn khí tại trạm máy nén Atamanskaya, cơ sở thuộc dự án Power Of Siberia 1 của Gazprom bên ngoài thị trấn Svobodny viễn đông, thuộc vùng Amur, Nga. Ảnh Reuters |
Gói này cấm tái xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga trong vùng biển EU, nhưng không cấm nhập khẩu như EU đã làm vào năm 2022 đối với dầu bằng đường biển của Nga. Một số nước EU vẫn nhập khẩu khí đốt qua đường ống từ Nga qua Ukraine.
Tuy nhiên, các chuyên gia thị trường khí đốt cho rằng biện pháp này sẽ có ít tác động, vì việc vận chuyển khí đốt qua các cảng của EU tới châu Á chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng xuất khẩu LNG của Nga.
Các nhà ngoại giao cho biết gói này cũng trừng phạt ba dự án LNG của Nga, và bao gồm một điều khoản để cho phép Thụy Điển và Phần Lan hủy hợp đồng LNG của Nga.
Bỉ, nước giữ chức chủ tịch luân phiên EU cho đến ngày 1 tháng 7, cho biết trên nền tảng truyền thông xã hội X rằng gói này "tối đa hóa tác động của các biện pháp trừng phạt hiện có bằng cách thu hẹp các lỗ hổng".
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: "Gói tác động nặng nề này sẽ tiếp tục ngăn cản Nga tiếp cận các công nghệ quan trọng. Gói này sẽ tước đi nguồn thu từ năng lượng của Nga."
Các quốc gia đã tranh luận về biện pháp mới này trong hơn một tháng.
Gói này cũng thắt chặt các biện pháp chống lại đội tàu bóng đêm – đội tàu vận chuyển dầu của Nga có giá vượt mức trần do G7 đặt ra. Các nhà ngoại giao cho biết các nước EU đã bổ sung các tàu chở dầu, cũng như ít nhất hai tàu thuộc sở hữu của Nga đang vận chuyển thiết bị quân sự từ Triều Tiên vào danh sách các thực thể bị trừng phạt. Moscow và Bình Nhưỡng đã trở nên thân thiết hơn kể từ cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
Nhìn chung, 47 thực thể mới và 69 cá nhân đã được thêm vào danh sách trừng phạt của EU, nâng tổng số lên 2.200. Các nhà ngoại giao cho biết gói này dự kiến sẽ được chính thức phê duyệt khi các Bộ trưởng ngoại giao EU nhóm họp vào thứ Hai tuần tới (24/6).
Yến Anh