TP HCM: Người dân mỏi mòn chờ dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng hoàn thành
(PetroTimes) - Mỗi khi triều cường dâng, người dân khu Nam TP HCM lại bì bõm lội nước. Trong khi dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 (dự án ngăn triều 10.000 tỷ) nhiều năm vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Dân khổ vì triều cường
Đường Trần Xuân Soạn (quận 7) là một trong số những con đường chịu ảnh hưởng bởi triều cường. Hơn 10 năm qua, kể từ khi dọn về đường Trần Xuân Soạn sinh sống, gia đình bà Trần Thị Mỹ Lệ phải sống chung với ngập do triều cường. Mỗi khi triều cường dâng gia đình bà Lệ lại bì bõm lội nước.
Triều cường dâng ngập đường Trần Xuân Soạn (quận 7) khiến các phương tiện chết máy. |
Theo bà Lệ, người dân nơi đây ai cũng ngán ngẩm cảnh lội nước, những đứa trẻ nhỏ đi học cũng phải cõng trên vai. Nước ngập, việc kinh doanh buôn bán của người dân cũng khó khăn. Dù vậy, người dân sống trên đường Trần Xuân Soạn cũng không biết làm gì hơn ngoài việc nâng nền, sửa nhà để chống ngập.
“Nước ngập đi lại, sinh hoạt đều khó khăn, dân ở đây ai cũng ngán, nhưng biết làm gì được chỉ còn cách nâng nền nhà, người không có tiền thì phải chịu cảnh sống chung với ngập”, bà Lệ chia sẻ.
Nước ngập việc mua bán của người dân cũng bị ảnh hưởng. |
Bà Lệ cho biết, mỗi đợt triều cường nước dâng qua mặt đường hơn 30cm. Khi nhà bà chưa nâng nền, nước ngập hư hỏng nhiều đồ đạc trong nhà. Dù hiện nhà bà Lệ đã được nâng nền cao hơn, nhưng bà vẫn phải dùng ván gỗ chắn ngang cửa vì sợ xe chạy sóng đánh nước tràn vào nhà.
Cũng trong hoàn cảnh như bà Lệ, 20 năm sống trên đường Trần Xuân Soạn, không ít lần anh Nguyễn Thế Thanh chứng kiến cảnh xe chết máy mỗi khi người dân đi qua khu vực bị ảnh hưởng bởi triều cường. Nước dâng cao cộng với sóng vỗ mỗi khi các phương tiện 4 bánh đi qua khiến nhiều xe máy bị xô ngã.
“Mỗi khi triều cường lên không chỉ xe chết máy, mà nhiều phương tiện cũng té ngã do vấp ổ gà hay sóng đánh”, anh Thanh cho hay.
Dự án ngăn triều 10.000 tỷ “giậm chân tại chỗ”
Trong khi người dân phải sống trong cảnh ngập nước do triều cường thì dự án ngăn triều 10.000 tỷ đã trễ hẹn 6 năm.
Trước đó, vào năm 2016, dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng được khởi công với mục tiêu kiểm soát ngập do triều cường, ứng phó biến đổi khí hậu cho 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân ven sông Sài Gòn và trung tâm TP HCM. Đây được xem là dự án chống ngập có quy mô vốn lớn nhất thành phố. Dự án đã hoàn thành hơn 90%, hiện vẫn cần khoảng 1.800 tỷ đồng để hoàn thiện 10% còn lại. Tuy nhiên, nhà đầu tư không còn đủ khả năng tài chính, thời gian vay kéo dài nên ngân hàng không tiếp tục cấp vốn nên dự án đã tạm dừng thi công từ tháng 11/2020 đến nay.
Bà Phạm Thị Nhung (ngụ quận 7) cho biết, bà thường đi làm ngang cống ngăn triều Tân Thuận (một trong 6 cống ngăn triều của dự án ngăn triều 10.000 tỷ) nhiều năm nay công trình vẫn đứng yên không có hoạt động thi công, xây dựng.
“Nghe nói dự án này giải quyết ngập do triều cường nên người dân ai cũng trông ngóng nhưng thấy lâu lắm rồi vẫn chưa xong. Ngày nào tôi cũng đi qua đây nhưng không thấy xây dựng gì”, bà Nhung cho hay.
Công trình cống kiểm soát triều Tân Thuận (quận 7) yên ắng, không có hoạt động xây dựng. |
Tại buổi tiếp xúc cử tri vào đầu tháng 5/2024, cử tri quận 7 và huyện Nhà Bè bày tỏ lo lắng khi dự án ngăn triều 10.000 tỷ vẫn “đắp chiếu” trong khi mùa mưa ngập đã đến.
Trả lời cử tri về dự án này, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, thông tin về dự án này so với lần tiếp xúc cử tri lần trước thì không có gì tiến triển hơn và đây là vấn đề nhức nhối.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, các biện pháp vay trước đây từ ngân hàng đã dừng lại, huy động trái phiếu, huy động các nguồn khác không có nên nhà đầu tư đề nghị TP HCM thanh toán khối lượng đã hoàn thành được kiểm toán. Thành phố thống nhất việc này, nhưng phải theo quy định của pháp luật. Vì đây là dự án BT (xây dựng - chuyển giao) nên dự án phải hoàn thành, thanh toán trước bằng đất, thanh toán bằng tiền sau. Những quy định này kéo dài và đến giờ này, TP HCM vẫn chưa thanh toán được. Mặc dù năm 2023 TP HCM đã bố trí 5.700 tỷ đồng, năm 2024 là 6.800 tỷ đồng cho dự án, nhưng vẫn chưa giải ngân được, do đó nhà thầu không có tiền để làm tiếp dự án. TP HCM đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép cơ chế để nhà thầu có thể vay ngân sách TP HCM, hoàn thiện dự án.
Nhà đầu tư dự án cho biết, hiện dự án phát sinh lãi vay mỗi ngày gần 2 tỷ đồng. Do đó, nhà đầu tư đề nghị phần lãi phát sinh này phải được ghi nhận vào dự án bằng cách điều chỉnh tổng mức đầu tư, tương tự cách TP HCM thực hiện với dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Theo tính toán của nhà đầu tư, việc tạm dừng và kéo dài dự án quá lâu khiến tổng mức đầu tư từ gần 10.000 tỷ đồng đã tăng lên hơn 14.000 tỷ đồng.
Dự án ngăn triều 10.000 tỷ do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 đầu tư theo hình thức BT. Dự án đi qua các quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh, với tổng cộng 6 cống ngăn triều lớn, rộng 40-160m, gồm: Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định. Dự án cũng làm tuyến đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh, dài 7,8km. Từ khi khởi công đến nay dự án đã tạm dừng thi công 3 lần: Lần 1 tạm dừng 10 tháng, lần 2 là 8 tháng và lần 3 tạm dừng từ ngày 15/11/2020 đến nay. |
Toàn cảnh dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng sau gần 4 năm tạm ngừng thi công
|
Phương Ngân