Liên Hợp Quốc kêu gọi cấm quảng bá năng lượng hóa thạch
(PetroTimes) - Có thể ví con người như "mối hiểm họa" đối với hành tinh, giống như "thiên thạch đã tiêu diệt khủng long", Tổng thư ký Liên hợp quốc hôm thứ Tư 5/6 nhận định khi thông báo số liệu về 12 tháng nóng nhất lịch sử của trái đất, đồng thời kêu gọi cấm quảng bá dầu, khí đốt và than đá, nguyên nhân chính của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh AFP |
Antonio Guterres nói trong bài phát biểu tại New York nhân Ngày Môi trường Thế giới: "Đối với vấn đề khí hậu, chúng ta không phải là khủng long. Chúng ta là thiên thạch. Chúng ta không chỉ gặp nguy hiểm mà còn là mối hiểm họa".
Nhận xét của ông đi kèm với việc công bố các cảnh báo khoa học mới nhất: Tháng 5/2024 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên thế giới, tháng thứ 12 liên tiếp phá kỷ lục, theo đài thiên văn Châu Âu Copernicus.
Và có 80% khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong một năm dương lịch sẽ "tạm thời" vượt quá mức tiền công nghiệp hơn 1,5°C vào năm 2028, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết thêm, khi chúng ta đang ở mức khoảng 1,2°C trong thập kỷ qua, theo một nghiên cứu cũng được hàng chục nhà khí hậu học nổi tiếng công bố hôm thứ Tư.
Những con số đáng báo động
Theo Copernicus, năm 2023, năm nóng nhất được ghi nhận, kết thúc với mức nhiệt độ bất thường là 1,48°C so với giai đoạn 1850-1900, dưới tác động của biến đổi khí hậu và sự nóng lên quá mức do hiện tượng El Nino mang lại.
Trong 12 tháng qua, nhiệt độ trung bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024 là +1,63°C, theo Copernicus, so với thời kỳ 1850-1900.
Các nhà khí hậu học cũng nhận thấy sự gia tăng của các đợt nắng nóng chết người, hạn hán và lũ lụt tàn khốc trên khắp thế giới. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong nhiều thiên niên kỷ.
Antonio Guterres nhắc lại: “Lượng khí thải toàn cầu phải giảm 9% mỗi năm cho đến năm 2030 để không vượt quá giới hạn 1,5°C”.
Đường tới địa ngục
Trong bối cảnh này, ông Antonio Guterres lấy làm tiếc khi cho rằng cuộc khủng hoảng khí hậu không còn là tâm điểm chú ý nữa. “Chúng ta không thể để những xung đột trên thế giới làm xao lãng mối đe dọa hiện hữu đối với nhân loại, đó là biến đổi khí hậu”.
Mục tiêu đầu tiên mà ông chỉ trích là lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí đốt), "nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu", những kẻ "thu lợi nhuận kỷ lục và ngốn hàng tỷ tiền trợ cấp".
“Tôi muốn kêu gọi tất cả các nước nên cấm quảng bá cho nhiên liệu hóa thạch”, giống như lệnh cấm đối với “các sản phẩm có hại cho sức khỏe con người, chẳng hạn như thuốc lá”, Antonio Guterres phát biểu.
Tổng thư ký khẳng định: “Đây là thời điểm quan trọng đối với khí hậu”, đồng thời kêu gọi “rời khỏi con đường dẫn đến địa ngục” khi các nước trên thế giới phải đệ trình các mục tiêu mới vào đầu năm 2025 để giảm phát thải khí nhà kính.
Tổng thư ký cũng lặp lại lời kêu gọi đánh thuế lợi nhuận vào ngành nhiên liệu hóa thạch để tài trợ cho cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu, đồng thời đề cập nhưng không nêu rõ ý tưởng của mình, "thuế đoàn kết" đối với hàng không và vận tải biển.
Ông nói: “Ngay cả khi lượng khí thải giảm xuống 0 vào ngày mai, một nghiên cứu gần đây cho thấy biến đổi khí hậu sẽ gây thiệt hại ít nhất 38 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năm 2050”. Theo tính toán của các chuyên gia Liên Hợp Quốc, con số này cao hơn nhiều so với con số 2.400 tỷ USD cần thiết vào năm 2030 để các nước đang phát triển (trừ Trung Quốc) thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch và thích ứng với hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Bài phát biểu diễn ra vào thời điểm các đại diện từ khắp nơi trên thế giới đang họp tại Bonn (Đức), trụ sở về Khí hậu của Liên hợp quốc, để thúc đẩy các cuộc đàm phán về khí hậu trước COP29 dự kiến diễn ra ở Baku vào cuối năm (11-22/11). Cuộc họp này dự kiến sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận mới về việc các nước giàu có hỗ trợ tài chính cho phần còn lại của thế giới để đạt được các mục tiêu về khí hậu.
Tại sao chúng ta khai thác ngày càng nhiều năng lượng hóa thạch? |
Căng thẳng địa chính trị và năng lượng hóa thạch |
Tại sao EU muốn từ bỏ Hiệp ước Hiến chương Năng lượng? |
Anh Thư